.
.

Khi ý Đảng hợp lòng dân

Chủ Nhật, 08/01/2012|23:08

Một trong những chính sách đã làm thay đổi diện mạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) trong những năm qua chính là việc thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, sau 3 năm triển khai, toàn huyện đã hoàn thành việc hỗ trợ làm nhà ở cho hơn 3.300 hộ, đạt trên 90% kế hoạch, điều này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của vùng nông thôn miền núi biên giới.

Những căn nhà 167 cho đồng bào DTTS tại huyện Mường Nhé đã được xây dựng và làm mới
Những căn nhà 167 cho đồng bào DTTS tại huyện Mường Nhé đã được xây dựng và làm mới

Chuyện "an cư - lạc nghiệp" ở Mường Nhé

Thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyệnMường Nhé có hơn 3.300 hộ được hỗ trợ làm nhà ở. Nhằm đảm bảo đúng tiến độ và giúp đỡ người dân nghèo có được ngôi nhà ở vững chắc, ngay sau khi triển khai Quyết định, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà 167. Đồng thời, chỉ đạo cho các xã tiến hành rà soát, bình xét và thống kê các hộ nghèo thật sự cần được hỗ trợ để có kế hoạch thực hiện. Triển khai cán bộ xuống các bản tổ chức tuyên truyền cho đồng bào dân tộc về chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ các hộ nghèo làm nhà.

Đến nay, sau 3 năm thực hiện chương trình 167, nhiều xã của Mường Nhé đã cơ bản hoàn thành như: xã Mường Nhé, Sín Thầu, Chà Cang và Mường Toong... số còn lại đang trong quá trình triển khai và chuẩn bị nguyên vật liệu để làm nhà. "An cư - lạc nghiệp" điều mà các hộ dân nghèo của huyện Mường Nhé hằng mơ ước đến nay đã thành hiện thực. Sau khi hoàn thành, các hộ nghèo đã ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế.  

Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt bình quân 9,75%/năm. Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Mường Nhé với tổng nhu cầu kinh phí thực hiện cho cả giai đoạn 2009 - 2020 là gần 6.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm có khoảng 600 tỷ đồng dành cho công tác XĐGN nhanh và bền vững. Số đầu tư đó đối với một huyện đặc biệt khó khăn như Mường Nhé thực sự là đòn bẩy, tạo sức bật cho huyện nghèo đi lên.

Nỗi niềm cán bộ tín dụng

"Đến hết năm 2011, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Mường Nhé đạt trên 147 tỷ đồng với 9 chương trình vay. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo là 70 tỷ đồng; hộ nghèo theo Nghị quyết 30a trên 13 tỷ đồng; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở gần 25 tỷ đồng; cho vay hộ đồng bào DTTS trên 4 tỷ đồng...".

Có thực sự đi cùng các cán bộ tín dụng NHCSXH trên từng cung đường mới thấu hiểu được nỗi vất vả và sự nhiệt tình của anh chị em, đặc biệt là những ngày mưa gió, lạnh giá.

Anh Cao Ngọc Minh, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Mường Nhé tâm sự: "Nếu không có sự nhiệt tình và lòng yêu nghề, chắc chắn anh em sẽ khó có thể trụ vững được tại đây". Nói rồi anh Minh cười cho biết thêm: "Do Mường Nhé chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, việc định canh định cư thường phân tán trên tận đỉnh, hoặc lưng chừng đồi; mỗi nhà thậm chí cách nhau cả một quả đồi. Những ngày nắng ráo thì còn đỡ, còn vào mùa mưa thì thực sự là vất vả. Việc giao dịch cũng như công tác thu nợ của anh em chỉ có một cách duy nhất là đi xe máy lên tới xã, thậm chí nhiều nơi anh em phải bọc sổ sách, máy móc bằng nhiều lớp áo mưa và dắt bộ vào điểm giao dịch".

Quả thực, có thực sự trải nghiệm cùng anh em cán bộ tín dụng mới thấy hết được những khó khăn vất vả của họ. Vất vả là thế, khó khăn là thế, nhưng điều khiến tôi vô cùng khâm phục ở các cán bộ trẻ chính là sự nhiệt tình với đồng bào và lòng hăng say với nghề. Được ví như những chú ong cần mẫn, các cán bộ tín dụng lại chính là những người hiểu đồng bào nhất. Vũ Xuân Giang - cán bộ NHCSXH huyện Mường Nhé tâm sự: "Vì đường sá đi lại khó khăn, địa bàn rộng cho nên Tổ giao dịch lưu động của Phòng giao dịch 100% là anh em nam giới, và cũng hoàn toàn là người Kinh cho nên ban đầu không những vất vả về việc đi lại do chưa quen địa bàn mà điều khó khăn là anh em không biết tiếng địa phương. Cách duy nhất để hiểu họ là thông qua cán bộ xã và mình phải tự học hỏi tiếng của họ để giao dịch, trao đổi thuận tiện hơn".  

Sự đổi mới về kinh tế - xã hội nói trên chỉ là khởi đầu, bởi Mường Nhé hôm nay vẫn nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất nước. Song những đổi thay từ sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Nhé là niềm tin để huyện biên giới này vươn lên. Chính sách hỗ trợ các hộ dân nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức chung lòng của cán bộ NHCSXH, của các cấp chính quyền và đồng bào đang là động lực trợ giúp thiết thực và hiệu quả để các hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, đồng thời góp phần thay đổi diện mạo nông thôn biên giới Mường Nhé.

Bài và ảnh Lã Tài 

.
.
.
.