.
.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần PVI: Sức nóng từ tái cấu trúc

Thứ Tư, 01/02/2012|15:33

Trò chuyện với DĐDN, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần PVI (PVI Holdings)- DN đầu tiên trên thị trường chứng khoán thực hiện thành công tái cấu trúc, chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con cho rằng: Bản chất của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chính là huy động mọi nguồn lực để phát triển.

- “Tái cấu trúc DNNdN” đang là một cụm từ rất nóng, chỉ cần tra Google có thể lập tức hiện gần 2 triệu kết quả. Với cương vị là lãnh đạo DN, đại diện phần vốn nhà nước, ông thấy “sức nóng” này ở mức nào ?

Nóng ư? Đương nhiên rồi! Nhưng trước hết phải hiểu rằng tái cấu trúc DN là một sự vận động bình thường trong nền kinh tế thị trường trước áp lực của sự tồn tại và phát triển. Vì vậy, nếu nói đến sức nóng của tái cấu trúc tức là sức nóng từ nội tại DN. PVI đã thực hiện thành công hai lần tái cầu trúc, đều vào những thời điểm công ty đang kinh doanh tốt và theo quan điểm của nhiều người là không việc gì cần phải chuyển đổi. Nhưng chúng tôi có khát vọng phát triển nhanh hơn nữa. Chúng tôi biết rằng nếu không chuyển đổi, PVI sẽ chỉ có thể phát triển đến một ngưỡng nào đó rồi dừng lại, không thể tiếp tục phát triển bền vững để trở thành một tập đoàn đa quốc gia như khát vọng của chúng tôi. Lần tái cấu trúc đầu tiên năm 2006 là để có một PVI chuyển đổi từ một DNNN trở thành một công ty cổ phần, còn lần tái cấu trúc năm 2011 này là sự thay đổi hệ thống quản trị sang mô hình công ty mẹ – con.

Tái cấu trúc DN, đặc biệt là DNNN đang trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng là do các DN chưa thực sự hội nhập, chưa thực sự đối mặt trước những áp lực cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, đặc biệt lại trong giai đoạn khủng hoảng. Đến khi buộc phải làm để tồn tại và phát triển khi đất nước đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới thì loay hoay, lúng túng, rất dễ tổn thương.

- Tái cấu trúc đi liền với việc phải đổi mới tư duy, theo ông tư duy nào cần phải thay đổi ?

Hãy khoan nói đến đổi mới tư duy mà trước tiên chúng ta cần phải thoát khỏi tư duy cũ đã. Theo tôi, Chính phủ chỉ điều hành kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách thuế, lãi suất, tỉ giá, … để tạo môi trường thuận lợi cho các DN hoạt động kinh doanh hiệu quả, đóng thuế cho Nhà nước.

Tiếp theo là cần phải làm rõ khái niệm giữa “kinh tế nhà nước” và “DNNN” để có được quyết sách đúng đắn trong quản lý và giám sát các DNNN. Theo tôi, không thể bắt DN làm tròn cả hai vai là làm kinh tế hiệu quả và thực hiện nhiệm vụ công ích. Đã là hoạt động DN thì hiệu quả phải đặt lên hàng đầu. Phải dùng các công cụ kinh tế nhà nước để điều hành kinh tế vĩ mô chứ không thể dùng các DNNN để điều tiết kinh tế vĩ mô. Chúng ta cũng phải thực sự công khai minh bạch trong mọi hoạt động từ điều hành của Nhà nước đến hoạt động kinh doanh. Nhà nước công khai, minh bạch chính sách, cán bộ minh bạch trong công vụ, DN công khai minh bạch số liệu, tuân thủ các quy định pháp luật và chuẩn mực của thị trường và nếu là chuẩn mực của thị trường quốc tế thì càng tốt. Tôi cho rằng sự minh bạch trong tư duy chính là nền tảng của mọi sự thay đổi. Nếu làm được như thế thì bức tranh sẽ vô cùng rõ ràng.

- Thay đổi luôn đòi hỏi sự dũng cảm, đặc biệt là ở những nơi có nhiều lợi ích, quyền lợi. Trên thực tế, có những vấn đề bất cập không phải người lãnh đạo không biết nhưng đến khi không còn đương chức mới dám nói ra, thậm chí phê phán nó, phải chăng đó là biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ?

Theo tôi, tư duy nhiệm kỳ là tư duy của người làm thuê. Trong quản trị DN, chỉ khi nào người lãnh đạo DN có tư duy của một người chủ thì DN đó mới phát triển bền vững được. Phải thực sự tư duy là người chủ thì doanh nhân mới vun vén, sống chết cùng DN, mới có những chiến lược dài hơi thay vì “nhiệm kỳ”. Theo đó thì lợi ích, danh dự, thương hiệu cá nhân của người lãnh đạo các DNNN sẽ được gắn chặt với sự tồn tại và phát triển DN đó.

- Nhưng trong công cuộc cổ phần hóa DNNN của nước Nga và các nước Đông Âu đã sản sinh ra một tầng lớp tỉ phú mới tư lợi từ tài sản quốc gia trong khi phần lớn người lao động không được hưởng lợi gì. Chúng ta rút ra được điều gì từ bài học này – thưa ông ?

Thông qua hợp đồng mua bán cổ phần và hợp tác chiến lược với Tập đoàn Talanx- Tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 3 ở Đức, PVI Holdings đã thu về được một khoản tiền gần 2.000 tỉ đồng, đồng thời chính thức trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu của Talanx trên khắp thế giới.
 
Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Bằng chứng là không chỉ ở nước Nga và Đông Âu mà các nước khác khi có sự chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, cuộc sống người dân đã được cải thiện hơn rất nhiều so với thời kỳ đầu của cải tổ. Tuy nhiên thì đúng là do lỏng lẻo trong khâu quản lý của nhà nước mà một bộ phân không nhỏ đã biến quá trình tư nhân hóa thành tư lợi hóa tài sản quốc gia. Nhưng không vì thế mà chúng ta lại không dám thừa nhận rằng vấn đề gốc rễ của tái cấu trúc DNNN chính là cần làm rõ vấn đề sở hữu đối với tài sản để phát huy hiệu quả của những tài sản đó. Bài học lớn từ nước Nga và các nước Đông Âu cho chúng ta chính là sự quản lý, giám sát của nhà nước để chống lại tư lợi hóa trong quá trình đổi mới.

- Trong khi chúng ta muốn đẩy nhanh đổi mới DNNN, đồng nghĩa với một phần vốn nhà nước sẽ phải chuyển cho tư nhân nhưng trên thực tế ở nước ta chưa có các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển thực sự. Điều này liệu có tạo thế… đắc lợi cho các tập đoàn tư bản nước ngoài, thưa ông ?

Tôi cho rằng công cuộc đổi mới DN VN nói chung trong những năm gần đây thực sự đã cho những kết quả tốt. DN VN ngày nay năng động hơn rất nhiều so với thời gian trước khi cổ phần hóa. Chúng ta đã đổi mới và đang tiếp tục đổi mới để tốt hơn. Nếu không có những quyết sách của Chính phủ về đổi mới DN, trong vòng 5 năm qua PVI không thể bứt phá phát triển thành một tập đoàn như ngày hôm nay. Tôi lấy ví dụ: cách đây 5 năm, vốn chủ sở hữu của PVI trước khi cổ phần hóa khoảng 150 tỉ, doanh thu chỉ khoảng 1.000 tỉ, còn bây giờ vốn chủ sở hữu của chúng tôi gần 6.000 tỉ với tổng doanh thu năm 2011 trên 5.200 tỉ. Còn về vấn đề ai sẽ là người đắc lợi khi tái cấu trúc DNNN, tôi cho rằng, chúng ta không nên quá lo lắng về vấn đề DN nước ngoài hay DN tư nhân sẽ được tiếp nhận phần vốn nhà nước. Đó là suy nghĩ máy móc, cơ học, quan trọng là trong quá trình chuyển đổi đó, sự đan xen vào nhau giữa các loại hình sở hữu sẽ mang lại hiệu quả như thế nào? Nếu nhà nước sở hữu nhiều mà không hiệu quả thì sở hữu làm gì? Sở hữu một nghìn mà quản lí tốt, có hiệu quả còn hơn là sở hữu hàng nghìn tỷ đồng không sinh lời.

- Hơn nữa, mô hình thí điểm về tập đoàn kinh tế tư nhân đã được đề xuất nhưng đến giờ vẫn chưa được “chính danh”, phải chăng trong tư duy quản lý vẫn chưa đánh giá đúng vai trò của kinh tế tư nhân ?

Theo tôi biết chưa có quốc gia phát triển nào lại định ra một mô hình mẫu cho tập đoàn kinh tế tư nhân. Ở VN, theo tôi mọi DN hoạt động theo Luật DN là đủ rồi. Việc hình thành các tập đoàn kinh tế là thông qua quá trình mua bán, sáp nhập, tích tụ và tập trung tư bản. Đây là một quá trình vận động trong nền kinh tế thị trường, nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ một chính phủ nào. Với nước ta, tôi cho rằng điều quan trọng hơn lúc này là Chính phủ cần đưa ra những chính sách để khuyến khích và hỗ trợ DN phát triển để chúng ta có nhiều hơn nữa những nhà tư bản dân tộc, những người đủ trí và lực để cạnh tranh song phẳng với các ông lớn của thế giới. Về mặt này, Hàn Quốc và Nhật Bản đã làm và rất thành công.

- Vậy trong quá trình điều hành, quản lý DN, sự đổi mới nào khiến ông tâm đắc nhất ?

Điều khiến tôi và toàn thể con người PVI tâm đắc nhất là đã đưa PVI trở thành một công ty đa quốc gia theo đúng nghĩa: đa quốc gia về mặt sở hữu; đa quốc gia về thị trường; đáp ứng các chuẩn mực khắt khe của quốc tế trong lĩnh vực tài chính – bảo hiểm. Và quan trọng hơn, PVI đã tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn tài chính - bảo hiểm lớn trên thế giới.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc một đồng vốn của Nhà nước đầu tư tại PVI sẽ hiệu quả hơn khi đồng vốn đó đang hòa nhập trong dòng vốn của các tập đoàn kinh tế lớn (45% vốn nước ngoài). Bởi đối với PVI hiện tại không chỉ có Tập đoàn dầu khí quốc gia VN kiểm tra giám sát  mà Talax, OIF những định chế tài chính, bảo hiểm hàng đầu thế giới cùng giám sát. Và như vậy đồng vốn nhà nước sẽ đảm bảo được hai yếu tố là: an toàn và hiệu quả. PVI bây giờ linh hồn vẫn là một DN dân tộc VN, nhưng đã pha trộn các dòng máu khác để khỏe lên.

Tôi cho rằng trong quá trình tái cấu trúc DNNN chính là phải làm sao huy động được tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước để DN phát triển.

- Xin cảm ơn và chúc ông một năm mới với nhiều thành công mới !

Phan Nam thực hiện

dddn.com.vn

.
.
.
.