.
.

Một số bài học kinh nghiệm từ việc thí điểm xây dựng mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam

Thứ Năm, 09/02/2012|10:26

(ĐUKDNTW) - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - VINASHIN được thành lập năm 2006 trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Năm 2010 Vinashin được chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, Tập đoàn là một trong số các tập đoàn thực hiện thí điểm hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Nguyễn Ngọc Sự
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Nguyễn Ngọc Sự

Ngành đóng tàu là một ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp nặng, đòi hỏi có công nghệ cao và đầu tư lớn. Hơn nữa đây là một lĩnh vực công nghiệp nặng tiêu thụ sản phẩm của các ngành công nghiệp nặng khác như: Thép, chế tạo máy, hóa chất, điện, điện tử v.v.... và làm vai trò hậu cần cho các ngành kinh tế như: Hàng hải, dầu khí, thủy sản và an ninh quốc phòng.

Trong những năm qua, ngành đóng tàu thế giới đã có những bước chuyển dịch từ Châu Âu - Mỹ sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Việt Nam là một quốc gia biển, có bờ biển dài hàng ngàn km dọc đất nước, rất thuận lợi và phù hợp với việc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Bởi vậy, cùng với sự chuyển dịch ngành công nghiệp đóng tầu, đồng thời nhằm mục đích xây dựng một ngành đóng tầu Việt Nam từng bước trở thành một trong số ít các quốc gia có ngành này phát triển mạnh trên thế giới và khu vực, năm 1996 Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã được thành lập, và đến năm 2006 thành lập Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (đây là một trong những đề án thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế) và khi đó Việt Nam đã được thế giới nhắc đến như là một điểm chuyển dịch mới của ngành đóng tàu thế giới.
Quá trình hình thành, phát triển của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có những thời kỳ, những lúc ghi được dấu ấn trong sự phát triển của ngành đóng tàu Việt Nam cũng như của thế giới, đã tạo được niềm tin đối với các đối tác trong và ngoài nước, tổng giá trị các đơn đặt hàng đã có lúc lên tới 11 tỷ USD.

Trước năm 2000 Việt Nam hầu như không đóng được tàu biển viễn dương. Sau khi thực hiện thành công sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia - Tàu hàng 12.500DWT đi vòng quanh thế giới (6/01/2004) ghi dấu ấn cho giai đoạn phát triển mới của ngành đóng tàu Việt Nam. Tiếp đó đóng và giao hàng loạt tàu 53.000DWT; 34.000 DWT; 22.500DWT cho các chủ tàu nước ngoài, các chủ tàu trong nước bắt đầu tin tưởng vào ngành đóng mới tàu biển Việt Nam.

Tính đến nay, Vinashin đã đóng và bàn giao cho các chủ tàu nước ngoài 27 tàu hàng các loại với 736.000 tấn tàu; 32 tàu kéo; 04 tàu dầu, tàu chở hóa chất; 02 tàu chở ôtô 4.900 xe. Đồng thời bàn giao cho các chủ tàu trong nước 18 tàu hàng vận tải biển với 343.000 tấn tàu; 01 kho chứa dầu nổi 150.000T-FS05; và hàng trăm tàu hàng 1.000T đến 5.000T, tàu công trình, tàu kéo, tàu sông các loại.

Vinashin đã bước đầu làm chủ được thiết kế kỹ thuật các loại tàu hàng đến 5 vạn tấn; thiết kế công nghệ và thi công các loại tàu đặc chủng; chất lượng đóng tàu đảm bảo các yêu cầu khắt khe của đăng kiểm nước ngoài và đã được kiểm chứng từ những con tàu đã được vận hành ở nước ngoài cũng như trong nước.

Vinashin đã chủ động, tiên phong triển khai các dự án chế tạo thép tấm, động cơ diezel, cần cẩu, máy bơm, que hàn, sơn tàu thủy, cáp điện tàu thủy… và kêu gọi các ngành tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành đóng tàu. Đến nay về cơ bản Việt Nam đã chủ động được que hàn, sơn tàu biển, cần cẩu cho nhà máy đóng tàu…

Khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới những năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới, hoạt động vận tải đặc biệt là vận tải đường biển gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến thua lỗ nghiêm trọng do giá cước vận tải trên thị trường xuống rất thấp đồng thời kéo theo ngành đóng tàu trên toàn thế giới bị ảnh hưởng sâu sắc, Vinashin cũng không tránh được sự ảnh hưởng đó cộng với sự quản lý tổ chức điều hành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn yếu kém, khó khăn lớn về tài chính, thi công đóng tầu luôn luôn bị chậm tiến độ, chi phí, giá thành tăng cao nên nhiều hợp đồng đóng tàu đã ký bị hủy, hợp đồng được ký mới rất ít, tình trạng SXKD bị đình trệ, công nhân thiếu việc làm, nợ lương, không trả được lương hoặc trả rất thấp thường xuyên xảy ra. Rủi ro phải gánh chịu khi hủy hợp đồng do chậm tiến độ giao tàu càng làm nặng thêm gánh nặng tài chính của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Hiện nay, Tập đoàn đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn do hậu quả của tình hình khủng hoảng tài chính thế giới và sự yếu kém của hoạt động quản lý điều hành kể cả vĩ mô và vi mô đối với Tập đoàn đang trong trạng thái bấp bênh bên bờ vực phá sản. Qua nghiên cứu tình hình thực tế của Tập đoàn trong những năm qua có thể rút ra một số nguyên nhân như sau:

- Định hướng Chiến lược phát triển của Tập đoàn thời gian qua chưa phù hợp với khả năng và nhu cầu phát triển thực sự của Tập đoàn.

- Thiếu các văn bản pháp qui về quản lý và điều hành tập đoàn đặc biệt là Điều lệ Tổ chức hoạt động, Qui chế tài chính và các qui chế nội bộ khác.

- Qui hoạch đầu tư phát triển chưa tập trung vào lĩnh vực SXKD chính của Tập đoàn, đầu tư dàn trải, thời gian đầu tư kéo quá dài, quyết định đầu tư không phù hợp, không lập đầy đủ luận chứng kinh tế kỹ thuật xác định hiệu quả dự án, hoặc làm lấy lệ mà không đúng thực chất của dự án, một số dự án không làm đầy đủ các thủ tục pháp lý theo qui định.

- Việc phát triển Tập đoàn tràn lan ra nhiều lĩnh vực không thuộc lĩnh vực SXKD của Tập đoàn với tốc độ quá nhanh và quá nhiều trong khi đó khả năng về tài chính có hạn và công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ chưa tốt. Có những cán bộ chủ chốt được phân công đảm nhiệm quá nhiều vị trí quan trọng (Chủ tịch, Tổng Giám đốc các đơn vị thành viên).

- Việc huy động và quản lý sử dụng vốn không tuân thủ các qui định về quản lý tài chính hiện hành. Việc huy động vốn từ các nguồn trong và ngoài nước quá dễ dàng, bỏ qua một số thủ tục theo quy định. Quản lý sử dụng vốn lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư vốn dàn trải, không có báo cáo đầu tư đầy đủ đúng qui định, tổ chức quản lý vốn đầu tư kém hiệu quả, công tác kiểm tra kiểm soát chưa được coi trọng, hoạt động kém hiệu quả.

- Quản lý tổ chức SXKD chưa hợp lý, thiếu khoa học, mối liên hệ giữa Tập đoàn với các đơn vị và giữa các đơn vị với nhau lỏng lẻo, không có sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, các nguồn lực nơi thừa, nơi thiếu không có sự điều hành, điều phối của Tập đoàn, dẫn đến lãng phí và kém hiệu quả.

- Công tác đổi mới và cổ phần hoá doanh nghiệp thực hiện không đúng với các qui định về cổ phần hoá DNNN của Chính phủ dẫn đến không đạt được mục tiêu của CPH là đa dạng hoá sở hữu và huy động vốn từ bên ngoài. Công ty CP có đăng ký vốn điều lệ nhưng lại không có vốn thực sự vì phần lớn số vốn đó được góp bằng giá trị thương hiệu.

- Sự chỉ đạo và công tác kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan còn chưa thường xuyên và chưa sát với Tập đoàn, có lúc, có nơi còn buông lỏng quản lý, không kịp thời chấn chỉnh các sai lệch trong quản lý điều hành của Tập đoàn, dẫn đến việc sai phạm đi quá xa không được khắc phục kịp thời.

Một số bài học kinh nghiệm và kiến nghị.

1. Việc thực hiện thành lập và thí điểm một số doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế làm vai trò trụ cột cho nền kinh tế là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Vì vậy để doanh nghiệp có thể phát triển đúng hướng làm tròn vai trò của mình thì có rất nhiều việc cần phải làm và điều chỉnh một cách phù hợp.

2. Chính phủ cần có những chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng định hướng chiến lược phát triển của mình phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế đất nước, phù hợp với lĩnh vực hoạt động, khả năng và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Không đầu tư dàn trải ra các lĩnh vực không thuộc lĩnh vực SXKD chính của doanh nghiệp.

3. Việc quản lý điều hành (kể cả vĩ mô và vi mô) cần phải phân định rõ vai trò và trách nhiệm của hệ thống quản lý điều hành từ các cơ quan của Chính phủ, các Bộ ngành trung ương, địa phương đến doanh nghiệp, đặc biệt phải có đầy đủ một hệ thống các văn bản pháp qui phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan nhà nước.

4. Nhà nước cần ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi kể cả ưu đãi về vốn và huy động vốn cho các doanh nghiệp, có các chính sách đặc thù phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất. Nới rộng quyền hạn và trách nhiệm cho Tập đoàn đặc biệt là quyền và trách nhiệm của Hội đồng thành viên, đồng thời tăng cường công tác quản lý kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các sai lệch trong quản lý điều hành của doanh nghiệp.

5. Doanh nghiệp cần phải xây dựng Chiến lược phát triển phù hợp, tập trung vào các lĩnh vực SXKD chính, ngành nghề, sản phẩm là thế mạnh của doanh nghiệp, không đầu tư dàn trải, đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh của mình. Xây dựng kế hoạch và ưu tiên cấp đủ vốn cho việc đầu tư các dự án trọng điểm gắn với hoạt động SXKD chính của doanh nghiệp, đảm bảo đầy đủ về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ SXKD chính của mình.

6. Thực hiện tốt việc quản lý, tổ chức SXKD khoa học, hợp lý và hiệu quả, tăng cường vai trò quản lý điều phối của Công ty mẹ đối với hoạt động SXKD của các công ty thành viên, đẩy mạnh, củng cố và tổ chức tốt việc quản trị doanh nghiệp và quản trị tài chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

7. Làm tốt công tác quản lý, qui hoạch, luân chuyển, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý điều hành doanh nghiệp. Thường xuyên thực hiện việc đánh giá năng lực cán bộ, trên cơ sở đó đào tạo bồi dưỡng và bố trí cán bộ phù hợp với năng lực cán bộ.

8. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức tốt sự phối kết hợp giữa tổ chức Đảng, Ban điều hành, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên CS Hồ Chí Minh, thường xuyên phát động, tổ chức thực hiện và tổng kết các phong trào thi đua nhằm thực hiện tốt kế hoạch công tác đã đề ra.


Nguyễn Ngọc Sự
Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam

.
.
.
.