.
.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: Năm 2012 tập trung chống thất thu thuế là một nhiệm vụ trọng tâm

Chủ Nhật, 22/01/2012|00:09

Năm 2012 dự báo tiếp tục khó khăn, kể cả vấn đề sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu. Bộ Tài chính tập trung mọi nỗ lực phấn đấu tăng ít nhất 5-8% dự toán thu mà Quốc hội quyết định, phấn đấu giảm bội chi xuống dưới 4,8% mức theo chủ trương của Chính phủ, trong đó tập trung chú trọng vào chống thất thu thuế.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Ảnh: Chinhphu.vn

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trong cuộc trao đổi với phóng viên.

PV: Thưa Bộ trưởng, năm qua với rất nhiều khó khăn, Bộ trưởng có những đánh giá như thế nào về kết quả của ngành Tài chính trong năm 2011?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tôi thấy có nhiều kết quả trong đó, đáng chú ý nhất, một trong những thành tích của ngành Tài chính trong năm 2011 là góp phần thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đó là tăng thu, tiết kiệm chi, về cơ cấu lại chi  ngân sách, giảm bội chi. Số liệu báo cáo quốc hội thì năm 2011, bội chi khá lớn, lần đầu tiên trong 5 năm, chúng ta giảm bội chi xuống 4,9%.

Về tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư, chính sách tiền tệ đã nêu trong báo cáo. Một trong những chỉ tiêu quan trọng Chính phủ giao Bộ Tài chính là phấn đấu năm nay tăng thu giảm chi, thực hiện dự toán Quốc hội giao, kéo bội chi ngân sách xuống dưới 4,8%. Đây là mức thấp đòi hỏi phải phấn đấu quyết liệt, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế năm 2012 dự báo tiếp tục khó khăn, kể cả vấn đề sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu.

Bộ Tài chính tập trung mọi nỗ lực phấn đấu tăng ít nhất 5-8% dự toán thu mà Quốc hội quyết định, phấn đấu giảm bội chi xuống dưới 4,8% mức theo chủ trương của Chính phủ, trong đó tập trung chú trọng vào chống thất thu thuế. Chúng tôi đang chỉ đạo ngành Hải quan, thuế xây dựng các đề án, nhất là trong lĩnh vực chống thất thu trong lĩnh vực chuyển giá, kể cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Ngành Hải quan thì tăng cường quản lý trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất, nhất là đối với kinh doanh xăng dầu. Rồi đề án liên quan tới quản lý hàng phi mậu dịch, phối hợp ngành thuế và hải quan, quản lý kim ngạch xuất khẩu và biên mậu chống thất thu thuế, gian lận thương mại hoàn thành kế hoạch thu. Tôi tin rằng mức bội chi sẽ thực hiện được.

PV: Được biết, năm 2011, ngành Hải quan cũng đạt được những kết quả ấn tượng, với con số thông quan hơn 200 tỷ USD. Kết quả này dựa trên những cơ sở nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Theo tôi đây cũng là một trong những thành tích ấn tượng của năm 2011 là kim ngạch xuất khẩu tăng khá, mức độ tăng trên 33% so với mục tiêu Quốc hội đã giao, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang gặp khó khăn, có yếu tố tăng cả sản lượng và giá. Do đó xuất khẩu cả năm ước đạt 96 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 106 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt khoảng 212 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng, cho thấy quy mô nền kinh tế tăng khá nhanh và độ mở của nền kinh tế cũng rất lớn. Trong các thành tích đó thì ngành hai quan cũng đã thông quan đạt mức kỷ lục trên 200 tỷ USD. Ngày 25/12 vừa rồi, số liệu chính thức kim ngạch xuất nhập khẩu thông quan là 200 tỷ. Lần đầu tương trong lịch sử ngành Hải quan đạt mức thu kỷ lục, cán đích 200.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu, dự kiến cả năm là 213.000 tỷ đồng. Đây là thành tích rất lớn, đóng góp vào thành tích chung thu ngân sách, góp phần quan trọng và là cơ sở giảm bội chi ngân sách.

PV: Năm 2012 được dự báo là nền  kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng thu ngân sách lớn (trong đó thu từ thuế nội địa ,không kể nhà đất tăng khoảng 20%), chi ngân sách cũng tăng cao. Xin Bộ trưởng cho biết, các giải pháp ngành Tài chính đặt ra để hoàn thành nhiệm vụ này?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về chính sách thu, tổ chức triển khai thực hiện tốt hệ thống pháp luật thuế hiện hành, trong đó có 2 Luật thuế mới có hiệu lực từ 1/1/2012 là Luật Thuế bảo vệ môi trường (chủ yếu thay thế khoản thu từ phí xăng dầu trước đây), Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (thay thế thuế nhà, đất). Điều hành chính sách thuế linh hoạt phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, giảm nhập siêu. Tiếp tục rà soát, điều chính phí, lệ phí cho phù hợp với yêu cầu quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh.

Thực hiện thu NSNN theo thực tế phát sinh và đúng quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí. Chỉ đạo quyết liệt, tăng cường quản lý thu NSNN, chống thất thu, nợ đọng thuế, nhất là thất thu đối với các khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên và thất thu từ gian lận thương mại, gian lận kê khai thuế thông qua chuyển giá...

Về chi ngân sách, chúng tôi cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tiết kiệm trong chi thường xuyên thông qua rà soát, hạn chế trang bị mới xe ô tô, điều hoà nhiệt độ, trang thiết bị văn phòng, phương tiện làm việc chưa thật sự cần thiết; tiết kiệm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, ..., giảm tối đa số lượng, quy mô và kinh phí chi hội thảo, hội nghị, tổng kết, sơ kết và các đoàn công tác trong và ngoài nước sử dụng kinh phí NSNN; ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách, nội dung không thiết thực.

Chỉ đạo thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước (KBNN), kiên quyết từ chối thanh toán cho các dự án, công trình không được bố trí vốn, các khoản chi không có trong dự toán.

PV: Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nhà nước nói chung và một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nói riêng thời gian qua hoạt động chưa hiệu quả tương xứng với vai trò, vị trí của mình. Sẽ phải làm gì với tình trạng này trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Hiện nay đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) dù chúng ta đã đổi mới sắp xếp nhiều năm nay, giờ là tái cấu trúc DNNN cũng là tiếp tục sắp xếp đổi mới, hướng tới 2 mục tiêu quan trọng nhất, để DNNN làm tròn đúng vị trí vai trò của Nhà nước trong điều tiết vĩ mô, làm cho DNNN nâng cao hiệu quả cạnh tranh, có hiệu quả kinh doanh tương xứng với công việc được giao, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế.  

Để giải quyết tình trạng nêu trên, căn cứ phương án tổng thể, xem xét phê duyệt đề án cơ cấu lại từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hoá, thực hiện đa sở hữu các DNNN, kể cả tập đoàn và tổng công ty; chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết nhằm thực hiện vai trò của DNNN đồng thời với việc kiện toàn về tổ chức và quản trị để nâng cao hiệu quả hoạt động. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính; thực hiện xong việc thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính từ nay đến năm 2015. Xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, hoạt động không hiệu quả kéo dài bằng các hình thức như cổ phần hoá, sáp nhập, giải thể, bán, phá sản doanh nghiệp. Nghiên cứu để đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước và cơ chế đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại tập đoàn và tổng công ty. Xây dựng tiêu chí quản trị và lựa chọn bố trí đúng cán bộ để lãnh đạo quản lý hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty. Thực hiện công khai minh bạch hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; kiểm soát có hiệu quả độc quyền tự nhiên.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu xây dựng Đề án tái cấu trúc DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và Bộ Tài chính cũng đang triển khai.

Quá trình tái cấu trúc lại DNNN, trọng tâm là  các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một quá trình không dễ dàng, Bộ Tài chính sẽ quyết tâm hành động, để thực hiện thành công nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

PV: Minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến giá cả các mặt hàng khác như điện, xăng, dầu… như Bộ trưởng đã từng phát biểu sẽ có những biện pháp quyết liệt để minh bạch, công khai hoạt động của các doanh nghiệp này, nhưng cho đến nay những hoạt động trên vẫn chưa thực sự được “minh bạch hoá” như kỳ vọng của nhân dân. Xin Bộ trưởng cho biết, các giải pháp mà ngành Tài chính sẽ đưa ra trong thời gian tới?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Trong thời gian qua, để thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã minh bạch về cơ chế điều hành như Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu; đối với điều hành giá điện Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp quyết liệt để minh bạch, công khai hoạt động của các doanh nghiệp có những ảnh hưởng lớn đến thị trường. Cụ thể, đối với xăng dầu, các lần điều chỉnh giá đều được liên Bộ giám sát chặt chẽ và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về nguyên tắc điều hành và mức giá điều chỉnh. Giá cơ sở để tham chiếu bước đầu cũng đã được Bộ Tài chính, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả kiểm toán việc trích lập, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng đã được công bố công khai.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ  Công Thương nghiên cứu để trình Chính phủ bổ  sung, sửa đổi những nội dung như mở rộng điều kiện để các thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh và có cạnh tranh trong kinh doanh; cơ  chế tính toán giá cơ sở, trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế các hành vi lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường để kinh doanh tạo những bất ổn thị trường của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Đối với mặt hàng điện, năm 2012, tiếp tục phải thực hiện lộ trình giá thị trường và việc điều chỉnh tăng giá điện vào thời điểm thích hợp là yêu cầu bắt buộc phải làm để tiếp tục xoá bao cấp qua giá. Nguyên tắc điều chỉnh là vẫn chỉ điều chỉnh tăng ở mức độ có kiềm chế (chưa tính đủ các chi phí bỏ ra để sản xuất điện) phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế đến mức thấp tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống.

Trong Nghị quyết giám sát về trả lời chất vấn vừa rồi, Quốc hội đã yêu cầu các mặt hàng giá này cơ bản thực hiện theo cơ chế thị trường hết năm 2013. Bộ Tài xây dựng lộ trình báo cáo Chính phủ thực hiện lộ trình này, đảm bảo nguyên tắc thị trường, có hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, thu nhập thấp , trên cơ sở minh bạch các chi phí giá thành, công bố kịp thời giá cả để người dân biết, giám sát. Bộ Tài chính phối hợp Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, định kỳ hàng năm thanh tra kiểm toán được các DN kinh doanh các mặt hàng quan trọng này, số liệu cũng kịp thời cung cấp cho nhân dân được biết.

Trong thời gian tới, khi Chính phủ có quyết định điều chỉnh giá chính thức vào thời điểm thích hợp đối với giá điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin theo quy định để người dân biết. Ngoài ra, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại một số nhà máy sản xuất điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số nhà máy điện ngoài EVN.

Năm 2012 một trong những việc quan trọng nhất trong lĩnh vực giá là Chính phủ trình quốc hội xem xét thông qua Luật Giá, trên cơ sở đó Bộ Tài chính xây dựng văn bản trên nguyên tắc bù đắp chi phí hình thành giá, đảm bảo mức lợi nhuận của DN để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, quy định vấn đề, yếu tố quản lý của nhà nước liên quan tới bình ổn giá và ổn định giá. Trên cơ sở quy định của Luật giá, Chính phủ chỉ đạo, Bộ Tài chính cũng sẽ hối hợp các Bộ ngành điều hành giá trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Huy Thắng

Cổng Chính Phủ

.
.
.
.