.
.

Xây dựng hình ảnh người thợ điện qua con người và việc làm cụ thể

Thứ Sáu, 09/12/2011|00:29

 

Hình ảnh của người thợ điện là thế nào? Phải chăng đó là những hành động, việc làm cụ thể của người làm điện đã để lại ấn tượng không thể nào quên trong lòng người dân? Suy cho cùng, những điều tốt đẹp đó đều xuất phát từ trái tim mỗi người thợ điện, thông qua những công việc nhỏ nhất, bình thường nhất hằng ngày.
 

 

Hình ảnh đẹp của người thợ điện Quảng Nam qua công việc thường ngày. Ảnh: CTV

Mệnh lệnh từ trái tim…

Nhà ông hàng xóm mất điện. Ông ấy hỏi tôi: “Muộn rồi mà báo cho Điện lực Tam Kỳ thì liệu có người đến giúp không?”. Tôi khuyên: “Thì ông cứ báo, bây giờ họ không đến thì mai, có chết ai đâu?”. Nghe lời tôi, ông ta nhấc máy gọi. Bà vợ phòng bị sẵn cái đèn dầu. Ai dè vừa ngồi vào mâm cơm thì thợ điện đến. Hai anh loay hoay một lúc đèn bật sáng. Hôm sau, tại quán cà phê, ông bạn tôi trở thành người tuyên truyền tích cực cho ngành Điện.

Trận mưa đầu mùa, sét đánh làm mất điện một tuyến phố của Hội An. Ngay lập tức, công nhân điện xuất hiện, tiến hành sửa chữa dưới mưa tầm tã. Người dân không dám ra đường, mà chỉ hé cửa nhìn công nhân điện làm việc. Chỉ qua ánh mắt của họ cũng đủ thấy sự thương cảm, nể phục .

Tôi cùng phóng viên VTV1 đi làm tin. Trên đường về ngang qua xã Tam Phú (TP. Tam Kỳ), thấy một tốp công nhân áo cam đang đu mình trên các trụ điện giữa trưa hè nắng chang chang. Hình ảnh quá đẹp và chạnh lòng khiến các phóng viên ào đến tác nghiệp. Riêng tôi, tôi lại nghĩ đến một khía cạnh khác: Nét Văn hóa ngành Điện và mệnh lệnh từ trái tim đã tạo hình ảnh người thợ điện trong thời kỳ đổi mới. Một cụ già mang ra ấm trà đá, áy náy: “Vì chúng tôi đề nghị mà các ảnh mải làm quên cả nghỉ trưa, thật đáng nể phục”.

Cơn bão số 9 năm 2009 đã tàn phá lưới điện Tam Kỳ. Một nhóm 15 công nhân của Điện lực Thăng Bình được điều động khắc phục lưới điện xã Tam Phú. Khi nhà báo đến tác nghiệp thì đã đến giờ nghỉ trưa, vậy mà công nhân vẫn đang lội ruộng kéo dây, mặt mũi, áo quần lấm lem bùn đất. Quá nể phục, một phóng viên báo Quảng Nam thốt lên: “Tôi chưa bao giờ mục sở thị một cảnh vừa đẹp, lại mang đậm tính nhân văn như thế này!”

Những câu chuyện cóp nhặt được trên chặng đường tác nghiệp nhiều năm nay đã giúp tôi xâu chuỗi thành những ấn tượng tốt đẹp về người thợ điện Quảng Nam! Điều gì đã làm cho người công nhân gắn bó với ngành? Những việc làm bình thường hằng ngày tại sao lại được khái quát nâng lên thành hình ảnh người thợ điện? Phải chăng là tình thương yêu và sự động viên, đãi ngộ của những người lãnh đạo? Phải chăng mệnh lệnh từ trái tim của những con người cụ thể, đơn giản được đúc kết thành nét văn hóa giữa đời thường?

…Đến chuẩn mực đạo đức người thợ điện

Đôi khi trước hình ảnh tốt đẹp của người thợ điện Việt Nam, người ta vẫn có cái nhìn chưa thật khách quan. Có lẽ, do hậu quả của thời kỳ bao cấp. Cũng chính vì thế, những khiếm khuyết dù do khách quan gây ra, người ta cũng vin vào độc quyền nên mới sinh ra cửa quyền.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt vấn đề xây dựng đội ngũ công nhân ngành Điện trong thời kỳ đổi mới. Theo đó, nhiệm vụ xây dựng hình ảnh người thợ điện được đặt lên hàng đầu. Hình ảnh đó rất cụ thể, biểu hiện qua tính cách, việc làm của từng người cụ thể, nhưng phải theo khuôn mẫu chung đã được Tập đoàn đúc kết qua tài liệu Văn hóa EVN, được hiểu như những chuẩn mực đạo đức của người thợ điện.

Bước vào ngành Điện, những người lao động đã trải qua quá trình rèn luyện, giáo dục để có tay nghề, nghiệp vụ vững vàng, xây dựng tác phong, đạo đức cách mạng, biết hy sinh quyền lợi bản thân, vì quyền lợi tập thể, nhân dân.  

Tài liệu hướng dẫn xây dựng Văn hóa EVN đã khái quát tầm nhìn và những định hướng lớn, những giá trị cốt lõi về văn hóa mà EVN cam kết với xã hội. Tuy nhiên,  tài liệu cần viết cô đọng hơn, được xem là cẩm nang bỏ túi để mọi người dễ tra cứu.

Việc ban hành thêm những nội dung đi kèm để cụ thể hoá nhiệm vụ giáo dục phong cách, chuẩn mực đạo đức; để CBCNV lĩnh hội thế nào là đúng, thế nào là sai trong cuộc sống đa dạng, phong phú của quá trình cung ứng điện là cần thiết!

Thiết nghĩ, từ trước đến nay, khi chưa có Văn hóa EVN, công nhân ngành Điện đã tạo dựng rất nhiều hình ảnh đẹp trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất. Vậy khi tiến hành xây dựng Văn hóa EVN, những hình ảnh đó phải được khái quát ở cấp độ cao hơn, rộng hơn để làm giàu thêm hình ảnh người thợ điện Việt Nam. Từ đó, mỗi CBCNV ngành Điện sẽ có cơ sở tự hoàn thiện chính mình.

Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề QLHN
.
.
.
.