.
.

Cải thiện năng suất lao động quốc gia

Thứ Sáu, 09/08/2019|15:44

Đã đến lúc cần xây dựng một Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, trong đó, các trụ cột khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về năng suất và tăng trưởng bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị về cải thiện năng suất lao động quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị về cải thiện năng suất lao động quốc gia.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, vấn đề nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam đã được đưa vào nhiều các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và ở châu Á nói riêng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Malaysia,… đã dành sự quan tâm và đầu tư lớn vào vấn đề năng suất quốc gia thông qua xây dựng và phát triển được các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của đất nước. 

Do đó, để đạt được mục tiêu đã đề ra, đồng thời thu hẹp khoảng cách về năng suất với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, cũng như thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, trong đó, các trụ cột khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về năng suất và tăng trưởng bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, bản dự thảo kế hoạch cần đưa ra 3 mục tiêu trước mắt Việt Nam cần đạt được đó là: Thúc đẩy năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Phát triển những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để đạt được những mục tiêu trên, cần sự kết hợp đồng bộ của nhiều nhiệm vụ khác nhau và sự vào cuộc tích cực của tất cả các Bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, cần chú trọng thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm dưới đây để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra một cách nhanh chóng.

Trước hết, cần nâng cao năng suất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lý giải điều này, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hiện nay, mức năng suất của doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thấp. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong những khâu sản xuất mang lại giá trị gia tăng thấp (gia công). Những doanh nghiệp này chủ yếu là thâm dụng lao động, hoạt động chưa hiệu quả và chưa có sự quan tâm đúng mức về năng suất. Đó chính là những cản trở lớn để cải thiện năng suất quốc gia. Do đó, cần đề xuất các giải pháp để nâng cao năng suất cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần vào cải thiện năng suất của toàn nền kinh tế.

Thứ hai, thúc đẩy năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp lớn trong nước.

Mặc dù chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong nền kinh tế, nhưng doanh nghiệp lớn trong nước chính là một bộ phận góp phần lớn vào thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đồng thời giảm sự lệ thuộc quá mức vào khối doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn trong nước cũng được xem là lực lượng tiên phong để góp phần cải thiện năng suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và hợp tác. Đi cùng với đó, tìm kiếm và phát hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng để phát triển thành các doanh nghiệp lớn trong tương lai và tạo đà cho các doanh nghiệp lớn tăng trưởng và phát triển.

Để hiện thực hóa nhiệm vụ trọng tâm này, giải pháp cần tập trung đó là: Thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, thúc đẩy năng suất nội ngành theo hướng chuyển dịch công đoạn có giá trị gia tăng thấp sang công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị

Hiện nay, cả 3 khu vực kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, Công nghiệp và xây dựng và Dịch vụ đều phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến cơ cấu, có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của toàn nền kinh tế. Các vấn đề đó là hầu hết các ngành đều đang ở các công đoạn thấp nhất, tạo ra giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu; các ngành vẫn dựa chủ yếu vào phương thức sản xuất kinh doanh truyền thống, các cụm liên kết ngành vẫn còn tương đối yếu và vẫn chưa quan tâm đúng mức cho hoạt động R&D và ứng dụng KHCN.

Năng suất phải là động lực tăng trưởng ở cả 3 khu vực kinh tế. Thông điệp nâng cao năng suất cần được truyền đi để tất cả các ngành đều đi đúng hướng trong nỗ lực chung nâng cao năng suất quốc gia.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam hiện có một đội ngũ nhân lực khá dồi dào so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, hầu hết các ngành hiện nay đều đang đối mặt với sự thiếu hụt lao động có kỹ năng, có tay nghề và lao động chất lượng cao trong lĩnh vực quan trọng đó là nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin và kỹ thuật.

Do đó, nhiệm vụ trọng tâm đó là phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, tức là lực lượng lao động có kỹ năng tốt và làm việc hiệu quả. Theo đó, hai chương trình nền tảng được xem là then chốt trong phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động. Chương trình thứ nhất nhằm truyền đạt những kỹ năng cơ bản cho người lao động đó là kỹ năng giao tiếp và công nghệ thông tin. Chương trình thứ hai nhằm đào tạo nhận thức chung về năng suất với các nội dung như khái niệm, công cụ và lợi ích của năng suất đối với từng đối tượng lao động khác nhau.

Thứ năm, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn đang còn một khoảng cách tương đối xa để tiệm cận với các quốc gia đi đầu về đổi mới sáng tạo. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, Việt Nam cần phải xây dựng tiềm lực về R&D và tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề  án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại các Bộ, ngành, địa phương.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần trang bị những yếu tố cần thiết để luôn sẵn sàng đáp ứng nhanh những thay đổi của toàn cầu. Do đó, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng một cách có trọng tâm, trọng điểm và thúc đẩy phát triển công nghệ của tương lai được xem như là cốt lõi của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thứ sáu, nuôi dưỡng môi trường đầu tư kinh doanh.

Môi trường kinh doanh của một quốc gia được xem xét trên 3 khía cạnh đó là thị trường hàng hóa, thị trường lao động và thị trường tài chính.Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thị trường hàng hóa của Việt Nam xếp hạng tương đối thấp so với các quốc gia trên thế giới, cụ thể là đứng thứ 102 trên 140 quốc gia năm 2018.

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh của WEF, thị trường lao động của Việt Nam được xếp hạng 90 trên 140 quốc gia. Đây vẫn là mức xếp hạng thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, thị trường lao động Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như: Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động (92/140), Mức độ linh hoạt trong xác định tiền lương (89/140), Chi phí cho lao động dư thừa (106/140) và Mức độ tín nhiệm đối với cấp quản lý (124/140).

Theo đánh giá của WEF, trong 3 thị trường trên, thị trường tài chính xếp thứ hạng cao nhất (59/140). Tuy nhiên, một số vấn đề thị trường tài chính vẫn đang phải đối mặt hiện nay đó là Chênh lệch tín dụng (101/140), Tỷ lệ vốn pháp định của ngân hàng (111/140) và Mức độ lành mạnh của hệ thống ngân hàng (113/140).

Do đó, để xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, cần tiếp tục thực hiện các cải cách để cải thiện thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường hàng hóa và thị trường lao động của Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ bẩy, cải thiện khuôn khổ thể chế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tác động của khuôn khổ thể chế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có  ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Khuôn khổ thể chế bao gồm: Khung kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh chung, độ mở thương mại và đầu tư nước ngoài, hệ thống thuế, trình độ và chất lượng doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng…

Từ góc nhìn năng suất, thể chế có  ảnh hưởng lớn tới năng suất và các yếu tố thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm đó là các yếu tố thể chế cần được phối hợp hiệu quả để nâng cao năng suất của nền kinh tế. Theo đó, các yếu tố thể chế cần được phân tích, đánh giá cụ thể để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hiện thực hóa chiến lược này.

Trên cơ sở phân tích trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giao Ủy ban về khoa học và công nghệ của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục định hướng, cơ chế, chính sách, biện pháp chỉ đạo về khoa học và công nghệ thúc đẩy năng suất của nền kinh tế, năng suất của các ngành, lĩnh vực và năng suất của doanh nghiệp; định kỳ hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và công bố Báo cáo năng suất Việt Nam; đồng thời, tiếp tục giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan và tổ chức năng suất châu Á (APO) xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030./.

Theo Chinhphu.vn

 

.
.
.
.