.
.

Một số hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ

Thứ Hai, 29/07/2013|16:01

 

Tri ân các anh hùng liệt sỹ, thăm hỏi động viên các gia đình chính sách; làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, với các địa phương về tình hình KT-XH, với một số cơ quan, bộ ngành về một số vấn đề cấp thiết là những hoạt động nổi bật của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng  trong tuần (từ 22-27/7).

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo VN chiều 23/7
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo VN chiều 23/7

 

 

Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2013), sáng (27/7) tại Hà Nội, cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng trong tuần qua, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh đã tới dự các hoạt động nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ, thăm hỏi và động viên các thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, thăm các gia đình chính sách ở một số phương như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Long An, TP.HCM, Hà Nội,…

Thủ tướng làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Trong buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam (chiều 23/7) tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu Hội Nhà báo cần tăng cường chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cấp hội; tạo sự gắn kết cũng như nâng cao chất lượng hoạt động, chỉ đạo thực hiện hiệu quả kinh phí hỗ trợ cho các cấp hội để nâng cao chất lượng báo chí nói chung và chất lượng Giải Báo chí quốc gia nói riêng.

Thủ tướng cũng đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam về một số vấn đề như: Điều lệ Hội; biên chế, kinh phí và điều kiện hoạt động cho các cấp hội; tuổi và chế độ của cán bộ làm công tác hội; Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và địa phương giai đoạn 2016-2020”; công tác đối ngoại báo chí...

Ngày 24/7, chủ trì cuộc họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 – 2015 bàn về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho ý kiến chỉ đạo xây dựng các nội dung của dự thảo Đề án, nhất là những vấn đề liên quan đến quan điểm chỉ đạo, mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của đất nước đến năm 2030.

Nhấn mạnh công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là vấn đề lớn, hệ trọng, phức tạp, cũng là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng đề nghị Ban soạn thảo Đề án tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp nhằm sớm hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Chính phủ tiếp tục xem xét, thảo luận, sau đó Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Trung ương xem xét.

Hoạt động của các Phó Thủ tướng

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức sáng 26/7.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức sáng 26/7.

 

 

Trong các ngày 22 và 24/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh Lai Châu, Thanh Hóa về các giải pháp phát triển KT-XH địa phương 6 tháng cuối năm cũng như công tác đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy và công tác dân tộc trên địa bàn.

Tiếp đó vào sáng 26/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Phó Thủ tướng cho rằng công tác cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, còn mang tính hình thức; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến công tác này, chưa coi đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cải cách chế độ công chức, công vụ...

Do đó, yêu cầu trong thời gian tới của công tác này là cần nêu cao quyết tâm chính trị nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nói chung, cải cải cách chế độ công vụ, công chức nói riêng, coi đây là trách nhiệm và là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mỗi bộ, ngành, địa phương.

Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự cuộc họp của Ban Chỉ đạo TƯ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phó Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng và thống nhất tiêu chí đời sống văn hóa ở khu dân cư theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Trong đó cần thống nhất chỉ đạo, thống nhất về cơ chế tài chính, cơ chế biểu dương, khen thưởng và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về văn hóa, trong đó, yếu tố gia đình phải là trụ cột.

Họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch về đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nhân lực năng lượng nguyên tử tại 7 trường trên toàn quốc, đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành trong nhiệm vụ xây dựng chính sách liên quan đến công tác đào tạo nhân lực năng lượng nguyên tử.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong một lần thị sát hiện trạng rừng khu vực Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong một lần thị sát hiện trạng rừng khu vực Tây Nguyên.

 

 

Sáng 24/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải họp với Ban Chỉ đạo các dự án ODA do Nhật Bản tài trợ, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án này. Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường các đoàn kiểm tra, lập danh sách để  kiên quyết xử lý tình trạng chậm trễ, cải thiện tiến độ giải ngân vốn ODA hiện nay.

Hiện 55 dự án ODA của Nhật Bản đang được triển khai với tổng số vốn đã ký kết đạt 12,71 tỷ USD, đa dạng các lĩnh vực giao thông, năng lượng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nông thôn, nông nghiệp, môi trường, y tế, giáo dục đào tạo, truyền thông,… nhưng nhiều dự án đang vướng mắc, chậm tiến độ mà chủ yếu nằm ở khâu GPMB, quá trình chuẩn bị dự án chưa kỹ lưỡng và phối hợp không tốt giữa các đơn vị hữu quan.

Tại cuộc họp về Đề án rừng tự nhiện và công tác kiểm lâm ngày 25/7, Phó Thủ tướng chỉ đạo siết chặt quản lý chặt khai thác gỗ, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để đến năm 2020 sẽ tạo được những khu rừng sản xuất đủ điều kiện khai thác bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hiện  thực trạng rừng đang giảm sút nghiêm trọng cả về chất lượng và diện tích. Tổng trữ lượng rừng tự nhiên sản xuất của cả nước là 350 triệu m3, thì trong đó rừng giàu chỉ đạt 57 triệu m3 với diện tích 225.035 ha, chiếm 5%. 80% là rừng nghèo.

Trong các ngày 25, 26, 27/7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đi kiểm tra và khảo sát thực tế tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Long An.

Làm việc với các địa phương trên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định chủ trương chung của Đảng, Nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp chủ động liên kết với người dân. Nhà nước sẽ nghiên cứu để có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Trong thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương sẽ sớm nghiên cứu để ban hành những tiêu chuẩn, tiêu chí đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn.

Phó Thủ tướng khẳng định yếu tố mấu chốt mang lại những thành công trong lĩnh vực “tam nông” chính là việc phải ưu tiên phát triển sản xuất. Sản xuất là gốc của nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Việc xác định rõ tiềm năng, thế mạnh để́ xác định cơ cấu mùa vụ, sản phẩm của từng vùng, gắn kết với toàn tỉnh và với cả nước đã khẳng định hướng đi đúng, cần tiếp tục thực hiện một cách hiệu quả.  Các địa phương tiếp tục làm rõ để khẳng định những mô hình sản xuất phù hợp, đã được triển khai thành công trong thực tiễn. Từ đó, Trung ương sẽ tiến hành tổng kết để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong cả nước.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.