.
.

PPP và lời kêu gọi của Phó Thủ tướng

Thứ Ba, 24/09/2013|07:10

 

Hai tuần sau khi có ý kiến chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư theo hình thức PPP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục khẳng định quyết tâm và sự kỳ vọng của Chính phủ với mô hình đầu tư còn mới mẻ với Việt Nam này.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư theo hình thức PPP
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư theo hình thức PPP

 

Tham dự hội nghị ngày 19/9 kêu gọi đầu tư tham gia xây dựng dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết theo mô hình đối tác công-tư (PPP), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức PPP nhấn mạnh Chính phủ sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư.

Dự án Dầu Giây-Phan Thiết được Chính phủ hết sức quan tâm và đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong việc chuẩn bị, thiết lập cơ chế dự án và đưa ra thị trường một mô hình PPP đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tại một quốc gia đang phát triển. Sự quan tâm này cũng là điều dễ hiểu, vì có thể coi đây là dự án đóng vai trò “mở đường”, là “đứa con đầu lòng” của PPP tại Việt Nam, mà như người Việt vẫn thường nói, “đầu có xuôi” thì “đuôi mới lọt”.

Còn nhớ, 6 tháng sau khi Quyết định ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP có hiệu lực (ngày 15/1/2011), trong bài viết vềba khâu đột phá chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục khẳng định “phải huy động ngày càng nhiều đầu tư của xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng”, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các phương thức đầu tư hiệu quả, “nhất là phương thức hợp tác công - tư”.

Sự nhấn mạnh của người đứng đầu Chính phủ trong một bài viết nêu nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong cả nhiệm kỳ mới cho thấy PPP không phải là một giải pháp mang tính tạm thời.

Được khởi động trong một thời điểm mà nền kinh tế nói chung và ngân sách nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn, phải khẳng định rằng một mục tiêu rõ ràng của PPP là giảm áp lực vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư hạ tầng.

Song, động lực và mục đích của PPP không chỉ là vấn đề ngân sách. PPP còn được kỳ vọng sẽ giúp Nhà nước sử dụng được những kỹ năng, kinh nghiệm quản lý, công nghệ hiện đại và tính hiệu quả của khu vực tư nhân.

Riêng với Việt Nam, quyết tâm với PPP cho thấy quyết tâm của Chính phủ về những vấn đề lớn hơn và rất được quan tâm trong thời gian gần đây. Có thể thấy vai trò của PPP với tái cơ cấu đầu tư công, 1 trong 3 trọng điểm tái cơ cấu nền kinh tế.

Cũng không khó để nhận thấy vai trò của PPP trong quá trình đổi mới tư duy về vai trò của nhà nước. Nhấn mạnh tới vai trò của PPP với đầu tư hạ tầng, bài viết đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng cũng khẳng định cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận khi xác định vai trò của nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường: “tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế”. Nói PPP không phải giải pháp tạm thời là như vậy.

Nhìn từ một góc độ khác, quyết tâm càng lớn càng cho thấy Chính phủ nhận thức rất rõ ràng rằng sẽ không dễ dàng để thực hiện hiệu quả hình thức đầu tư hết sức mới mẻ này. Kết luận cuộc họp mới đây về PPP, lãnh đạo Chính phủ đã xác định lại rằng đây là vấn đề còn mới và là thách thức lớn, đồng thời đồng ý chủ trương hợp nhất Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế thí điểm PPP với Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT thành một Nghị định mới về PPP

Với những người quan tâm tới tiến trình triển khai PPP tại Việt Nam, đây là bước đi theo lộ trình. Quy chế thí điểm cũng đã nói rõ sẽ được thực hiện trong thời gian từ 3 đến 5 năm cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Quy chế. Ngay bản thân việc ban hành quy chế thí điểm cũng đã thể hiện rằng đây là một lĩnh vực phức tạp và phải có những bước tìm tòi, “dò đá qua sông”.

Cho tới nay, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra những trở ngại khiến nhà đầu tư còn e dè, như thủ tục đấu thầu phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng nhiều nơi rất khó khăn, khung pháp lý chưa thực sự hoàn chỉnh với quy chế thí điểm… Nhưng để bắt đầu một hành trình mới, không có cách nào khác là phải bước những bước đầu tiên, dù có thể còn chuệch choạc.

Điều quan trọng là, đặt trong chiến lược phát triển tổng thể của Việt Nam, Chính phủ đã có quyết tâm rõ ràng với PPP.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.