Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phát triển Đồng bằng sông Hồng liên kết, toàn diện và bền vững
Sáng 9/5, kết luận Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (Hội đồng), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh với tư duy mới, cách làm mới, niềm tin mới, tầm nhìn mới, tạo ra giá trị mới, triển khai thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng đảm bảo “truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Hội nghị đã công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW; rà soát cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng; đánh giá việc triển khai các dự án trọng điểm kết nối liên kết vùng, liên kết ngành trong vùng; rà soát kết quả thực hiện các nhiệm vụ và kế hoạch điều phối vùng.
Đặc biệt, Hội nghị cũng đề xuất các đột phá chiến lược; xác định rõ các ưu tiên để huy động, phân bổ nguồn lực; phân tích những thách thức, các nhiệm vụ, giải pháp, các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng.
Triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết của Bộ Chính trị
Hội nghị đánh giá ngay sau khi Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động theo Nghị quyết số 14 của Chính phủ được ban hành, các bộ, ngành và địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã khẩn trương quán triệt các nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Qua hơn 1 năm triển khai, vùng Đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả tích cực.
Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 21 chỉ tiêu phát triển, 36 nhiệm vụ, 20 dự án quan trọng của vùng cần thực hiện đến năm 2030. Đến nay, đã hoàn thành 3/36 nhiệm vụ; đã phê duyệt quy hoạch 9/11 tỉnh trong vùng. Các nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các Bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai theo tiến độ.
Đối với 20 dự án quan trọng, liên kết vùng, 7 dự án đã khởi công triển khai thực hiện; 8 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư; các dự án còn lại đang được nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới. Một số dự án quy mô lớn của vùng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực ngân sách Trung ương để triển khai như đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng…
Tình hình phát triển kinh tế-xã hội của vùng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế, gấp 1,24 lần so với bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt hơn 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế.
GRDP bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng, đứng đầu cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD, trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.
Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, đề xuất các chính sách về đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia; Đề án về đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn; Nghị định về hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ cao; các chính sách về quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát… để áp dụng chung cho vùng; chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ…
Các hoạt động hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng được các bộ, ngành và các địa phương trong vùng tích cực triển khai phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững để tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế-xã hội vùng, nhằm cụ thể hóa chủ trương hợp tác về liên kết vùng tại Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 14.
Nhiều dự án quan trọng, liên kết vùng đang được triển khai tích cực như Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư: các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng…
Hội nghị đánh giá, mặc dù thời gian triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ được hơn 1 năm và Hội đồng điều phối Vùng vừa được thành lập, nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dành ưu tiên nguồn lực tập trung, nhất là nguồn lực ngân sách Trung ương, các bộ, địa phương trong vùng đã quán triệt nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Về cơ bản, kinh tế-xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn. Chất lượng cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Hồng ngày càng được cải thiện, có 4/11 địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước. Thể chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện. Hoàn thành Quy hoạch vùng và 9/11 Quy hoạch tỉnh làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương được giữ vững ổn định. Công tác đối ngoại được mở rộng cả về đối tác và nội dung hợp tác, trong đó chú trọng đối ngoại kinh tế, xúc tiến thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, vùng còn một số khó khăn về hạ tầng đô thị, các vấn đề về môi trường có tính liên vùng; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Tư duy mới, cách làm mới tạo ra giá trị mới
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch; yêu cầu các địa phương trong vùng khẩn trương hoàn thiện xây dựng quy hoạch và chương trình, hành động thực hiện quy hoạch.
Đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai bài bản các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt quá trình từ khi xây dựng các Nghị quyết, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và xây dựng các quy hoạch 6 vùng kinh tế-xã hội, trong đó có Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch tỉnh trong vùng, với tư duy mới, cách làm mới, niềm tin mới, tầm nhìn mới, tạo ra giá trị mới.
Thủ tướng biểu dương sự cố gắng của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong vùng trong việc xây dựng trình cấp có thẩm quyền các cơ chế chính sách; xây dựng, khởi công các dự án kết nối vùng; nỗ lực đạt được thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, với những kết quả “cân, đong, đo, đếm được," tạo khí thế mới, động lực mới, đổi mới sáng tạo hơn.
Thủ tướng cho rằng, quá trình phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng còn đối mặt với một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như: phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế, thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp; hạn chế về tính liên kết; hạn chế trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng; hạn chế trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phát triển văn hóa-xã hội chưa đáp ứng nhu cầu; chưa phát huy được giá trị văn hóa đặc sắc của vùng…
Chỉ rõ 3 bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, cả vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả thực chất; phát huy tinh thần tự lực, tự cường của mỗi tỉnh, thành phố nhưng phải liên kết chặt chẽ, hiệu quả để phát triển chung cho cả vùng; có cơ chế chính sách thông thoáng, có hạ tầng thông suốt, có quản trị thông minh.
Cho rằng, xây dựng quy hoạch là quan trọng, song việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng không kém, Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng đảm bảo “truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững." Trong đó, triển khai quy hoạch và phát triển kinh tế-xã hội vùng bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết số 30 của Trung ương; tuân thủ nghiêm và đồng bộ quy hoạch; xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Cùng với đó tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ về phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; làm mới các động lực cũ, tập trung cho các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh thông tin truyền thông để Nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết-Dân bàn-Dân làm-Dân kiểm tra -Dân giám sát-Dân thụ hưởng."
Đối với hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Hội đồng tổ chức thực hiện công việc, hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, với sự đam mê, nhiệt huyết, vì đất nước, vì nhân dân; chú trọng hơn nữa tới vai trò liên kết, kết nối của vùng. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị."
Nhất trí với Hội nghị về việc tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc, khơi thông cho phát triển./.
Theo TTXVN