Việc cụ thể, hiệu quả lớn
Cán bộ, đảng viên, nhân dân đang mong mỏi Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết Trung ương 4 đã chính xác, đúng đắn khi đánh giá, nhận định tình hình cũng như chỉ rõ mục tiêu, phương châm và giải pháp thực hiện.
Có thể khẳng định, trong Nghị quyết cũng như bài phát biểu khai mạc, bế mạc Hội nghị và bài phát biểu tại Hội nghị triển khai, thực hiện Nghị quyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 27-2 vừa qua là rất đúng thực trạng công tác xây dựng đảng hiện nay, rất trúng tâm trạng, suy nghĩ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy vậy, nhiều nghị quyết trước đây cũng viết rất hay, rất trúng về vấn đề này, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 3 khóa X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Việc có nhiều nghị quyết hay, đúng nhưng làm lại chưa đạt yêu cầu đề ra đã đặt Nghị quyết Trung ương 4 lần này vào “thế khó”: liệu có rơi vào tình trạng như một số nghị quyết trước đây? Tuy nhiên, càng khó thì càng phải quyết tâm làm cho kỳ được. Điều này thể hiện ở việc ngày 24-2-2012, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; từ ngày 27 đến 29-2-2012, Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết này.
Tuy nhiên, cần bắt đầu từ đâu khi mà hàng loạt căn bệnh như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... đã ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trong xã hội nhiều năm qua. Vì vậy, chỉ có quyết tâm làm và làm cho bằng được thì mới không rơi vào “vết xe cũ”, mới có thể củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Vấn đề là ở chỗ bắt đầu từ vấn đề gì và làm từ đâu?
1. Từ vấn đề gì? Trong ba vấn đề cấp bách về công tác xây dựng đảng hiện nay thì nhiều người đều thống nhất rằng vấn đề trọng tâm và cấp bách nhất là “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”. Vì vậy cần phải tập trung vào những biểu hiện cụ thể của vấn đề này là gì? Một loạt biểu hiện đã được Nghị quyết chỉ rõ: phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Nói chung chung như vậy thì ai cũng dễ dàng đồng ý, thống nhất, nhưng khi “vận” vào từng tổ chức đảng, từng cá nhân cụ thể thì không hề đơn giản, dễ dàng. Những biểu hiện như “phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo tiền tài, kèn cực địa vị” rất khó có thể cân đong, đo đếm, phân loại một cách chính xác như một cộng một bằng hai được. Theo nguyên tắc thì “án tại hồ sơ”, không thể quy kết một cách thiếu chứng cứ. Hơn nữa, nhiều vụ việc ở tình trạng “rút dây động rừng” liên quan đến nhiều người, qua nhiều năm. Chính vì vậy, nên bên cạnh giải pháp phát động sự tự giác tự phê bình, phê bình của cán bộ, đảng viên thì phải kiểm điểm từ những việc nhỏ trước, to sau, dễ trước, khó sau, những vụ việc cụ thể dễ nhận biết kết luận trước.
Theo quan điểm trên thì tổ chức, cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền ở những lĩnh vực dễ xảy ra tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí kiểm điểm về những việc cụ thể trước. Bởi vì, tuy khó nhưng những hiện tượng này cũng có thể nhận diện được qua một loạt giải pháp như: căn cứ vào sự kê khai hằng năm của cán bộ, đảng viên về nhà cửa, đất đai, trang trại, cổ phiếu, cổ phần, phương tiện đi lại, sinh hoạt đắt tiền, việc con cái đi du học ở nước ngoài, sự giàu lên một cách nhanh chóng và những phát hiện mới của tổ chức, cá nhân; phát động quần chúng, nhân dân ở cơ quan, đơn vị, nơi cư trú tố giác, báo cáo những biểu hiện tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên. Yêu cầu cán bộ, đảng viên chứng minh cho được nguồn gốc tài sản, của cải, sự giàu có của bản thân, gia đình, vợ con. Những biểu hiện của sự bè phái, mất đoàn kết nội bộ, sự lãng phí trong lãnh đạo, chỉ đạo trong chi tiêu, sinh hoạt của cơ quan và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng dễ dàng phát hiện ra nếu có cơ chế giữ bí mật, bảo vệ những ý kiến, người dám nói thẳng, nói thật. Những kê khai của cán bộ, đảng viên cần phải được công khai cho tổ chức, cán bộ, đảng viên, quần chúng nơi công tác và nhân dân nơi cư trú biết để giám sát.
Việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình lần này cần gắn chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Từ những vụ việc cụ thể như thế, nếu được phát hiện, giải quyết dứt điểm, nghiêm túc thì dứt khoát hiệu quả sẽ rất lớn. Lớn nhất sẽ là củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân, trên cơ sở đó tiến tới làm những vụ việc lớn hơn, phức tạp hơn.
2. Làm từ đâu? Khi trò chuyện với Báo Điện tử ĐCS Việt Nam, nguyên Tổng Bí thứ Lê Khả Phiêu đã nói một cách rất hình ảnh: “Phải biết gội đầu”. Chỉ thị của Bộ Chính trị số15-CT/TW ngày 24-2-2012 về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đề ra phương châm, phương pháp tiến hành, đối tượng kiểm điểm, trong đó chỉ rõ “Bộ Chính trị, Ban Bí thư (tập thể và cá nhân), các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng kiểm điểm trước với tinh thần gương mẫu để cấp ủy, cán bộ, đảng viên cấp dưới thực hiện theo”. Như vậy đã rõ. Các cấp ủy, tổ chức đảng cũng như trong toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhân dân đang mong chờ điều đó. Tổ chức đảng các cấp, những người lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng như cán bộ, đảng viên bình thường bao giờ cũng có tư tưởng nghe ngóng, chờ đợi xem cấp trên, lãnh đạo, thủ trưởng của mình làm như thế nào để làm theo. Nếu trên gương mẫu, thật thà tự phê bình thì họ cũng làm theo, bằng không thì ngược lại. Yêu cầu hiện nay là làm sao dám nói thẳng, nói thật, nâng cao sức chiến đấu, thực hiện dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình theo phương châm mà Đảng ta đã đề ra từ lâu là “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau”.
Không thể cầu toàn, kiểm điểm một cách dàn trải, chung chung tất cả mọi mặt của một người cán bộ lãnh đạo, quản lý mà cần tập trung vào một số vấn đề, vụ việc cụ thể nổi lên mà dư luận quan tâm, có nhiều đơn, thư tố cáo của cán bộ, quần chúng nhân dân, những biểu hiện trong vi phạm Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như trách nhiệm cá nhân của cán bộ đó. Nhiều khi chỉ ra một vài khuyết điểm, sai sót cụ thể, vụ việc nhỏ của một cá nhân mà từ đó lại có tác động lớn đối với cá nhân đó cũng như của cả phong trào.
Thông thường, có thể nhiều người đều mắc phải những căn bệnh như nhau, nhưng do cơ địa của từng người khác nhau, nên không thể dùng đồng loạt một loại thuốc, với một liều lượng như nhau. Vấn đề là ở chỗ người bác sĩ biết chuẩn đoán đúng bệnh và kê đơn đúng thuốc chữa. Không phải cứ nhất thiết phải dùng thuốc ngoại đắt tiền là đem lại hiệu quả cao mà nhiều khi chỉ cần dùng thuốc nội rẻ tiền nhưng đúng người, đúng bệnh mà cứu được mạng sống của con người. Công tác xây dựng đảng của chúng ta hiện nay, dưới một góc độ nào đó cũng tương tự như vậy: từ việc giải quyết tốt những vụ việc cụ thể, có thể nhỏ nhưng nhiều khi hiệu quả lại lớn đến bất ngờ.