Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Thanh tra Chính phủ
Sáng 10/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thanh tra Chính phủ về công tác của ngành Thanh tra giai đoạn 2011-2013.
Chủ tịch nước làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thanh tra Chính phủ |
Tham dự buổi làm việc của Chủ tịch nước có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong giai đoạn 2011-2013, ngành Thanh tra đã có nhiều cố gắng và tạo sự chuyển biến về trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó công tác thanh tra đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, góp phần phát hiện phòng ngừa, xử lý vi phạm, thúc đẩy và chấn chỉnh một số hoạt động quản lý Nhà nước, hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực.
Trong giai đoạn 2011-2013, toàn ngành đã triển khai hơn 23.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 367.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm hơn 82.136 tỷ đồng, 293.708 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 40.036 tỷ đồng và 14.752 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật 2.946 tập thể, 5.443 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 192 vụ, 258 người.
Nhìn chung, kết quả thanh tra có chuyển biến tích cực, phát hiện xử lý vi phạm nhiều hơn so với những năm trước. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo đã được ngành Thanh tra triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và tạo sự chuyển biến tích cực. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo đã có nhiều tiến bộ rõ rệt, trách nhiệm được nâng lên, đã giải quyết được nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài, góp phần làm dịu tình hình khiếu nại tố cáo.
Ngành Thanh tra đã tham mưu giúp các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng chống tham nhũng gắn với việc thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Công tác phòng chống tham nhũng có sự chuyển biến, đã từng bước tạo niềm tin cho nhân dân và bạn bè quốc tế.
Ngành Thanh tra đã phát hiện 319 vụ, 517 người có dấu hiệu tham nhũng với 489,5 tỷ đồng, 9,3 ha đất; kiến nghị thu hồi 485,5 tỷ đồng, 6,3 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 17 tập thể, 218 cá nhân, xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu, chuyển cơ quan điều tra 111 vụ, 235 người. Tuy nhiên, ngành Thanh tra cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều hạn chế trong hoạt động thời gian qua như chuyển biến trong công tác thanh tra chưa đều; chưa trú trọng thanh tra công vụ; việc báo cáo, kết luận thanh tra còn chậm, hiệu quả xử lý sau thanh tra chưa cao; trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư còn vẫn còn nhiều thiếu sót, hiệu quả chưa cao, khiếu kiện vượt cấp chưa giảm, tình hình khiếu nại tố cáo còn diễn biến phức tạp; công tác phòng chống tham nhũng chưa tạo được sự chuyển biến đồng bộ, kết quả phát hiện xử lý tham nhũng chưa cao.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng nêu lên những khó khăn, bất cập trong công tác thanh tra hiện nay đang vướng mắc cần được tháo gỡ.
Đó là quá trình thanh tra phát hiện vi phạm kinh tế trên 100.000 tỷ nhưng thu hồi không được nhiều; thẩm quyền của Thanh tra còn nhiều hạn chế; chuyển cơ quan điều tra còn ít; muốn giải quyết khiếu nại, tố cáo phải giải quyết từ cái gốc là “cơ chế chính sách”, PCTN phải kê khai cho chặt chẽ kê khai tài sản, nhất là tiền mặt; xử lý mạnh về trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra tham nhũng…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, thời gian qua, ngành Thanh tra đã đóng góp không nhỏ trong công tác quản lý Nhà nước trên các mặt đời sống xã hội. Quá trình thanh tra phải kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa chữa kịp thời các chính sách để phòng ngừa, phát sinh các tiêu cực, sai phạm dẫn đến các khiếu kiện, tố cáo bức xúc kéo dài.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, là một trong những nhiệm vụ để ổn định chính trị-xã hội, việc giải quyết phải xác định đây là “thế trận lòng dân” mà ngành Thanh tra tham gia giải quyết, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của ngành Thanh tra.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến xây dựng ngành, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thanh tra viên về phẩm chất đạo đức và năng lực, phát huy những kết quả đạt được cũng như kiên quyết khắc phục hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, công chức để ngành Thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhất là trong quá trình giải quyết các vấn đề cần công tâm, khách quan, bảo đảm lợi ích của người dân và Nhà nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng nêu lên những bất cập, yếu kém của ngành Thanh tra khắc phục như sớm sửa Luật Thanh tra và tổ chức bộ máy của ngành Thanh tra nhằm từng bước giải quyết các vấn đề phức tạp mà nhân dân đòi hỏi, bức xúc đối với ngành Thanh tra.
Lê Sơn (Theo Chinhphu.vn)