.
.

Hai Ban Đảng mới: Tham mưu về nội chính, phòng chống tham nhũng và KTXH

Chủ Nhật, 06/01/2013|21:25

Các quyết định của Bộ Chính trị (Quyết định số 159-QĐ/TW và Quyết định số 161-QĐ/TW) do đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư, ký ban hành ngày 28/12/2012, đã quy định 6 nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương, 5 nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương, cũng như cơ cấu tổ chức của hai Ban này.

Ban Nội chính Trung ương: Tham mưu về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng

Theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Bộ máy Ban Nội chính Trung ương gồm 9 đơn vị, trong đó có các vụ: Vụ Theo dõi xử lý các vụ án, Vụ Theo dõi công tác phòng chống tham nhũng, Vụ Cơ quan nội chính... thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ chính.

Thứ nhất là chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng; một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và phòng chống tham nhũng; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, các cơ quan có chức năng tư pháp trong Công an, Quân đội); Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ban Nội chính Trung ương được giao chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định.

Thứ hai, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ở các cơ quan nội chính, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao.

Thứ ba, thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thứ tư, tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính theo phân công, phân cấp, bao gồm cả việc bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp, thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Thứ năm, Ban Nội chính sẽ thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

Thứ sáu, thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Ban Kinh tế Trung ương: Tham mưu các chính sách lớn về kinh tế-xã hội

Quyết định của Bộ Chính trị nêu rõ chức năng của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương gồm 8 đơn vị, trong đó có 6 vụ chức năng, được giao thực hiện 5 nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định về lĩnh vực kinh tế-xã hội của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, về các vấn đề xã hội gắn với kinh tế theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia ý kiến với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan về các đề án, dự án kinh tế -xã hội lớn.

Thứ hai, thẩm định các đề án về kinh tế-xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thứ ba, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách về kinh tế-xã hội; chủ trì hoặc tham gia sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định,… của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế-xã hội.

Ban Kinh tế Trung ương sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững theo chương trình, kế hoạch và phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thứ tư, tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ở khối các cơ quan kinh tế-xã hội theo phân công, phân cấp.

Thứ năm, thực hiện những công việc khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

Sự phối hợp với các cơ quan tổ chức

Quyết định của Bộ Chính trị cũng quy định mối quan hệ công tác của Ban Kinh tế Trung ương với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, là quan hệ phối hợp trong việc tham mưu, đề xuất; thẩm định đề án; triển khai thực hiện những chủ trương, cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội và để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đối với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương có quan hệ phối hợp trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện những chủ trương, cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội của Trung ương.

Ban Kinh tế Trung ương có quyền yêu cầu các ban cán sự đảng bộ, ngành ở trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước có liên quan trong khối kinh tế-xã hội báo cáo định kỳ hoặc đột xuất.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương có quyền cử cán bộ, chuyên viên nghiên cứu của Ban tham dự các cuộc họp để bàn triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương; chủ trương công tác của các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt thuộc phạm vi được phân công về lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Với việc lập Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương, tổ chức bộ máy tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm 8 cơ quan: Văn phòng Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.