.
.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: Đột phá để tăng tốc

Thứ Tư, 25/01/2012|20:51

Trở thành tập đoàn kinh tế mạnh của cả nước, khẳng định vai trò tiên phong, quyết tâm “vươn ra biển lớn”, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - đó là “chân dung” của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam mang thương hiệu PVN. Bên thềm Xuân mới, Tổng Giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu đã có những phút “cởi lòng” với Tiếng nói Việt Nam.

Nhà máy điện Cà Mau 1 (ảnh: PVN)

PV: Ông nghĩ gì về những thành tựu nổi bật mà PVN đạt được trong những năm qua?

Ông Đỗ Văn Hậu: Trước hết, đó là sự tự hào. Tự hào về truyền thống 50 năm, trong đó có hơn 36 năm xây dựng phát triển. Tự hào vì đến nay PVN đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế, hằng năm đóng góp 30% cho ngân sách Nhà nước, giữ vị trí đầu tàu trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Cho tới nay, chúng tôi đã xây dựng được nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, lọc hóa dầu - khí, đến tàng trữ phân phối sản phẩm. Từ chỗ không có dầu khí, nay công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí từ các phát hiện là 1,3 tỷ tấn qui dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước cho thời gian tới.

Từ điểm mốc khai thác m³ khí đầu tiên năm 1981, tới nay, PVN đang khai thác 20 mỏ dầu khí trong nước và 5 mỏ ở nước ngoài với tổng sản lượng dầu khí tính đến hết năm 2011 đạt gần 356 triệu tấn quy dầu. Trong đó, khai thác dầu là trên 283 triệu tấn, khai thác khí gần 73 tỷ m3.

Bên cạnh đó, PVN đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại với nhiều hệ thống thăm dò và khai thác dầu khí nổi trên biển. 3 hệ thống đường ống dẫn khí biển - bờ, 4 nhà máy điện khí đã đưa vào vận hành đóng góp 15% năng lượng điện quốc gia. Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang sản suất 800.000 tấn urê/năm đóng góp gần 40% nhu cầu cả nước. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất biểu tượng tiêu biểu của ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam đã đi vào hoạt động, cung cấp 30% nhu cầu xăng dầu cả nước.

Song song với việc đầu tư phát triển ở trong nước, chúng tôi tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài. PVN đang triển khai thực hiện 18 hợp đồng tại 14 nước trên thế giới và đã mang lại kết quả tốt đẹp cho công cuộc “vươn ra biển lớn”. Các dự án trọng điểm khác đang được PVN tích cực triển khai như: dự án khai thác dầu tại mỏ Nagumanov, dự án phát triển mỏ Junin 2 tại Venezuela và mỏ Bir-Seba tại Algirea…

PV: Bên cạnh thành tích đồ sộ đó, là một tập thể lao động, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Hậu: Không phải bên cạnh, mà là gốc rễ - gốc rễ của những thành tựu mà PVN đã đạt được. Chúng tôi đang rất tự tin vì đã xây dựng được một đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, trình độ cao, từng bước làm chủ các hoạt động dầu khí trong và ngoài nước. Đội ngũ đó có số lượng trên 50.000 lao động, trong đó trên 2.500 người có trình độ trên đại học, hơn 25.000 người có trình độ đại học, cao đẳng và trên 20.000 công nhân lành nghề, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Nhờ thế, PVN đã thực sự là nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành nên các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Nghi Sơn – Thanh Hoá... mang lại kinh tế lớn cho đất nước.

Cũng nhờ thế, năm 2011, một năm đầy khó khăn thách thức đới với tất cả các doanh nghiệp, nhưng PVN đã nỗ lực hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu SXKD, trong đó có 4 chỉ tiêu về đích trước 3 tháng là: gia tăng trữ lượng dầu khí, tổng doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước. Dự kiến cả năm PVN sẽ nộp ngân sách 160,8 ngàn tỷ đồng, vượt 58 ngàn tỷ đồng (tương đương vượt 2,8 tỷ USD) so với kế hoạch. Đặc biệt, vào lúc 16h55, ngày 27/12, PVN đã hoàn thành kế hoạch khai thác 15 triệu tấn dầu. Kết quả là, tổng doanh thu toàn PVN đạt 160 tỷ USD, tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao gần 20%/năm, tạo được nguồn vốn chủ sở hữu gần 250.000 tỷ đồng, tổng tài sản toàn PVN là 525.000 tỷ đồng.

PV: Ông có thể chia sẽ những khó khăn mà PVN đang gặp phải?

Ông Đỗ Văn Hậu: Các dự án của ngành dầu khí rất nhiều dự án khó, phức tạp và lớn. Trong đó, phải kể đến các dự án thăm dò khai thác dầu khí khu vực nước sâu, dự án lọc hóa dầu mới, dự án nhiệt điện than, dự án khai thác dầu khí tại Venezuela… đòi hỏi phải có cán bộ có trình độ cao. Đó là một cái khó. Tiếp theo là việc thu xếp vốn cho các dự án sẽ gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng xấu của nền kinh tế thế giới.

Thứ ba là nguồn tài nguyên dầu khí, đặc biệt các mỏ lớn ngày càng khan hiếm, buộc PVN phải tìm nơi xa hơn, nước sâu hơn, điều kiện địa chất phức tạp hơn, đòi hỏi PVN phải tổ chức nghiên cứu, triển khai chuyên nghiệp hơn, chi phí tốn kém hơn. Ngoài ra, việc đầu tư ra nước ngoài với quy mô lớn hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế quyết liệt cũng là một thách thức với PVN.

PV: PVN sẽ làm gì để tiếp tục chiến lược tăng tốc trong thời gian tới?

Ông Đỗ Văn Hậu: Giai đoạn sau khủng hoảng và nền kinh tế bắt đầu phục hồi, thử thách với doanh nghiệp chính là sức ép về đổi mới cơ cấu, theo đó phải thay đổi tư duy quản trị, chiến lược, phương hướng kinh doanh. Do vậy, cải cách cơ cấu sau khủng hoảng là “mệnh lệnh” đối với doanh nghiệp.

Sau giai đoạn này, PVN sẽ triển khai mạnh mẽ việc xây dựng chiến lược tái cấu trúc bộ máy, tái cơ cấu đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả hướng vào sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, chúng tôi xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là thực hiện thắng lợi giai đoạn một (đến năm 2015) của Chiến lược tăng tốc phát triển với 5 nhiệm vụ chính là: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Lọc hóa dầu; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Trong đó, công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi nhất.

Việc tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí thực hiện ở cả trong và ngoài nước. Phấn đấu gia tăng trữ lượng giai đoạn 2011-2020 là 38-46 triệu tấn quy dầu/năm. Trong đó, trong nước 25-30 triệu tấn/năm, ngoài nước 13-16 triệu tấn/năm.Về khai thác dầu khí, đến năm 2015 đạt 33 triệu tấn quy dầu/năm.

Về công nghiệp lọc - hóa dầu, sẽ đầu tư nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, xây dựng các Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Long Sơn. Công suất lọc dầu đạt 16-17 triệu tấn/năm vào năm 2015. Vê công nghiệp khí, sẽ đảm bảo cung cấp đủ khí cho tiêu thụ công nghiệp (riêng điện chiếm 70-80%) và dân sinh trong nước.

Về công nghiệp điện, phấn đấu đến năm 2015 tổng công suất các nhà máy điện của PVN là trên 9.250 MW. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất ở nhiều lĩnh vực chính, chúng tôi dành một phần nguồn lực nghiên cứu đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhập khẩu năng lượng thay thế, chuẩn bị tiền đề cho những bước xa hơn.

PV: Để thực hiện chiến lược tăng tốc, phải chăng cần có giải pháp đột phá?

Ông Đỗ Văn Hậu: Đúng vậy! Chúng tôi sẽ thực hiện ba giải pháp đột phá. Đó là giải pháp về con người; về khoa học công nghệ; về quản lý. Trong đó, sẽ tập trung xây dựng đội ngũ, xây dựng lực lượng cán bộ bao gồm cả 3 khâu: Tìm kiếm, phát hiện; Đào tạo, bồi dưỡng; Bố trí, sử dụng. Đào tạo đồng bộ cả ba loại cán bộ: cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành và cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh. Và cán bộ phải đáp ứng ba mục tiêu: hướng tới hiện đại, chuyên nghiệp; hướng ra thế giới; hướng tới tương lai. Trong thời gian tới, PVN cũng kiên trì xây dựng nền tảng “Văn hóa Dầu khí”: vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa mang đặc trưng dầu khí.

Xin cảm ơn ông!./.

Ngọc Anh/Báo TNVN

.
.
.
.