.
.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3: Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Bài 1: Xu hướng tái cơ cấu kinh tế trên thế giới

Thứ Hai, 26/12/2011|22:40

LTS: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội nghị lần thứ Ba của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) bàn và quyết định là xây dựng quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và năm 2012. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Nhằm đưa nhanh Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, vừa qua Báo Quân đội nhân dân đã có loạt bài “Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”. Tác giả của các bài viết là các chuyên gia kinh tế và cán bộ một số ngành kinh tế quan trọng. Từ số báo này, Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương trân trọng giới thiệu loạt bài này, rất mong nhận được sự cộng tác và góp ý của bạn đọc..

Bài 1: Xu hướng tái cơ cấu kinh tế trên thế giới

Tái cấu trúc nền kinh tế là một vấn đề lớn, phức tạp, đồng thời là một quá trình tổng hợp, kéo dài và liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, cả cấp vĩ mô và vi mô, diễn ra trên phạm vi cả nước. Nhu cầu tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam đã chín muồi từ khá lâu, bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tạo thêm sức ép và cơ hội cho quá trình này.

Nền đại công nghiệp cơ khí, với các công nghệ và mô hình tiêu dùng truyền thống, đang đi đến những giới hạn khách quan về tài nguyên (chẳng hạn, đến khoảng năm 2050, giọt dầu mỏ cuối cùng của thế giới sẽ bị vét lên - chấm dứt nền văn minh công nghiệp dựa trên dầu mỏ), về môi trường, về chi phí sản xuất, về thị trường và xã hội mà chúng dựa vào, cũng như những giới hạn nội tại của bản thân các công nghệ và nền sản xuất đó.

Cuộc cách mạng công nghệ lần 3 đang định hình với các đặc trưng mới về chất như: Có tính tự động hóa cao, là sự kết hợp giữa công nghệ vi điện tử, công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ và đáy đại dương cùng các công nghệ chế biến sâu không có phế liệu; sử dụng nguyên vật liệu mới có khả năng tái sinh, không gây ô nhiễm môi trường; làm hài hòa quan hệ giữa con người với thiên nhiên, đặt con người vào trung tâm sự tăng trưởng, trí tuệ hóa lao động và giải phóng con người khỏi lao động đơn điệu, độc hại cũng như những giới hạn sinh lý cá nhân khách quan...

Ảnh minh họa/internet.

Nói cách khác, thế giới đang đứng trước nhu cầu và khả năng hướng đến một mô hình kinh tế - công nghệ nhân đạo hơn, trí tuệ hơn, có khả năng tự bảo vệ, vì thế hiệu quả và bền vững hơn. Cùng với việc tạo ra những công nghệ mới, đang xuất hiện những điều kiện kinh doanh và cơ cấu tiêu dùng mới. Thế giới ngày càng trở thành mạng lưới dày đặc và nhạy bén hơn các quan hệ giao tiếp và tương tác lẫn nhau, làm tăng các cơ hội cho tự do cá nhân, làm xói mòn các lợi thế cũ và tạo ra những sức mạnh, cùng lợi thế mới... Cả ở cấp vi mô lẫn vĩ mô đang khởi động những quá trình tái cấu trúc vĩ đại chưa từng có trong lịch sử, trong đó:

Đối với các sản phẩm: Đang và sẽ có sự cải thiện căn bản về danh mục, chủng loại, chất lượng, hình dáng, công dụng và giá cả của hàng loạt sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ theo hướng đa dạng hơn, gọn nhỏ hơn, nhiều chức năng hơn, tiện lợi, tinh xảo hơn, tiết kiệm năng lượng và rẻ hơn, do đó, phổ cập rộng rãi hơn. Sẽ xuất hiện hàng loạt sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới. Vòng đời sản phẩm sẽ ngắn đi, thậm chí rất ngắn. Trong cơ cấu tiêu dùng mới, tỷ trọng lớn sẽ thuộc về thông tin và những phương tiện cung cấp, xử lý và phân tích thông tin. Đặc biệt, thế giới sẽ ngày càng ưa chuộng và mở rộng sản xuất, cũng như tiêu dùng các sản phẩm “xanh’, sạch và bảo vệ sức khỏe con người bằng những công nghệ có hàm lượng khoa học ngày càng cao và thân thiện với môi trường... Công nghệ mới khiến giá trị của thông tin trở nên đắt hơn. Chất lượng nắm bắt, xử lý các thông tin trở thành nhân tố quyết định chất lượng sống, cũng như sự thành công của mỗi cá nhân và doanh nghiệp, do đó, của cả quốc gia.

Đối với các công ty: Sẽ có hai xu hướng song song diễn ra. Một mặt, nền kinh tế quốc gia và thế giới càng lớn và mở rộng hơn thì các công ty trung bình và nhỏ sẽ càng thống trị và có tương lai hơn. Các doanh nghiệp sẽ được tổ chức theo quy mô nhỏ (thậm chí có công ty một người), phi tập trung hóa, giảm bớt các khâu trung gian, cơ cấu thành nhiều đơn vị độc lập, có quyền tự chủ cao, giảm bớt tệ nạn quan liêu, được chuyên môn hóa cao, có tinh thần hợp tác, hoạt động mang tính toàn cầu, chặt chẽ và tuân thủ những tiêu chuẩn đạo đức ngày càng cao hơn (hiện tại, các công ty nhỏ dưới 19 người đang tạo ra 50% giá trị hàng xuất khẩu ở Mỹ và CHLB Đức; có tới 90% giá trị nền kinh tế Mỹ là do các công ty dưới 500 người tạo ra).

Mặt khác, sự hợp nhất để trở thành lớn hơn, mạnh hơn, giảm chi phí và có sức cạnh tranh hơn, đáp ứng những nhu cầu to lớn của nền kinh tế tương lai sẽ trở thành xu hướng vận động của các tổ hợp kinh doanh dịch vụ tài chính ngân hàng và thông tin. Sẽ ngày càng có nhiều tập đoàn xuyên quốc gia có giá trị tài sản lớn hơn GDP của một nước, thậm chí của nhiều nước (tháng 4-1998, thế giới đã chứng kiến vụ siêu sáp nhập giữa Ngân hàng Citicorp và Tập đoàn môi giới thương khoán bảo hiểm Trevelers Inc với tổng giá trị tài sản 700 tỷ USD, gần bằng GDP của Trung Quốc và bằng 1,8 lần tổng GDP toàn khối ASEAN). Các công ty xuyên quốc gia đang kiểm soát 2/3 chu chuyển ngoại thương và đầu tư quốc tế và sẽ không mất đi vai trò to lớn của chúng trong việc tạo động lực cho tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu. Trong tương lai, các công ty này sẽ được điều chỉnh theo định hướng: Toàn cầu hóa chiến lược kinh doanh; đa nguyên hóa các chủ thể đầu tư; đa dạng hóa thị trường và lĩnh vực đầu tư; địa phương hóa xí nghiệp của các công ty ở nước ngoài, cả về hướng kinh doanh, cơ cấu sản phẩm, công nghệ, nguyên liệu, nhân lực và vốn đầu tư...

Đối với các nền kinh tế: Các cấu trúc ngành nghề sẽ chuyển dịch theo hướng: Thu hẹp và mất đi các ngành khai thác, chế biến nguyên liệu truyền thống và xuất hiện những ngành khai thác, chế biến nguyên liệu mới thích hợp; các ngành dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất và đem lại nhiều lợi nhuận nhất trong nền kinh tế quốc gia và quốc tế; các công nghệ mới, các xa lộ thông tin, vận tải toàn cầu phát triển, đang thu hẹp lại khoảng cách của các quốc gia, đồng thời mở rộng giới hạn không gian kinh tế và sinh tồn của con người lên khoảng không, xuống đáy đại dương hay các vùng sa mạc, các vùng băng tuyết quanh năm... và đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển các yếu tố của hoạt động tái sản xuất kinh tế-xã hội. Các công ty và quốc gia không chỉ lập kế hoạch cho thị trường trong nước, mà còn phải cho cả thị trường khu vực và toàn cầu. Nền công nghiệp mới, tự động hóa và có tính toàn cầu sẽ xuất hiện cùng với nền kinh tế thị trường toàn cầu. Chế độ tổ chức lao động của công ty và quốc gia cũng thay đổi mạnh, sẽ bớt đi kiểu làm việc tập trung tại công sở và chế độ ăn lương suốt đời tại một công ty, một quốc gia. Con người lao động mới sẽ có tri thức toàn diện hơn, năng động, tự chủ hơn, di chuyển chỗ làm việc thường xuyên và trên phạm vi ngày càng rộng hơn. Đô thị hóa sẽ tăng nhanh, các cấu trúc chính trị và giao lưu văn hóa-xã hội quốc gia và quốc tế sẽ có sự dịch chuyển tương ứng. “Nền kinh tế nợ” sẽ trở thành đặc trưng cho mọi công ty và quốc gia. Nói cách khác, mỗi công ty và mỗi nước sẽ ngày càng có nhu cầu và khả năng tiếp cận rộng rãi, thường xuyên hơn với các nguồn vốn bên ngoài, cũng như tích cực đầu tư ra bên ngoài hơn. Tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất so với tất cả các hoạt động kinh doanh khác, các hoạt động tài chính-tín dụng sẽ ngày càng trở thành vũ khí cạnh tranh và công cụ “đồng hóa” một công ty, một quốc gia lợi hại nhất. Tình trạng nợ khó đòi và tín dụng không hiệu quả sẽ gia tăng, kéo theo những xung lực tiềm ẩn gây bất ổn định thị trường tài chính-tiền tệ quốc gia và quốc tế, đồng thời đặt ra yêu cầu bức bách hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn tài chính-tín dụng cả ở cấp vi mô lẫn cấp vĩ mô (cấp quốc gia lẫn khu vực và quốc tế).

Tóm lại, do sự tác động qua lại và chuyển hóa lẫn nhau của các xu hướng đã nêu trên đây, toàn cảnh nền kinh tế thế giới tương lai sẽ là một bức tranh không cố định cả về màu sắc và bố cục. Độ nhạy cảm và phụ thuộc lẫn nhau giữa các vấn đề và sự kiện trong và ngoài nước gia tăng. Biên giới và chủ quyền quốc gia theo nghĩa truyền thống sẽ bị “mờ” dần. Các định chế khu vực và quốc tế ngày càng ảnh hưởng, chi phối chính sách và định hướng sự phát triển của mỗi nước. Tuy nhiên, các siêu cường vẫn luôn gây ra những ảnh hưởng khu vực và toàn cầu. Các nhân tố văn hóa-xã hội cùng các đặc tính quốc gia vẫn đóng vai trò chi phối quan trọng và tạo ra tính đa dạng nhiều vẻ trong sự phát triển thế giới. Quá trình phát triển của mỗi quốc gia và khu vực sẽ được đẩy nhanh hơn cùng với những dao động quá độ được đặc trưng bởi những cải cách mạnh ở lĩnh vực này chưa đồng bộ với ở lĩnh vực khác; những thành công và cả sự đổ vỡ sẽ gia tăng về quy mô và tốc độ trong môi trường kinh doanh quốc gia và quốc tế vừa đầy tính cạnh tranh, vừa đề cao sự hợp tác. Quá trình cơ cấu lại nhanh, hiệu quả toàn bộ nền kinh tế quốc gia và quốc tế trên cơ sở các công nghệ mới về chất đang và sẽ là động lực chủ yếu quy định sự phát triển và bộ mặt nền kinh tế quốc gia, kinh tế thế giới tương lai. Những cơ hội và thách thức mới đang và sẽ đặt ra cho mỗi nước nguyên tắc tối cao của thành công trong bối cảnh đó là “ai thấy trước được và chuẩn bị tốt cho tương lai, người đó sẽ thắng” như lời của Bill Gates, tỷ phú trẻ và giàu nhanh nhất nước Mỹ.

---------

TS Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội

.
.
.
.