.
.

Các mô hình BHTG và việc xây dựng một hệ thống BHTG hiệu quả tại Việt Nam

Thứ Bảy, 26/11/2011|22:07

 

Cũng như các loại hình bảo hiểm khác, bảo hiểm tiền gửi (BHTG) dựa trên nguyên tắc “lấy số đông bù số ít”. Song đặc thù của BHTG còn là thực hiện chính sách công nhằm mục tiêu bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng (và rộng hơn là hệ thống tài chính)  

Thế giới đã chứng kiến sự ra đời của một số mô hình bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Khái quát lại, hiện có 3 mô hình hoạt động đối với các tổ chức BHTG, đó là: 

1. Mô hình chuyên chi trả. Theo mô hình này, tổ chức BHTG được thành lập chỉ nhằm thực hiện một nhiệm vụ là chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị phá sản, nhằm thực hiện một số mục tiêu của chính sách công, trong đó hai mục tiêu quan trọng nhất là: (i) khẳng định cam kết của chính phủ về sự bảo đảm của nhà nước thông qua một tổ chức và một cơ chế BHTG công khai; và (ii) bảo vệ những người gửi tiền (nhỏ) thông qua việc hình thành cơ chế bồi thường.

2. Mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng. Theo đó, tổ chức BHTG được trao thêm một số quyền hạn, như: hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia BHTG gặp khó khăn trong thanh toán; theo dõi và khuyến nghị sự cẩn trọng và phòng tránh rủi ro đối với các tổ chức tham gia BHTG; tham gia xử lý nợ và thu hồi nợ của tổ chức tham gia BHTG bị phá sản… Qua đó, các mục tiêu cần đạt được của chính sách công như hạn chế rủi ro, tránh đổ vỡ hệ thống hoặc khủng hoảng tài chính, gia tăng niềm tin của công chúng cũng được mở rộng.

3. Mô hình giảm thiểu rủi ro. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức BHTG theo mô hình này còn tham gia cùng với các cơ quan nhà nước và Ngân hàng Trung ương vào hoạt động giám sát và đánh giá rủi ro của các ngân hàng và các định chế tài chính khác, góp phần bảo đảm sự an toàn và hoạt động bình thường của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia; tính phí bảo hiểm dựa trên cơ sở định mức rủi ro; tiếp nhận xử lý nợ và thu hồi nợ đối với các tổ chức tham gia BHTG bị phá sản; được trao các nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư nhằm bảo toàn phát triển vốn ban đầu cũng như tăng cường sức mạnh tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách của Chính phủ.

Mô hình chuyên chi trả thường tồn tại ở các nước đang phát triển, tổ chức BHTG mới được thành lập và còn nhỏ bé cả về quy mô tổ chức lẫn năng lực tài chính. Một số nước, trong đó có Việt Nam, BHTG về cơ bản hoạt động theo mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng. Mô hình giảm thiểu rủi ro được xem là tiên tiến và cũng phổ biến trên thế giới hiện nay.

Qua thời gian, mô hình BHTG giảm thiểu rủi ro được xem là cơ chế tốt trong thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của BHTG. Trong cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ từ tháng 9/2008, hệ thống BHTG theo mô hình này đã góp phần quan trọng trong ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, củng cố niềm tin của công chúng, và giảm thiểu chi phí khi xử lý các ngân hàng đổ vỡ. Báo cáo của Diễn đàn ổn định tài chính (FSF) về “Tăng cường khả năng phục hồi của thị trường và các tổ chức tài chính” (tháng 4/2009) nêu rõ: Các sự kiện xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính đã chứng minh tầm quan trọng của viêc có được một hệ thống BHTG hiệu quả.

Các mô hình BHTG và kinh nghiệm thực tế đã và đang được nhiều nước nghiên cứu xem xét và vận dụng nhằm xây dựng và hoàn thiện một hệ thống BHTG hiệu quả. Có một mẫu số chung ở đây, đó là các nguyên tắc phát triển hệ thống BHTG hiệu quả.

Theo Báo cáo của FSF, “các chính phủ nên thống nhất một bộ nguyên tắc nhằm xây dựng hệ thống BHTG hiệu quả”. Bộ nguyên tắc cần tính đến mạng an toàn tài chính, bao gồm khung quản lý/ giám sát và các cơ chế xử lý đổ vỡ tài chính. Đồng thời, bộ nguyên tắc không hạn chế việc xây dựng các cơ chế BHTG khác nhau nhằm đáp ứng mục tiêu của BHTG và thích ứng với điều kiện của mỗi quốc gia.

Uỷ ban Basel về Giám sát ngân hàng (BCBS) và Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) đã phối hợp nghiên cứu và đưa ra những nguyên tắc và điều kiện tiên quyết để phát triển hệ thống BHTG hiệu quả; cụ thể:

- Về xác định mục tiêu: Hệ thống BHTG cần được thiết kế để đạt được mục tiêu thực hiện chính sách công là bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Các mục tiêu này phải được thể chế hoá bằng những quy định của pháp luật; đồng thời tránh “rủi ro đạo đức”. Hành lang pháp lý về hoạt động BHTG phải rõ ràng, minh bạch;

- Về nhiệm vụ quyền hạn: Nhiệm vụ của hệ thống BHTG cần được quy định rõ ràng, chi tiết, tránh chồng chéo hoặc bỏ trống chức năng với các cơ quan giám sát tài chính khác, và thống nhất với mục tiêu thực hiện chính sách công. Gắn với chức năng nhiệm vụ, BHTG cần có các quyền hạn cần thiết, được quy định cụ thể (ví dụ như về tiếp cận thông tin, giám sát, lập quỹ phục vụ công tác chi trả, tham gia xử lý đổ vỡ ngân hàng…);

- Về quản trị tổ chức: Tổ chức BHTG cần hoạt động một cách độc lập (tương đối) và minh bạch. Tính độc lập tạo cho BHTG một vị thế quan sát tốt đối với hệ thống ngân hàng và là điều kiện để bảo vệ tốt hơn người gửi tiền;

- Về mối quan hệ với các thành viên khác trong mạng an toàn tài chính: Mạng an toàn tài chính cần có khung pháp lý đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin giữa các thành viên. Khung pháp lý cũng phải tính tới cơ chế bảo mật, độ kịp thời của thông tin;

- Về năng lực tài chính: Hệ thống BHTG phải có sẵn các cơ chế cấp vốn nhằm đảm bảo hoạt động chi trả nhanh chóng cho người gửi tiền, trong đó có cách thức huy động nguồn tài chính dự phòng bổ sung cho mục đích thanh khoản khi cần thiết. Các ngân hàng chịu trách nhiệm chính trong việc nộp phí BHTG bởi chính ngân hàng và khách hàng trực tiếp được hưởng lợi từ hệ thống BHTG. Dù theo hình thức thu phí trước, thu phí sau hay kết hợp, khi áp dụng thu phí theo mức độ rủi ro, các tiêu chí được sử dụng phải minh bạch đối với tất cả các thành viên tham gia. Cũng cần có sẵn nguồn lực cần thiết để hỗ trợ công tác quản trị hệ thống thu phí theo mức độ rủi ro;

- Về phát hiện, can thiệp và xử lý: Tổ chức BHTG phải là một phần trong mạng an toàn tài chính để phát hiện sớm, can thiệp và xử lý kịp thời các ngân hàng gặp vấn đề. Việc xác định và thừa nhận một ngân hàng có nguy cơ rơi vào khó khăn tài chính nghiêm trọng cần được thực hiện sớm trên cơ sở các tiêu chí đã dược các thành viên có thẩm quyền của mạng an toàn tài chính chấp thuận.

Ngoài ra, hệ thống BHTG hiệu quả cần chú trọng và thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức của công chúng. Hoạt động BHTG là bảo vệ người gửi tiền thông qua việc xây dựng niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Công chúng cần được biết đến lợi ích cũng như hạn chế của BHTG.

Trong thực tế không có một hình mẫu BHTG hiệu quả sẵn có cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, trên đây là những nguyên tắc và điều kiện tiên quyết để các quốc gia có thể xem xét, vận dụng trong việc hoàn thiện chính sách về BHTG và xây dựng một hệ thống BHTG hiệu quả. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, nhất là Việt Nam đang tăng cường cải cách thể chế kinh tế thị trường và ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Đây thực sự là vấn đề nhiều nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách quan tâm. Với hơn 10 năm hoạt động, BHTG Việt Nam cần có sự đánh giá nghiêm túc, khách quan về ưu, nhược điểm của mô hình hiện tại gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội – chính trị Việt Nam, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2011-2020,  và xu thế thế giới. Việc xây dựng một hế thống BHTG “tối ưu” ở Việt Nam cần được nhìn nhận dưới nhiều chiều và nhiều khía cạnh. So với những nguyên tắc/điều kiện đối với một hệ thống BHTG hiệu quả, BHTG Việt Nam còn có một số điểm chưa phù hợp và có thể cần chỉnh đổi. Chẳng hạn, đó là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BHTG, sự phối hợp giữa các thành viên trong mạng an toàn tài chính, và việc xử lý ngân hàng khi rơi vào tình trạng khó khăn tài chính nghiêm trọng hoặc đổ vỡ. Mô hình giảm thiểu rủi ro cũng là một tiền đề quan trọng để xem xét, vận dụng trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống BHTG hiệu quả ở Việt Nam. Dù mô hình lựa chọn cho BHTG Việt Nam là thế nào thì Luật BHTG Việt Nam cần xác định rõ ràng địa vị pháp lý của tổ chức BHTG trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và trong mạng an toàn tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, điều không kém phần quan trọng là năng lực của BHTG Việt Nam phải được cải thiện và tăng cường một cách tương thích.


TS. Võ Trí Thành
(Phó Viện trưởng Viện NCQLKT TW) - Theo http://www.div.gov.vn
.
.
.
.