Ban Kinh tế Trung ương: "Vừa chạy vừa xếp hàng" vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Đó là ý kiến nhận định của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về một năm hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Ban Kinh tế Trung ương ngày 7/1 tại Hà nội.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Trung tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Về phía Ban Kinh tế Trung ương có các đồng chí Ủy viên Trung ương, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phạm Xuân Đương, Đinh Văn Cương, Nguyễn Xuân Cường; các đồng chí Phó Trưởng ban: Bùi Văn Thạch, Nguyễn Ngọc Bảo và các đồng chí Phó Trưởng Ban kiêm nhiệm.
Một khối lượng công việc đồ sộ
Báo cáo tại Hội nghị, Tiến sĩ Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: Năm 2013, trong điều kiện Ban mới tái thành lập, có rất nhiều khó khăn, thách thức, cán bộ, công chức Ban Kinh tế Trung ương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành có chất lượng và khá toàn diện nhiệm vụ kế hoạch công tác 2013. Ban Kinh tế Trung ương đã chú trọng triển khai song song 2 nhiệm vụ cơ bản, vừa xây dựng, phát triển tổ chức, bộ máy, nhân sự, vừa triển khai thực hiện một cách toàn diện các nhiệm vụ chính trị, đảm bảo bám sát chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, tham gia nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định về lĩnh vực kinh tế - xã hội; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách lớn về kinh tế - xã hội; thẩm định các đề án về kinh tế - xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội của Đảng; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về kinh tế - xã hội; tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với một số cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Chất lượng công tác ngày càng được nâng lên, các đề án nghiên cứu, báo cáo thẩm định của Ban đều được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm cao và hoàn thành đúng tiến độ; nội dung báo cáo không chỉ thể hiện kết quả nghiên cứu của Ban mà còn quy tụ được trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, các nhà khoa học của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam và sự tham gia đóng góp của các ban, bộ, ngành, địa phương, tham khảo các bài học, kinh nghiệm quốc tế, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đến thời điểm này, với 12 nhiệm vụ nghiên cứu theo kế hoạch, Ban đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đạt 100% nhiệm vụ; đã ký 13 quy chế hợp tác với 13 cơ sở nghiên cứu khoa học lớn trong nước; hoàn thành 100% và đúng tiến độ yêu cầu các đề án trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7, 8 và trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2013, gồm 15 đề án, trong đó có đề án được triển khai từ rất sớm. Trong năm 2013, Trưởng Ban, các Phó Trưởng ban đã thăm, làm việc và kiểm tra tình hình triển khai, thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội tại Thành ủy Hà Nội, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương; các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng, địa phương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết về phát triển kinh tế hợp tác.
Đưa các hoạt động của Ban dần đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả. Tổ chức đảng, đoàn thể của Ban Kinh tế Trung ương đã cơ bản kiện toàn xong và phát huy hiệu quả hoạt động. Đảng bộ cơ quan đã được thành lập rất sớm, tổ chức công đoàn cơ quan cũng vậy và sắp tới thành lập các tổ chức: Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Thanh tra nhân dân... Hiện nay, Ban có 120 biên chế, trong đó có 102 đảng viên, chiếm 85% trong tổng số biên chế của Ban, trình độ trên đại học: 76,67% (32 tiến sĩ = 26,67%; 60 thạc sĩ = 50%).
GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Công tác phát triển và khai thác trí tuệ đội ngũ cộng tác viên, hợp tác với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu là một trong những nội dung trọng tâm được Ban tập trung chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả, thành công nổi bật trong năm 2013, mở ra cơ hội lớn để huy động tối đa trí tuệ của các nhà quản lý, khoa học, đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước trong thực hiên các nhiệm vụ chính trị của Ban. Trong năm vừa qua, các cuộc hội thảo, tọa đàm đã thu hút hàng nghìn lượt chuyên gia trong các lĩnh lực tham gia, góp ý và đã góp phần rất quan trọng để đảm bảo nội dung và nâng cao chất lượng các đề án nghiên cứu, thẩm định trong năm 2013 của Ban Kinh tế Trung ương trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tham mưu chiến lược có hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Năm 2014, tiếp tục bám sát chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bám sát diễn biến tình hình thực tiễn, Ban Kinh tế Trung ương tập trung nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời nỗ lực kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy, nhân sự, hoàn thiện các quy chế, quy định. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới về lĩnh vực kinh tế; đồng thời tham gia tích cực, có hiệu quả vào công việc tổng kết chung của Nhóm kinh tế và của Ban chỉ đạo Trung ương. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tham gia nghiên cứu, đề xuất theo phân công trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, nhất là về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Duy trì, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng báo cáo định kỳ về kinh tế - xã hội; xây dựng báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, triển vọng kinh tế năm 2014 và đề xuất các giải pháp cần thiết để đưa mục tiêu thành hiện thực. Ban cần bám sát nhiệm vụ, thẩm định các đề án trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9 và 10 trong năm 2014, các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban; đảm bảo tiến độ và nâng cao chất lượng, hàm lượng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trong các báo cáo thẩm định.
Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương; các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Chú trọng công tác giám sát và báo cáo kết quả giám sát tổng thể về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị; xây dựng kế hoạch và thực hiện một số cuộc giám sát chuyên đề đối với một số lĩnh vực, địa bàn và đơn vị cụ thể.
Bước đầu khẳng định vị thế mới
Với tư cách là một cơ quan đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác ngay thời điểm Ban Kinh tế Trung ương mới thành lập, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: Mặc dù Ban “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao. Ban Kinh tế Trung ương đã vào cuộc ngay từ những ngày đầu thành lập, triển khai thực hiện khá toàn diện mọi mặt công tác. Những báo cáo, nghiên cứu, thẩm định của Ban đã cung cấp cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những luận cứ có chất lượng tốt, tính thực tiễn cao, trong khi đó điều kiện lực lượng cán bộ của Ban là chưa nhiều. Việc Ban Kinh tế Trung ương đã ký văn bản hợp tác với 13 cơ quan nghiên cứu và quản lý, học viện, nhà trường trong cả nước về phối hợp thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương là rất ấn tượng, lực lượng đông đảo nhà khoa học tại các cơ quan này sẽ cùng giúp sức cùng Ban tham gia vào các đề án nghiên cứu, giám sát, thẩm định có tính thực tiễn đời sống và lý luận cao hơn. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng đánh giá việc Ban đã tổ chức các đoàn công tác triển khai ở các bộ, ngành, địa phương làm việc, kiểm tra, giám sát có sự thực tiễn rất cao; Ban luôn lắng nghe các ý kiến từ thực tiễn, phát hiện các vấn đề để tiếp tục nghiên cứu, có đóng góp trực tiếp, quan trọng vào các đề án trình ra Hội nghị Trung ương, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thực tế trong năm qua nhiều ý kiến phát biểu, các đề án thẩm định của Ban Kinh tế Trung ương đã được Trung ương quan tâm, đưa vào trình trong các Hội nghị Trung ương và văn bản hóa để tổ chức thực hiện.
Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trong phát biểu ý kiến, đã bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Kinh tế Trung ương trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh: Nhận thức được vị trí, vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực kinh tế - xã hội, cho nên trong năm vừa qua Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương trong việc thông tin, báo cáo kịp thời về tình hình an ninh kinh tế, cảnh sát kinh tế để phục công tác nghiên cứu, giám sát, thẩm định các đề án và thực hiện nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Hội nghị, PGS.TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: “Đúng là kỳ này Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặc biệt quan tâm tới vị trí, vai trò của Ban Kinh tế Trung ương, Trung ương đã bố trí được bộ máy lãnh đạo Ban rất mạnh, củng cố vững chắc, bộ máy cán bộ nghiên cứu của Ban, tuyển chọn được những người giỏi, có bản lĩnh chính trị vững vàng và kinh nghiệm nghiên cứu, thực tiễn cao. Tôi nghĩ bây giờ chỉ làm sao cho hiệu quả công việc của Ban ngày càng nâng lên. Mới qua một năm, nhưng Ban Kinh tế Trung ương đã làm được rất nhiều việc tham mưu, nghiên cứu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương có hiệu quả cao”.
P.V