.
.

Nghiêm túc tự phê bình và phê bình để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý

Thứ Ba, 06/03/2012|22:10

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI đã ra nghị quyết: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay".

Nghị quyết đã đánh giá tình hình và nguyên nhân, mục tiêu và phương châm, đề ra các nhóm giải pháp và tổ chức thực hiện rất rõ ràng, mạnh mẽ và quyết liệt.

Về đánh giá tình hình: "Thành tựu 25 năm đổi mới là thành quả của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên". Ðánh giá này làm cho toàn dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng. Ða số cán bộ, đảng viên có ý thức phục vụ nhân dân tốt hơn.

Về hạn chế, yếu kém, Nghị quyết chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...". Những khuyết điểm, yếu kém này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục. Nếu lần này, không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ.

Nghị quyết lần này, Trung ương rất chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đồng thời kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Ðảng.

Như chúng ta đều biết, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, khi đã trở thành Ðảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trước hoàn cảnh mới, người cán bộ, đảng viên có chức, có quyền dễ bị quan liêu, hách dịch, thoái hóa, biến chất. Người nói: "Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng". Người luôn luôn nhấn mạnh phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Phải xem tham ô, lãng phí, quan liêu... là "thứ giặc nội xâm"; chung quy tất cả những thói hư tật xấu đều từ chủ nghĩa cá nhân mà ra và cần kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi.

Về tự phê bình và phê bình, Hội nghị Trung ương lần thứ tư nhấn mạnh "Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống".

Những vấn đề nêu trên đều tập trung hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp một lòng, một dạ vì Ðảng, vì dân mà phục vụ, trên cơ sở tự giác và nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Bởi vì, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích tự phê bình và phê bình là nhằm xây dựng, thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi cán bộ, đảng viên. Người cũng phê phán "Sợ mất oai tín và thể diện mình, không dám tự phê bình.

Lại nói: Nếu phê bình kiểm điểm của mình, của đồng chí mình, của Ðảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta.

Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Ðể đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết "cũng la lết quả dưa".

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển tất yếu của một đảng cầm quyền, là vũ khí rất cần thiết và sắc bén giúp chúng ta sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và phát huy ưu điểm.

Có tổ chức tốt tự phê bình và phê bình mới hiểu rõ và đánh giá đúng đội ngũ cán bộ; mới phát hiện người có đức có tài để sử dụng, đề bạt và mới có cơ sở để bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ. Trước khi cất nhắc, đề bạt cán bộ phải nhận xét rõ ràng, phải xem xét cách công tác, cách sinh hoạt, cách nói, cách viết, cách làm, cách đối xử với mọi người, biết cả ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ. Vì công việc mà đặt người phụ trách chứ không vì người mà định việc. "Có vào, có ra, có lên có xuống" phải trở thành nền nếp bình thường trong công tác cán bộ. Tránh kiểu bố trí cán bộ: "Tiều phu đi đánh cá, ngư phủ đi đốt than" thì chẳng những cán bộ không thể phát huy năng lực, sở trường mà còn tổn hại cho sự nghiệp chung.

Tóm lại, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải làm gương trước đảng viên và nhân dân trong việc giữ gìn đạo đức, phẩm chất và lối sống, tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên nghiêm túc. Có như vậy dân mới tin, dân mới phục, dân mới yêu, từ đó làm cho dân tin Ðảng, yêu Ðảng, phục Ðảng, Ðảng mới giữ vững vai trò lãnh đạo, chế độ mới trường tồn.
 

Nguyễn Văn Chi 
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, 
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương 

 

(Theo báo Nhân Dân)

 

.
.
.
.