.
.

Đảng ta với nhiệm vụ tự đổi mới, tự chỉnh đốn

Thứ Tư, 11/01/2012|21:24

Hơn 80 năm qua kể từ ngày thành lập, nhất là từ khi trở thành đảng cầm quyền cho đến nay, Đảng ta luôn đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng ở ví trí hàng đầu các nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng. Đó không phải vì lợi ích riêng của Đảng mà là vì lợi ích chung của sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Tại Đại hội II của Đảng (1951), khi Đảng ta ra công khai, Bác Hồ nói: “Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để”.

Trong Di chúc để lại (1969), Bác căn dặn toàn Đảng: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) viết: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo”.

Từ Đại hội VIII đến nay, Đảng ta luôn khẳng định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đồng thời chủ trương gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ này với nhiệm vụ phát triển văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội.

Vấn đề xây dựng Đảng bao gồm nhiệu nội dung rộng lớn. Bài viết này không đề cập vấn đề một cách toàn diện mà chỉ xin tiếp cận ở khía cạnh Đảng thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn.

Có một số câu hỏi đặt ra cần lời giải đáp.

1. Đổi mới Đảng là gì?

Đổi mới đất nước là điều ai cũng hiểu. Nhưng nói đổi mới Đảng thì không ít ý kiến băn khoăn. Rằng Đảng ta là một đảng cách mạng kiểu mới. Vậy nói đổi mới Đảng thì có thay đổi gì bản chất giai cấp, nền tảng tư tưởng và các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của Đảng không ? Phải chăng chỉ nên nói đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, hay cụ thể hơn nữa, là đổi mới phương thức và phong cách lãnh đạo của Đảng. Thật ra, ngay tại Đại hội VI, Đảng ta đã khẳng định: “Để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”. Như vậy là đổi mới toàn diện chứ đâu chỉ phương thức và phong cách? Đổi mới tư duy được coi là khâu quyết định nhất. Tư duy có đổi mới thì hành động mới đổi mới được. Có tư duy chung về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cũng có tư duy về từng mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại. Vậy tư duy về Đảng và về công tác xây dựng Đảng có cần đổi mới không ? Chắc chắn là có. Thực tiễn đã chỉ rõ, nếu không có đổi mới tư duy về Đảng thì không có việc đặt đúng vị trí của tư tưởng Hồ Chí Minh trong vai trò nền tảng tư tưởng của Đảng như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã nêu: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Và nếu không có đổi mới tư duy về Đảng thì để nói Đảng ta là đảng của ai, bản chất giai cấp và nhân dân của Đảng là gì, cũng đã không có sự thay đổi cách diễn đạt về Đảng như đã làm tại Đại hội X: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”.

2. Chỉnh đốn Đảng là gì?

Nói một cách chung nhất, xây dựng Đảng là tổng thể các công việc nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Còn chỉnh đốn Đảng là sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, làm cho Đảng trở lại đúng các nguyên tắc về xây dựng Đảng, cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Như vậy, xây dựng Đảng có ý nghĩa bao trùm hơn, còn chỉnh đốn Đảng là một phần trong xây dựng Đảng nhưng cũng hướng tới mục tiêu chung của xây dựng Đảng. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Bác Hồ viết năm 1947 là một tác phẩm mẫu mực, vô giá về chỉnh đốn Đảng. Tác phẩm đề cập việc “sửa đổi” (chỉnh đốn) một cách toàn diện từ chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ đến tác phong lãnh đạo. Sửa đổi cái sai, cái xấu để xây dựng cái đúng, cái tốt. Vũ khí sắc bén nhất là tự phê bình và phê bình.

Trong cuộc sống, thời chiến cũng như thời bình, Đảng ta từng tiến hành những cuộc chỉnh Đảng, chỉnh huấn, chỉnh đốn tổ chức, những cuộc học tập, tự phê bình và phê bình mang ý nghĩa vừa chỉnh đốn vừa xây dựng. Kết quả chung là tốt, có mặt rất tốt. Nhưng trong một số cuộc vận động, cũng đã có những sai lầm và khuyết điểm, có khuyết điểm nghiêm trọng, làm cho một số người e ngại cụm từ “chỉnh đốn Đảng”, cho rằng chỉ khi nào có tình hình gì thật nghiêm trọng mới phải chỉnh đốn.

3. Thế nào là tự đổi mới, tự chỉnh đốn?

Với tư cách là người lãnh đạo cách mạng, Đảng coi đổi mới, chỉnh đốn Đảng là công việc của chính mình, phải tự mình làm lấy, không đùn đẩy cho người khác, cũng không đợi ai thúc ép mới làm. Tự đổi mới, tự chỉnh đốn thể hiện tinh thần chủ động và tự giác của Đảng.

Nhưng nói Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn không có nghĩa là việc này chỉ có một mình Đảng làm lấy mà không cần bất cứ ai. Không. Cương lĩnh của Đảng ghi rõ: Đảng phải “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân”. Việc đổi mới, chỉnh đốn Đảng hoàn toàn không ngoại lệ. Trước nay, các nghị quyết của Đảng về xây dựng, đổi mới và chỉnh đốn Đảng, từ việc đề ra chủ trương, chính sách, biện pháp cho đến khi kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện, đều được công bố cho dân biết. Ở cơ sở, có những cuộc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên được tiến hành trước dân, có sự tham gia đóng góp của nhân dân.

Dẫu có những việc làm còn mang tính hình thức, và hiệu quả không cao, nhưng không vì thế mà phủ nhận tính chất đúng đắn của chủ trương “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”.

4. Đổi mới, chỉnh đốn Đảng tiến hành bằng cách nào, làm thường xuyên hay thông qua những cuộc vận động?

Căn cứ vào Cương lĩnh, có thể thấy tự đổi mới, tự chỉnh đốn là việc làm thường xuyên của Đảng. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ viết: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức đảng càng phải làm như vậy”.

Làm thường xuyên không có nghĩa là không cần thiết tiến hành những cuộc vận động. Chính thức mà nói, từ Đại hội VI đến Đại hội X, về công tác xây dựng Đảng, nếu không tính đến những cuộc học tập các Nghị quyết có liên quan, thì Đảng ta đã tiến hành ba cuộc vận động lớn:

- Cuộc vận động “Làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng.

- Cuộc vận động “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) Khóa VIII.

- Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa X.

Những cuộc vận động ấy tuy được tiến hành vào những thời điểm cách xa nhau nhưng yêu cầu chủ yếu vẫn tập trung vào một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt về chính trị tư tưởng, về phẩm chất, đạo đức lối sống và về tác phong lãnh đạo, công tác của cán bộ, đảng viên. Và dù kết quả đạt được nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, mỗi cuộc vận động đều chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định, cuối cùng vẫn phải kết thúc và đưa công việc vào thường xuyên.

5. Giải quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) mới đây có phải là Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn?

Nói “Một số vấn đề cấp bách” có nghĩa là không phải toàn bộ các vấn đề cơ bản của công tác xây dựng Đảng. Nhưng nếu trong những vấn đề cơ bản, chọn đúng những vấn đề cấp bách nhất để tập trung sức giải quyết có hiệu quả thì có thể tạo nên một bước chuyển biến thật sự rõ rệt, có ý nghĩa trong một vài năm trước mắt.

Trong ba vấn đề cấp bách được Trung ương lựa chọn lần này, nổi lên hàng đầu là vấn đề “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, nhằm khôi phục lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Như Đại XI của Đảng từng nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hoá giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”.

Tính chất nghiêm trọng của vấn đề là ở đó. Tại sao tình trạng suy thoái đã được nêu lên từ lâu, qua nhiều kỳ Đại hội, nhiều cuộc vận động nhưng chưa giải quyết được đến nơi đến chốn ? Do nhận thức vấn đề chưa đúng, nguyên nhân tìm ra chưa trúng, giải pháp chưa đủ mạnh, hay hành động chưa quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm ?

Những câu trả lời của Trung ương lần này chắc chắn sẽ định hướng cho toàn Đảng hành động. Và quyết tâm của Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn sẽ được minh chứng bằng thắng lợi của cuộc chiến đấu mới./.

Hà Đăng

Tạp chí Tuyên Giáo

.
.
.
.