.
.

Phòng, chống tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi là nội dung trọng tâm trong tự phê bình, phê bình

Thứ Sáu, 18/05/2012|08:32

Bằng những hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc và dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân tôn vinh, giao phó cho sứ mệnh lãnh đạo đất nước theo hướng phát triển tất yếu của loài người là xây dựng một chế độ văn minh với lý tưởng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam với vũ khí tự phê bình và phê bình sắc bén, đang làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác nhằm từng bước phòng chống và loại trừ tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi trái với bản chất của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người. Vì vậy thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ…”.

Trong những bức xúc mà nhân dân chê trách cán bộ, đảng viên, mất niềm tin với Đảng nhất là vấn đề tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, là những cán bộ, công chức đã sa vào vũng bùn chủ nghĩa cá nhân kéo theo nhiều tệ nạn khác… Tham nhũng là bệnh của  một số quan chức đương quyền - với lòng tham không đáy, có quyền mới có điều kiện tham nhũng, đặc lợi.

Chúng ta đều biết rằng lương cao nhất như của Chủ tịch nước cũng chỉ là 10.790.000đ/tháng. Vậy mà trong cuộc sống hiện tại, nhiều cán bộ ở cấp thấp hơn nhiều lại có tới vài ba tư dinh, nhà cao, cửa rộng. Tiền đâu ra? Khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (2), một đồng chí lãnh đạo cao cấp, lúc đó có trách nhiệm lãnh đạo chỉnh đốn Đảng đến nói chuyện ở hội nghị cán bộ dân vận toàn quốc rằng: “Từ bộ trưởng trở lên không có tham nhũng…”. Nhưng đến khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 6 (2) đã cho thấy có cán bộ là ủy viên Trung ương Đảng - thủ trưởng của một ngành cấp bộ đã dính vào vụ tham nhũng lớn gây tai tiếng… Lại có đồng chí lãnh đạo xây dinh thự sang trọng trên một khu đất rất rộng, gây dư luận xôn xao trong cả nước, khi có người chất vấn, đồng chí đó nói rằng: Là người cộng sản cũng phải biết sống, biết hưởng thụ văn minh…

Nghị quyết Trung ương 6 (2) đã làm trong một thời gian dài (1999-2006). Tôi còn nhớ rất rõ, vào thời gian cuối, sau tự phê bình và phê bình, phần lớn thời gian Ban chỉ đạo và bộ phận thường trực làm những cuộc kiểm tra về tiêu cực, tham nhũng còn tồn đọng như ở Ngành Dầu khí, vụ PMU18…

Tham nhũng là một bệnh nan y, rất khó có thuốc đặc trị mạnh, nhất là khi chủ nghĩa cá nhân phát triển, lòng tham của con người vô hạn, lại có chức, có quyền nhưng chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi. Vì vậy tham nhũng không giảm, ngày càng tinh vi, vụ sau lớn hơn vụ trước. Họ lách luật, nắm quyền, nắm tiền, nắm đất, nên dễ bề tham nhũng qua các dự án, tạo ra sự liên kết, liên minh các nhóm lợi ích, thông qua những chính sách để ban phát bổng lộc cho nhau.

Năm 1992, tôi viết bài “Ghi chép về tệ nạn tham nhũng - buôn lậu” đăng trên trang nhất báo Nhân Dân. Sau đó tôi nhận được 30 lá thư phản hồi - những lá thư đồng tình, ủng hộ và có cả những lá thư lo lắng cho tôi: Người chống tham nhũng chưa thể an tâm vì chưa được bảo vệ an toàn, ngược lại còn bị trù dập, trả thù bằng nhiều biện pháp tinh vi. Tham nhũng hiện nay so với năm 1992 nhiều hơn, rộng hơn. Trên tham được thì dưới cũng nhũng được. Nhiều vụ lớn, sai phạm nghiêm trọng, điển hình như vụ Vinashin.

Khó khăn, phức tạp còn ở chỗ các cá nhân có trách nhiệm chống tham nhũng lại tham nhũng. Rồi có số người không nằm trong bộ máy công quyền, nhưng lợi dụng kẽ hở của luật lệ, lợi dụng lòng tham của cán bộ có chức, có quyền tạo liên kết để vơ vét làm giàu bất chính, làm lũng đoạn xã hội, làm hư hỏng hàng loạt cán bộ có chức vụ trong bộ máy công quyền. Sự hư hỏng của cán bộ, đảng viên không những bị kẻ xấu trong nước lợi dụng, mà cả những kẻ lừa đảo quốc tế lợi dụng. Như ở tỉnh P, có 4 doanh nhân vào đầu tư, họ được ngân hàng địa phương cho vay gần 800 triệu USD. Họ đã xây những khung nhà xưởng, nhưng làm ăn không được, chuồn về nước để lại cho địa phương những xác xưởng hoang vắng và món nợ kếch xù. Một đồng chí trung thực kể rằng: có một cán bộ lãnh đạo không phải cấp thấp đã nhiều lần được các đại gia mời đi ăn nhậu, say sưa đến nỗi quên cả tiền phong bao tại bàn ăn, ra về trong chuyếnh choáng hơi men. Không hiếm những câu chuyện về những cán bộ lãnh đạo, quản lý được các đại gia mời đi ăn nhậu, biếu xén, thậm chí còn mời tới miền “sung sướng”. Có một đầu bếp kể lại, một nhóm đại gia mời một quan chức cao cấp ăn nhậu tại một khách sạn loại sang ở Hà Nội đã đặt riêng cho quan chức đó 1 bát yến 2 triệu đồng. Tổng số tiền trả bữa nhậu sang trọng đó là bao nhiêu và đâu chỉ có ăn nhậu… Làm sao những cán bộ lãnh đạo, quản lý hư hỏng này tự phê bình là tôi đã đi ăn nhậu, đã nhận tiền? Cấp ủy có biết và nếu biết có dám phê bình khi thủ trưởng cơ quan thường đồng thời là bí thư cấp ủy đã biến chất này?

Vấn đề kê khai tài sản có làm được không và có thể minh bạch không? Đây là câu hỏi khó và là chờ đợi của nhân dân. Trong đợt tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 6 (2) ở một bộ lớn, một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của bộ G hỏi đồng chí N về dư luận nói đồng chí làm nhà lớn, đồng chí N đã trả lời tiền làm nhà do bên ngoại cho và nước ngoài gửi về. Thế là cho qua, không có kết luận rõ ràng, chẳng có thẩm tra xác minh. Đợt tự phê bình, phê bình của bộ G trôi qua êm ả. Liệu hiện tượng này có tiếp tục xảy ra trong dịp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4?

Tự phê bình và phê bình bản chất là vũ khí sắc bén của Đảng ta, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng Đảng, nhất là khi Đảng đã cầm quyền, gắn bó máu thịt những người đồng lý tưởng, bao hàm tính dân chủ rất cao. Tự phê bình và phê bình đã rất có hiệu quả trong thời kỳ Đảng ta hoạt động bí mật, thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Khi chuyển sang thời kỳ đổi mới, thời “cơ chế thị trường”, thời mở cửa, ta chưa có những biện pháp hữu hiệu để miễn dịch. Tự phê bình và phê bình cũng phải đổi mới với phương châm được chuẩn bị chu đáo nhất, với tổ chức chặt chẽ nhất và thận trọng nhất trên tình đồng chí, sự mong đợi của nhân dân. Phải có pháp quyền thay cho đặc quyền, khuyến khích nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra, xây dựng Đảng. Đã có nhiều nơi tổ chức để nhân dân phê bình cán bộ, đảng viên. Đó là cách làm hay cần được tổng kết, nhân rộng. Không dựa vào dân, không thể chống được tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi.

Tự phê bình, phê bình có hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với tinh thần đổi mới để Đảng ta trong sạch hơn, mạnh hơn là mong ước của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

Tạp chí Xây dựng Đảng

.
.
.
.