.
.

Diễn biến thị trường tiền tệ tháng 11/2011 và nhận định xu hướng tới

Thứ Tư, 07/12/2011|00:00
 1. Thị trường thế giới

Kinh tế thế giới đang chứng kiến những diễn biến mới ngày càng xấu đi: Khủng hoảng nợ công tại Châu Âu ngày thêm nghiêm trọng sẽ khiến nhiều quốc gia buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu như Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, nếu các Chính phủ không quyết liệt hơn. Thâm hụt ngân sách của Mỹ đang rất trầm trọng, hiện nay nợ công của quốc gia này đã vượt 15.000 tỷ USD, ước tính tương đương  99% quy mô nền kinh tế  năm 2011. Bên cạnh đó, đà suy thoái của một số nền kinh tế chủ chốt khiến cho nguy cơ “suy thoái kép” i của nền kinh tế thế giới trở nên hiện hữu.

Sau đây là diễn biến nổi bật của 2 nền kinh tế chủ chốt:

- Kinh tế Mỹ

Kinh tế Mỹ cho thấy các động thái chính sách của Chính Phủ chưa có gì nổi bật, tuy nhiên có thể nhận định kinh tế Mỹ chưa có khả năng rơi vào suy thoái tiếp. Các báo cáo mới nhất cho thấy các yếu tố việc làm được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp giảm về 9%, từ mức 9,1% trước đó và 80 nghìn việc làm mới đã được tạo ra ở lĩnh vực phi nông nghiệp. Mặc dù các hoạt động kinh tế nói chung vẫn còn ảm đạm: chỉ số ISM sản xuất giảm còn 50,8% so với mức 51,6% tháng trước. Tín hiệu tốt xấu đan xen cho thấy nền kinh tế này còn nhiều bất ổn.

- Kinh tế khu vực Châu Âu 

Câu chuyện về khủng hoảng nợ công ở Châu Âu đã quá quen thuộc với những người theo dõi tình hình kinh tế thế giới. Vấn đề lớn hơn hiện nay của cuộc khủng hoảng Châu Âu không còn nằm ở Hy Lạp nữa mà là ở Ý và Tây Ban Nha, với thị phần trái phiếu chính phủ lớn hơn gấp nhiều lần Hy Lạp. Theo công bố của tờ Financial Times giá trị thị trường trái phiếu của Ý là khoảng 1.900 tỷ euro, quá lớn so với mức 440 tỷ của EFSF, cũng có nghĩa là EFSF chỉ đủ tiền để mua 20% số trái phiếu của Ý. Chính vì lẽ đó, thời gian qua Châu Âu đã có một số thỏa thuận quan trọng nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng nổ suy thoái tại khu vực: (1) quyết định giảm lãi suất (LS) chủ chốt từ 1,5% xuống còn 1,25%, (2) các ngân hàng tư nhân tự nguyện giảm 50% giá trị các khoản nợ của Hy Lạp, (3) tăng quỹ cứu trợ EFSF lên 1.000 tỷ euro, (4) các ngân hàng ở Châu Âu phải tăng thêm vốn khoảng 106 tỷ euro để gia tăng sức chịu đựng nếu xảy ra những trường hợp vỡ nợ của Chính phủ.

 

- Thị trường vàngThị trường vàng thế giới từ đầu tháng đến nay tiếp tục tăng, cho thấy vàng luôn được giới đầu tư quan tâm trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn. Giá vàng thế giới mở cửa đầu tháng là 1.713USD/ounce, giá cao nhất tính đến ngày 22/11 là 1.802,54USD/ounce, giá thấp nhất là 1.666USD/ounce, tương đương với mức tăng 136.54 USD/ounce (tăng 7,5% so với đầu tháng). 

Nguyên nhân giá vàng tăng từ đầu tháng 11 đến nay là do sức mua mạnh của các quỹ đầu tư sau khi đã chốt lời trong tháng 10. Tính riêng quỹ SPDR Gold từ đầu tháng đến ngày 21/11 đã mua vào với tổng số lượng 47,7 tấn.

2. Thị trường Việt Nam

- Lãi suất

Kể từ khi Thông tư 30/2011/TT-NHNN được ban hành, quy định LS tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm, LS huy động nhìn chung đi vào khuôn khổ ở mức 14%/năm; hầu hết các ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc theo thông tư này. Trong thời gian qua, trần LS tuy còn một số vấn đề chưa được như mong muốn của người làm chính sách nhưng về cơ bản đã phát huy hiệu quả tích cực, lập lại trật tự trên thị trường tiền tệ. Các ngân hàng thương mại lớn tiếp tục khẳng định sức mạnh; các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn hơn về huy động vốn, có thể dẫn tới căng thẳng về thanh khoản. Vừa qua, việc BIDV cam kết hỗ trợ thanh khoản 8.000 tỷ đồng cho BacAbank và GPBank là một dấu hiệu của điều này.

 

LS liên ngân hàng: Trong tháng 11, lãi suất VND qua đêm phổ biến từ 13-15%; 1 tuần 15%-17%; 2 tuần 16%-18%; 1 tháng 18%-19% đã giảm đáng kể so với tháng 10. Cao hơn nhiều so với huy động từ dân cư (14%), nhiều người lo ngại rằng LS liên ngân hàng tăng cao là dấu hiệu của sự  thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ rất dễ dẫn đến sự đổ vỡ. Các chuyên gia kinh tế cho biết LS liên ngân hàng tăng cũng không quá đáng ngại. Vì LS liên ngân hàng chỉ phản ánh trong chu kỳ ngắn hạn, nếu mức tăng cứ diễn ra đều đều và liên tục theo tháng mới đáng bàn, hiện tại mới diễn ra theo tuần là chủ yếu.

LS liên ngân hàng tăng cao, cũng một phần do tác động điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước tăng LS tái cấp vốn từ 14% một năm lên 15%, LS cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14% lên 16% mỗi năm, áp dụng từ ngày 10/10 cũng là một nhân tố đẩy LS liên ngân hàng dâng cao.

- Tỷ giá, thị trường ngoại hối

Tỷ giá thị trường ngoại hối có xu hướng giảm và ổn định hơn so với tháng trước, đã góp phần làm cho tỷ giá bình quân liên ngân hàng ổn định ở mức 20.803 đồng. Qua biểu đồ cho thấy tỷ giá thị trường tự do dao động trong khoảng 21.300 đồng đến 21.400 đồng, ở thị trường chính thức giá mua bán vẫn luôn duy trì kịch trần 20.595 đồng  đến  21.011 đồng.

 

Kết luận 

Nguyên nhân làm tỷ giá căng thẳng thời gian qua ngoài việc nhu cầu thanh toán cuối năm của các doanh nghiệp, cung cầu của thị trường. Nhưng cũng cần nhìn nhận vào sự thật chính sách điều hành tỷ giá  thời gian qua? Điều hành tỷ giá cũng giống như lập lại trật tự giao thông, cần phải có hai yếu tố: Đường đủ to và pháp luật đủ nghiêm. Khi hội tụ được cả hai điều này, thì mới có kết quả.

3. Nhận định diễn biến thị trường trong thời gian tới3.1. Tình hình thế giới

- Nhận định diễn biến cặp tiền EUR/USD 

Tính đến ngày 30/11 cặp tỷ giá này đang giao dịch ở mức 1,3480. Về mặt kỹ thuật các chỉ báo xu hướng Stochastic và RSI ở biểu đồ D1, W1 và MN đều cho thấy xu hướng giảm. Nhận định xu hướng trong thời gian tới: Do giá mở cửa của tháng 12 là 1,3444 thấp hơn giá đóng cửa của tháng 11 và nằm dưới ngưỡng kỹ thuật 1,3500,  nhiều khả năng tháng tiếp theo sẽ phá vỡ đáy cũ 1,3145 (được thiết lập vào ngày 02/10/2011) để về vùng 1,3050. Nhưng ngược lại, giá sẽ tăng mạnh nếu giá phá vỡ ngưỡng cản 1,3700, lúc đó sẽ thiết lập đỉnh mới 1,4250.

 

- Vàng:Về mặt kỹ thuật các chỉ báo xu hướng Stochastic và RSI ở các biều đồ ngắn hạn, trung hạn tín hiệu đi ngang, chỉ báo trong dài hạn vẫn tiếp tục tăng, tính đến ngày 30/11 giá vàng đang giao dịch là 1.715 USD/ounce. Mức cao nhất được ghi nhận từ đầu tháng đến nay là 1.802,54 USD/ounce. Nhận định diễn biến trong thời gian tới giá vàng tiếp tục phá đỉnh của tháng và sau đó chinh phục đỉnh 1.920,80USD/ounce đã được thiết lập ngày 06/9/2011. Giới phân tích trên thế giới lạc quan rằng, các chương trình thanh khoản mới của ECB có thể hỗ trợ cho giá vàng, làm cho kim loại quý này trở lên hấp dẫn hơn so với tiền tệ. Walter de Wet, chuyên gia của Standard Bank dự báo, giá vàng sẽ sớm tăng lên 2.000 USD/ounce.

 

Thêm yếu tố góp phần làm giá vàng hấp dẫn hơn khi phó Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Nga Sergey Shevtsov cho biết trong năm 2012, tổ chức này dự kiến mua vào 100 tấn vàng, nhằm nâng tỷ trọng kim loại quý này trong tổng dự trữ quốc gia lên 13%. Từ đầu năm đến nay, Nga đã mua vào 90 tấn vàng và chỉ bán ra 28 tấn.

- Chỉ số đô la Mỹ (USD- Index) 

Tính đến ngày 30/11 chỉ số đô la Mỹ đang giao dịch là 78, về mặt kỹ thuật  chỉ số này đang trong kênh tăng giá và nhiều khả năng sẽ phá đỉnh 79.83 trong tháng tới về mức fibo 50% (khoảng giá  80.50).

 

3.2. Tình hình trong nước

Tỷ giá từ nay đến cuối năm có chiều hướng ổn định là rất lớn, nguyên nhân là thị trường sẽ bị chi phối mạnh bởi Nghị định 95/2011/NĐ-CP. Bên cạnh đó với chênh lệch LS tiền gửi USD và VND lên tới 12% một năm, người dân không mấy mặn mà gửi ngoại tệ tại ngân hàng mà chuyển sang bán đứt. Ngoài ra, gần cuối năm số liệu thống kê cho thấy cán cân thanh toán có thể thặng dư 2-3 tỷ USD cũng khiến áp lực lên tỷ giá “nguội” dần. Trong khi số liệu nhập siêu công bố dự kiến chưa đến 9 tỷ USD, thấp hơn con số dự báo trước đó là 12- 13 tỷ USD cũng là nhân tố khiến cho tỷ giá hạ nhiệt.

Đây chỉ là nhận định trong ngắn hạn, trong dài hạn thị trường ngoại hối chỉ thực sự ổn định nếu các vấn đề kinh tế vĩ mô được giải quyết. Đó là cần phải có kế hoạch rõ ràng về việc giảm nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại và giảm lạm phát. Các biện pháp kiểm soát mang tính hành chính sẽ không có tác dụng về lâu dài, có thể làm cho thị trường mất lòng tin vào các giải pháp và năng lực của chính phủ.

Bên cạnh đó, việc quá nhiều ngân hàng trong một nền kinh tế có quy mô nhỏ dẫn đến sự cạnh tranh đào thải cũng sẽ diễn ra khốc liệt. Chính vì vậy, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là điều cần thiết. Những ngân hàng nhỏ và yếu kém có thể bị buộc phải sáp nhập vào các ngân hàng lớn hoặc nằm trong tầm kiểm soát của NHNN để tránh cho sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, làm cho thị trường tin hơn vào tính ổn định của hệ thống ngân hàng./.

Tài liệu tham khảo:
1. Theo  AP, Reuters
2. Một số vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới và Việt Nam tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2011- Viện Khoa học xã hội Việt Nam
3. Tổng hợp thông tin từ các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử của Chính phủ, NHNN,…


 Dấu hiệu đình trệ đình trệ kinh tế đã xuất hiện ở hàng loạt các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Pháp, Đức,Italy, Anh và tại nền kinh tế đang phát trinể và mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. IMF đã hạ mạnh dự báo.

Phòng Kinh doanh Ngoại tệ - Ngân hàng Công thương Việt Nam

.
.
.
.