.
.

Phát triển xanh: Cơ hội sống của hành tinh 7 tỷ người

Thứ Ba, 24/01/2012|10:46

Động đất, sóng thần làm Nhật Bản tan hoang, nhưng cũng chính động đất, sóng thần dẫn tới sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima đã làm thay đổi sâu sắc quan điểm về xu hướng phát triển của nhiều nước trên thế giới. Đó chính là cơ hội cho những “dự định xanh” còn dang dở và cũng là cơ hội để cứu hành tinh đã chạm ngưỡng 7 tỷ người.

Fukushima, nỗi ám ảnh không chỉ của người Nhật

Sau hơn hai thập niên, kể từ khi sự cố Chernobyl xảy ra, người ta đã tạm thời quên đi nỗi ám ảnh của thảm hoạ hạt nhân, thì ngày 12/3, người dân thế giới và Nhật Bản lại bàng hoàng khi đón nhận thông tin về vụ nổ lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Mặc cho Chính phủ Nhật Bản tuyên bố "tình hình vẫn được kiểm soát", hãng tin Jiji, Nhật Bản thừa nhận: "Mức phóng xạ trong phòng điều khiển của nhà máy Fukushima số 1 ở mức cao gấp 1.000 lần thông thường, mức phóng xạ cách xa khu vực nhà máy 1,5 km cao gấp 20 lần bình thường". Không cần bình luận thêm, những thông tin đó khiến không chỉ người dân Nhật Bản mà hàng loạt các quốc gia láng giềng lo sợ về một thảm họa tàn khốc như Chernobyl sẽ lặp lại.

Bản tin thời sự của nhiều nước lân cận ngay lập tức dành một thời lượng lớn để thông báo cho người dân về mức độ ảnh hưởng của rò rỉ phóng xạ tại Nhật Bản tới đất nước mình. Các nước ở xa hơn cũng thể hiện sự lo lắng bằng cách ban bố lệnh tạm thời cấm nhập khẩu hàng hóa nông phẩm Nhật Bản do lo ngại nhiễm phóng xạ. Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Nhật, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ngừng nhập khẩu một số thực phẩm Nhật. Pháp cùng nhiều quốc gia tại châu Âu cũng lên tiếng yêu cầu Ủy ban châu Âu kiểm soát ngặt nghèo hơn những hàng hoá có nguồn gốc từ Nhật Bản. Cả thế giới hướng về đất nước Mặt trời mọc với niềm cảm thông xen lẫn sự cảnh giác và sợ hãi.

Tuy nhiên, chính bầu không khí căng thẳng và sự lo ngại của cộng đồng quốc tế về sự cố rò rỉ phóng xạ tại Fukushima một lần nữa đã thổi bùng lên quyết tâm "phát triển xanh" tại nhiều quốc gia lâu nay vẫn ấp ủ. Sau sự cố tại Nhật Bản, câu hỏi: Phát triển năng lượng hạt nhân, hay đoạn tuyệt với nó? đã trở thành chủ đề gây ra nhiều tranh cãi trong các cuộc thảo luận từ trong nước cho tới quốc tế. Nhiều chính đảng tại các quốc gia châu Âu thậm chí còn lấy mục tiêu "phát triển xanh" làm thế mạnh khi tham gia tranh cử. Và chính làn sóng đó đã tạo ra một cơ hội mới cho những "giấc mơ xanh" tại nhiều quốc gia trên thế giới.

"Những điểm xanh" trên bản đồ thế giới

Mạnh mẽ nhất trong phong trào "phát triển xanh" sau thảm hoạ tại Nhật Bản phải kể tới nước Đức. Vốn đã nổi tiếng là một quốc gia đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo trên thế giới, sau sự cố tại Fukushima, Đức tuyên bố ngừng hàng loạt các dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân, đồng thời không ra hạn thêm cho một số nhà máy điện hạt nhân đang sử dụng.

Nước Đức quyết tâm sử dụng năng lượng sạch cho tất cả tàu điện ngầm vào năm 2050.

Bộ Môi trường Liên bang Đức thậm chí còn công bố bản lộ trình mới phác thảo tiến trình thực hiện các kế hoạch hướng tới một nền kinh tế sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo. Theo đó, nếu như năm 2008, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 7% tổng lượng tiêu thụ năng lượng của Đức, thì nay nó được đẩy lên mức 33% vào năm 2020. Và theo kế hoạch, năm 2030 sẽ có tới 50% nguồn điện của Đức được lấy từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Bên cạnh Đức, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan... cũng không ngừng thúc đẩy tăng trưởng xanh với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh. Trong đó Hàn Quốc nổi lên như một điểm sáng.

Chiến lược quốc gia về "tăng trưởng xanh, carbon thấp" của Hàn Quốc không chỉ được xác định sau khi thảm hoạ động đất sóng thần xảy ra, mà từ năm 2008, chính phủ nước này đã dành tới 80% trong các gói kích cầu kinh tế để ưu tiên cho nền "công nghiệp xanh". Cụ thể tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng của Hàn Quốc trong những năm qua không ngừng tăng. Nếu như năm 2009 tỷ lệ năng lượng sạch mới chỉ là 2,7%, thì theo kế hoạch tới năm 2013 sẽ là 3,78% và tới năm 2020 tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ lên tới 6,08% trong tổng nguồn cung năng lượng của Hàn Quốc..

Công viên World Cup dường như là một minh chứng rõ nét nhất cho quyết tâm "phát triển xanh" của xứ sở kim chi. Trước kia, nơi này là một bãi rác khổng lồ với hàng triệu tấn chất thải cao đến 98 m. Năm 1996, Hàn Quốc triển khai một dự án táo bạo để biến nơi đây thành một công viên với gần một ngàn loại cây và động vật các loại, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. "Tôi nghĩ chính phủ Hàn Quốc đã làm những điều rất tuyệt vời khi biến những nơi chứa rác ô nhiễm thành những công viên xanh", nhà báo Hugo Corzo Zanabria, Mexico cho biết.

Trong tương lai, Hàn Quốc dự kiến sẽ chi trên 1.200 tỷ won, tương đương 852 triệu USD trong 10 năm để đưa đất nước vào nhóm những "quốc gia xanh" hàng đầu thế giới. Hàn Quốc cũng sẽ tích cực theo đuổi chiến lược phát triển xanh bởi vấn đề này không chỉ liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu, mà còn là yếu tố sống còn đối với nền công nghiệp của Hàn Quốc thời kỳ hậu khủng hoảng.

Bên cạnh thúc đẩy kinh tế xanh trong nước, nhiều nước phát triển còn sử dụng kinh tế xanh như một công cụ để tạo lợi thế trong quan hệ kinh tế quốc tế. Việc đưa ra các yêu cầu về phương pháp sản xuất, khai thác và chế biến sản phẩm không gây ảnh hưởng đến môi trường, áp dụng chính sách bảo hộ đối với các ngành kinh tế sạch... đang trở thành một trong những điểu khoản không thể thiếu trong các thỏa thuận kinh tế giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển.

Gần đây nhất, tại hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Hawaii, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố Honolulu. Trong đó, APEC xác định cần phải giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế của khu vực bằng cách hướng đến nền kinh tế xanh, carbon thấp, nâng cao an ninh năng lượng và tạo nguồn mới cho tăng trưởng kinh tế và việc làm. Để thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng xanh, APEC sẽ thực hiện các biện pháp như giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng của APEC vào năm 2035 so với năm 2005, kết hợp các chiến lược phát triển về thải carbon thấp vào các kế hoạch tăng trưởng kinh tế thông qua dự án Thành phố carbon thấp.

Năm 2011 đã khép lại với dấu ấn về một năm của những thảm hoạ thiên nhiên gây thiệt hại nặng nề về vật chất cũng như con người cho nhiều quốc gia trên thế giới. Đó cũng là lời nhắc nhở của "mẹ thiên nhiên" trước sự tàn phá môi trường quá nhanh chóng của con người: Không còn nhiều thời gian, hãy bắt đầu ngay từ hôm nay trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.

 

Những tham vọng xanh:

Nếu người Đức mơ ước năm 2050 tất cả tàu điện ngầm của nước này sẽ chạy bằng năng lượng mặt trời, thì Chính phủ Nhật Bản đã thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển năng lượng xanh khi tuyên bố thực hiện sáng kiến "Sunrise Plan".

Tiên phong trong kế hoạch này phải kể tới Masayoshi Son, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty viễn thông Softbank, người giàu nhất Nhật Bản với tài sản khoảng 8,1 tỷ USD. Ông đã công bố kế hoạch xây dựng 10 nhà máy quang năng với tham vọng thay thế năng lượng hạt nhân tại đất nước Mặt trời mọc.

Cụ thể, nếu "Sunrise Plan" được thực hiện, chính quyền địa phương nơi các nhà máy điện được lắp đặt tuyên bố sẽ hỗ trợ tượng trưng khoảng 100 triệu yên cho mỗi nhà máy, đồng thời tạo điều kiện về mặt bằng cho các dự án này, Softbank sẽ đóng góp 10% chi phí, phần còn lại Softbank sẽ vay mượn từ các ngân hàng.
Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà khoa học thuộc tập đoàn xây dựng Shimizu của Nhật cũng tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng khi tuyên bố sẽ sản xuất điện trên mặt trăng. Nếu trở thành hiện thực, dự án này có thể tạo ra 13.000 tỷ KW điện từ năng lượng mặt trời. Lượng điện khổng lồ này sẽ được truyền về trái đất bằng tia laser hoặc sóng ngắn.

Theo thiết kế của dự án trên, các tấm pin mặt trời sẽ được lắp đặt dọc đường quỹ đạo ở bề sáng của mặt trăng với tổng chiều dài gần 11.000 km và rộng 400 km. Để truyền lượng điện khổng lồ về trái đất, một hệ thống ăng ten dài 20 km cũng sẽ được xây dựng trên mặt trăng. "Việc chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng có chi phí thấp nhưng có giới hạn sang những nguồn năng lượng sạch và vô tận là một giấc mơ của loài người. Các nhà máy điện mặt trời được đặt trên quỹ đạo của mặt trăng sẽ giúp biến giấc mơ của chúng ta thành hiện thực", đại diện của Shimizu cho biết.

Cũng theo công ty Shimizu, ưu điểm của dự án là việc sản xuất điện trên mặt trăng sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết xấu như trên trái đất nên việc sản xuất điện có thể diễn ra liên tục và đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng của cả thế giới.

TuanVietNam

.
.
.
.