.
.

ĐẢNG BỘ NGÂN HÀNG NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM:

ĐẢNG BỘ VIETCOMBANK: LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC CÁN BỘ VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC CÁN BỘ

Thứ Tư, 07/12/2011|14:48

 

Trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) luôn giữ vai trò là một trong những ngân hàng chủ lực trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Bên cạnh vị thế vững chắc trong lĩnh vực ngân hàng bán buôn với nhiều khách hàng truyền thống là các tổng công ty và doanh nghiệp lớn, Vietcombank đã xây dựng và thực hiện thành công nền tảng ngân hàng bán lẻ với kênh phân phối đa dạng, các tiện ích của ngân hàng hiện đại, tận dụng tối đa thế mạnh về kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế, kinh doanh thẻ, tài trợ thương mại. Để đạt được những thành tựu trong kinh doanh, Ban lãnh đạo và Đảng uỷ Ngân hàng Ngoại thương luôn thấm nhuần và trung thành với tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ và vai trò của công tác quản lý cán bộ trong hoạt động kinh doanh; luôn hực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém; trong quá trình xây dựng Đảng, công tác cán bộ là một trong những công tác chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định thành công tới toàn bộ công tác xây dựng lực lượng cách mạng của Đảng”. 
 
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ, trong quá trình  thực hiện Nghị quyết Trung ương III khoá 8 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ,  Ban lãnh đạo Vietombank đã luôn luôn chú trọng đến công tác cán bộ từ khâu tuyển dụng lựa chọn đến đánh giá, sử dụng,  đào tạo, quy hoạch, đề bạt bổ nhiệm và các chính sách khuyến khích đãi ngộ người lao động. 
 
Công tác tuyển dụng cán bộ: Hàng năm cùng với yêu cầu phát triển của  hoạt động kinh doanh, sự phát triển của các mảng nghiệp vụ, nhu cầu về nguồn nhân lực của Vietcombank tăng tỷ lệ thuận với sự gia tăng về quy mô hoạt động. Việc  bổ sung nhân sự cho các vị trí công việc của Vietcombank chủ yếu thông qua kênh tuyển dụng công khai, thông báo rộng  rãi trên báo và website của Vietcombank. Quá trình tuyển dụng đã thu hút được các sinh viên tốt nghiệp khá giỏi từ các trường khối kinh tế đặc biệt là Học viện Ngân hàng, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân một phần là do uy tín, thương hiệu Vietcombank và một phần là do Vietcombank đã tài trợ học bổng trực tiếp và gián tiếp cho sinh viên đạt thành tích học tập xuất sắc. Việc thi tuyển được thực hiện nghiêm túc theo đúng các quy trình, quy định, đảm bảo công bằng cho thí sinh, đảm bảo thu nhận được những cán bộ giỏi, có trình độ chuyên môn phù hợp, có đạo đức nghề nghiệp và quyết tâm gắn bó lâu dài với Vietcombank.
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được Đảng uỷ, Ban Lãnh đạo Vietcombank quan tâm tăng cường và quan trọng là từng bước gắn công tác đào tạo với quy hoạch cán bộ. Đội ngũ cán bộ quy hoạch được  định hướng  đào tạo lý luận chính trị,  trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác sau này. Trong 3 năm qua, Vietcombank đã triển khai nhiều chương trình đào tạo sâu rộng cho các cán bộ lãnh đạo cũng như cán bộ nghiệp vụ: đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho cán bộ quản lý và cán bộ trong quy hoạch;  đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị cho các cán bộ lãnh đạo cấp trung và cao cấp; đào tạo các chuyên đề nghiệp vụ kiểm toán, rủi ro tín dụng, rủi ro tác nghiệp cho đội ngũ cán bộ khối  hỗ trợ; đào tạo các kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ trực tiếp giao dịch với khách hàng như  kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc qua điện thoại, kỹ năng thuyết trình… Số lượng cán bộ được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ lên đến hơn 5000 người. Đã cử  hàng chục ngàn lượt cán bộ tham gia các đoàn khảo sát, công tác, học tập trong và ngoài nước để học tập kinh nghiệm làm việc và các kiến thức hiện đại của các ngân hàng nước ngoài.
 
Công tác quy hoạch cán bộ: Nhận thức rõ ý nghĩa, tính cấp bách, quyết định của đội ngũ cán bộ lãnh đạo đối với nhiệm vụ chính trị của ngân hàng, thời gian qua Đảng ủy Vietcombank đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị để xây dựng quy hoạch cán bộ cho giai đoạn trước mắt và lâu dài. Vietcombank đã xây dựng và chỉnh sửa hàng năm Hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ phù hợp với các Hướng dẫn của Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước. Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai theo quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai. Cấp ủy các cấp đã coi trọng chỉ đạo thực hiện yêu cầu minh bạch trong việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ. Bảo đảm phương châm "mở" và "động" trong thực hiện quy hoạch, danh sách cán bộ quy hoạch được điểu chỉnh bổ sung, chỉnh sửa hàng năm, mỗi chức danh có từ hai đến ba cán bộ dự nguồn, mỗi cán bộ có triển vọng được dự nguồn từ hai đến ba chức danh. Vietcombank cũng đã mạnh dạn quy hoạch đội ngũ cán bộ trẻ, tuổi bình quân của số cán bộ dự nguồn đều trẻ hơn cán bộ đương nhiệm từ bốn đến năm tuổi. Số cán bộ được lựa chọn đưa vào nguồn quy hoạch đều là các cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo  cơ bản, có trình độ chuyên môn tối thiểu từ đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị sơ trung cấp đặc biệt là cao cấp đối với cán bộ được quy hoạch chức danh trong Hội đồng Quản trị, Ban điều hành.
 
Công tác sắp xếp, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ: Công tác sắp xếp, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ gắn với việc bầu giữ các chức vụ trong các cấp ủy Đảng. Việc bổ nhiệm cán bộ đã được Đảng ủy gắn chặt với quy hoạch cán bộ, lấy quy hoạch cán bộ làm cơ sở để xem xét đề bạt, bổ nhiệm.  Đặc biệt coi trọng đến việc cán bộ được bổ nhiệm phải có đạo đức nổi bật, phẩm chất và trình độ chuyên môn đảm bảo vừa hồng vừa chuyên. Cán bộ trước khi đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo quản lý đều đã được đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch. Việc sắp xếp cán bộ được thực hiện theo phương châm đúng người, đúng việc, đúng quy định. Việc bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn,  trình tự quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định nội bộ của Vietcombank.
 
Việc xây dựng các văn bản chế độ làm cơ sở, nền tảng cho công tác quản lý cán bộ cũng được Đảng uỷ, Ban lãnh đạo Vietcombank quan tâm chú trọng.  Vietcombank đã xây dựng lại và xây dựng mới nhiều văn bản chế độ trong lĩnh vực quản lý cán bộ trên tinh thần kế thừa và phát triển: Quy chế quản lý cán bộ, quy định Hướng dẫn thực hiện Quy hoạch, Quy chế ký kết Hợp đồng lao động, Nội quy lao động … trong đó Quy chế chi trả lương là một bước đột phá trong phân phối thu nhập, tạo động lực làm việc cho người lao động, thu hút và giữ chân người lao động giỏi và cán bộ quản lý có năng lực. Vietcombank cũng đã xây dựng chương trình Quản lý nguồn nhân lực và triển khai tập trung trong toàn hệ thống. Chương trình quản lý nguồn nhân lực được kết nối trực tiếp với bộ phận tài chính, bộ phận quản lý hệ thống giúp tạo ra các báo cáo thống kê chính xác dễ dàng, quản lý cán bộ vắng mặt, nghỉ việc kịp thời để hạn chế rủi ro tác nghiệp… Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ, công tác quản lý cán bộ ngày càng đi vào nề nếp tạo ra sự biến chuyển về chất, phục vụ đắc lực cho hoạt động kinh doanh và điều hành của Vietcombank.
 
Đảng uỷ và Ban lãnh đạo Vietcombank cũng chú trọng  xây dựng văn hoá Vietcombank, gìn giữ và bồi đắp một bản sắc Vietcombank vừa hiện đại vừa truyền thống, xây dựng hình ảnh Vietcombank XANHvà MẠNH, năng động và nhân văn. Văn hóa Vietcombank chú trọng đến sự đoàn kết nhất trí trong Đảng uỷ, Ban lãnh đạo cũng như giữa các cán bộ Đảng viên ; phát huy truyền thống làm việc vừa tập trung vừa dân chủ; tạo môi trường làm việc chất lượng cao, năng động giúp cán bộ phát huy tối đa năng lực, sức sáng tạo đồng thời đảm bảo tính tuân thủ, kỷ luật trong công việc và trong sinh hoạt.
 
Sự quan tâm đối với công tác cán bộ đã đem lại kết quả tích cực, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Vietcombank. Vietcombank tự hào là ngân hàng có một đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo nói riêng có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, được đào tạo cơ bản và chuyên sâu ở trong và ngoài nước, trẻ trung, năng động, nhiệt huyết với công việc, có đạo đức nghề nghiệp, lối sống lành mạnh, sống có ích cho xã hội và trách nhiệm với cộng đồng. Hiện nay, đội ngũ cán bộ của Vietcombank có 10.485 người, trong đó số Đảng viên là 1.921 người, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo là 1.728 người hầu hết đã là Đảng viên với nhận thức chính trị rất cao, Số cán bộ lãnh đạo tại Hội sở chính là 119 người trong đó có 45 cán bộ nữ.  Cán bộ lãnh đạo chuyên môn cũng đồng thời là các cán bộ lãnh đạo trong Đảng:  cán bộ lãnh đạo cấp Trưởng các chi nhánh cũng đồng thời là Bí thư đảng ủy, Chi uỷ cơ sở. Cán bộ tham gia Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng uỷ,  Uỷ ban kiểm tra đảng, các ủy ban của Đảng ủy đều là cán bộ lãnh đạo trong Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Trưởng/ Phó phòng các phòng tại Hội sở chính hoặc các Giám đốc các Chi nhánh/Công ty trực thuộc. Về trình độ chuyên môn, 7.864 cán bộ đã tốt nghiệp đại học trong đó có hơn 600 cán bộ là Tiến sĩ, thạc sĩ. Về lý luận chính trị, 25 cán bộ có trình độ cử nhân, 238 cán bộ có trình độ  cao cấp lý luận chính trị, 9.325 cán bộ có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên.
 
Nhiệm kỳ vừa qua là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Đảng bộ Vietcombank với sự chuyển biến về chất trong mô hình tổ chức của Đảng bộ từ Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được nâng cấp thành Đảng bộ trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương. Ba năm vừa qua cũng là thời gian Vietcombank thực hiện cổ phần hoá chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần với rất nhiều thách thức trong cạnh tranh và hội nhập,thay đổi cơ chế ; gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xây dựng một chiến lược cán bộ dài hạn. Tuy nhiên, Đảng ủy Vietcombank  đã luôn quán triệt nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, làm tốt công tác cán bộ, có sự chuyển biến về chất. Chất lượng nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch được nâng lên rõ rệt; cán bộ được quy hoạch sát với yêu cầu công việc và là cán bộ thực sự có trình độ, có phẩm chất. Cán bộ được bổ nhiệm các chức danh chuyên môn đều cũng là cán bộđược bầu giữ các chức vụ trong Ban chấp hành đảng ủy các cấp từ Đảng bộ trên cơ sở Vietcombank đến các đảng bộ, chi bộ cơ sở tại Hội sở chính và các chi nhánh và đều phát triển từ nguồn cán bộ trong diện quy hoạch. Đặc biệt có thể thấy đội ngũ cán bộ lãnh đạo chuyên môn và lãnh đạo Đảng của Vietcombank đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Số lượng cán bộ lãnh đạo năm 2006 là 1.115 ngườivà hiện nay là 1.728 người, hầu hết là các cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, có uy tín trong Đảng, trình độ chuyên môn sâu rộng, sẵn sàng đáp ứng các nhiệm vụ chính trị chuyên môn trước mắt và lâu dài. 
 
Tuy nhiên bên cạnh những mảng công việc đã được thực hiện khá bài bản, phù hợp với xu hướng quản lý nhân lực hiện đại đồng thời gắn chặt với định hướng thực hiện Quản lý cán bộ theo “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, Đảng ủy và Ban lãnh đạo Vietcombank cũng nhận thấy một số hạn chế trong triển khai một số khâu của công tácquản lý cán bộ. Đó là: Công tác đánh giá cán bộ còn yếu, chưa  xây dựng được bản mô tả phân công công việc nên chưa có sự đánh giá kết quả thực hiện công việc được chính xác và đồng bộ ; việc hiểu cán bộ một cách có hệ thống, đánh giá cán bộ chính xác là cơ sở quan trọng đầu tiên để bố trí, sử dụng, bồi dưỡng cán bộ. Công tác đào tạo hiện chưa có chiến lược tổng thể và cũng chưa có quy định mới phù hợp. Cần có chiến lược đào tạo mới để đáp ứng các thay đổi trong tình hình mới, cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa với công tác quy hoạch cán bộ. Thời gian tới Vietcombank cũng sẽ phải nghiên cứu để ban hành các chuẩn đào tạo cho từng chức danh, từng vị trí công việc và nhóm đối tượng (đối tượng quy hoạch, đối tượng đương nhiệm…). Công tác Quy hoạch cán bộ cần đi vào thực chất hơn nữa,  quy hoạch đúng yêu cầu công tác và đúng đối tượng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh tích cực để nâng cao chất lượng cán bộ được bổ nhiệm. Quy hoạch cán bộ nguồn phù hợp sẽ tránh được sự hẫng hụt cho nhân sự cấp uỷ và nhân sự cán bộ chủ chốt. Đây là nhiệm vụ Vietcombank sẽ cố gắng phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.  Cơ chế đãi ngộ, khuyến khích nhân viên, thu hút và giữ chân cán bộ giỏi, có năng lực: Về phía chủ quan, Đảng uỷ và Ban lãnh đạo Vietcombank luôn trăn trở với tình trạng chảy máu chất xám và các giải pháp tạo động lực khuyến khích cán bộ giỏi, cán bộ quản lý. Ban lãnh đạo Vietcombank đã bước đầu xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện một môi trường làm việc thân thiện, hợp tác, chia sẻ để ở đó mỗi cán bộ đảng viên có cơ hội bình đẳng để khẳng định mình, để phát triển và thăng tiến. Ban lãnh đạo Vietcombank đã bước đầu thành công trong việc xây dựng một cơ chế phân phối tiền lương mới nhằm chấm dứt tình trạng bình quân chủ nghĩa của cơ chế lương cũ; phản ánh được trách nhiệm và hiệu quả công việc trong phân phối quĩ lương; khích lệ, động viên tinh thần làm việc của tập thể cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, việc triển khai trong thời gian qua còn chưa đồng bộ và thiếu hệ thống, cần có thêm sự hỗ trợ về hành lang pháp lý của các cơ quan quản lý.
 
Từ những kết quả đạt được và thực tiễn công tác cán bộ trong nhiệm kỳ qua, Đảng uỷ Vietcombank đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm. Trước hết công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí sắp xếp cán bộ vào các vị trí chủ chốt trong chuyên môn phải thực chất, căn cứ đúng theo yêu cầu công tác, phẩm chất và năng lực cán bộ và phải đồng bộ với quy hoạch, bố trí nhân sự cấp uỷ để tránh sự hẫng hụt cho nhân sự cấp uỷ. Đây là một tồn tại phổ biến tại Đảng bộ các doanh nghiệp trong thời gian qua. Công tác đánh giá cán bộ cần phải xây dựng quy chế đánh giá cán bộ cụ thể cho từng vị trí công việc. Việc đánh giá phải căn cứ trên yêu cầu công việc và sự phân công, bố trí công việc cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên từ đó có sự đánh giá đúng người, đúng việc làm cơ sở xác thực cho công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ cũng như công tác thi đua, khen thưởng.
 
Bên cạnh những nỗ lực tự thân của Vietcombank nhằm ngày càng chuẩn hoá công tác quản lý cán bộ, thực sự tạo ra nguồn lực, động lực nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và kinh tế với Đảng và Chính phủ, Đảng uỷ Vietcombank cũng rất cần được các cơ quan quản lý quan tâm tạo điều kiện về chủ trương chính sách để có cơ chế hoạt động thuận lợi, rõ ràng hơn nữa.
 
Nguyễn Phước Thanh
Uỷ viên Ban Chấp hàng Đảng bộ Khối
Bí thư Đảng uỷ - Tổng Giám đốc
 
.
.
.
.