.
.

Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn mô hình quản lý nào đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước?

Thứ Sáu, 02/03/2012|11:28

Tháng 9.2011, Đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đi nghiên cứu tại Trung Quốc về nội dung "Nghiên cứu về mô hình quản lý và phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước Trung Quốc". Trong đó tập trung chủ yếu vào nghiên cứu mô hình của Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Nhà nước Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc; học tập kinh nghiệm trong công tác tổ chức xây dựng đảng và kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp nhà nước

Tạp chí Điện tử Đảng ủy Khối DNTƯ xin giới thiệu một số nội dung trong kết quả nghiên cứu của Đoàn. 

Đầu đề do Ban biên tập đặt.

Đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương do Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối dẫn đầu làm việc với Ủy ban Quản lý Giám sát Tài sản Nhà nước Quốc vụ viện Trung Quốc

Bài 1: Xác định rõ trách nhiệm người quản lý vốn, giám sát tài sản nhà nước của các doanh nghiệp trực thuộc Trung ương

Năm 2003, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có cải cách về quản lý tài sản nhà nước theo nguyên tắc (ba kết hợp: Quản lý tài sản; quản lý con người; quản lý công việc. Ba thống nhất: Về quyền lợi; về nghĩa vụ; về trách nhiệm. Ba tách bạch: Chính phủ với doanh nghiệp; chính phủ với tài sản, chính phủ với công việc hành chính). Theo đó, Đảng bộ của Ủy ban được thành lập chịu sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và được giao 7 nhiệm vụ: Đảm bảo quán triệt đường lối phương châm, chính sách của Đảng; Đưa ra quyết sách những vấn đề quan trọng của Ủy ban; Phụ trách xây dựng đảng, xây dựng văn minh XHCN của các đơn vị do Ủy ban quản lý; chỉ đạo thúc đẩy cải cách và cải tổ DNNN; Phụ trách xây dựng ban lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý; Phụ trách công tác quản lý của Doanh nghiệp nhà nước; Giám sát và kiểm tra cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp nhà nước; Hoàn thành các công việc khác do Bộ Chính trị và Chính phủ giao phó.

Cũng trong năm này, Chính phủ Trung Quốc (Quốc vụ viện) lập Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước (SASAC). Ủy ban là cơ quan đặc biệt trực thuộc Quốc vụ viện có 21 Cục và 20 đơn vị trực thuộc. Ủy ban được giao 9 nhiệm vụ.

Một là: Thực hiện trách nhiệm người quản lý vốn, giám sát tài sản nhà nhà nước của các doanh nghiệp trực thuộc Trung ương (không bao gồm các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng), tăng cường công tác quản lý tài sản nhà nước.

Hai là: Chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát doanh nghiệp đảm bảo giá trị và tăng giá trị tài sản nhà nước. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đảm bảo giá trị và tăng giá trị tài sản nhà nước, đưa ra tiêu chuẩn sát hạch, tiến hành giám sát bằng việc thống kê, nghiên cứu tình hình đảm bảo giá trị và tăng giá trị tài sản nhà nước trong quá trình giám sát tài sản của DNNN; phụ trách  giám sát công tác quản lý phân phối tiền lương của DN, đưa ra chính sách giám sát phân phối thu nhập của lãnh đạo CN và tổ chức thực hiện.

Ba là: Chỉ đạo, thúc đẩy cải cách và cải tổ DNNN, thúc đẩy xây dựng chế độ Doanh nghiệp hiện đại trong doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện cơ cấu quản lý công ty, đẩy mạnh điều chỉnh mang tính chiến lược đối với kết cấu và bố cục kinh tế nhà nước.

Bốn là: Thực hiện bổ nhiệm và bãi miễn, kiểm tra người quản lý doanh nghiệp (lãnh đạo DN) thông qua trình tự pháp luật và căn cứ vào thành tích kinh doanh để tiến hành công tác thưởng, phạt; xây dựng cơ chế dùng cán bộ, tuyển dụng cán bộ sao cho phù hợp với thể chế kinh tế thị trường XHCN và yêu cầu của chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại, hoàn thiện chế độ khuyến khích và ràng buộc trách nhiệm của người kinh doanh.

Năm là: Căn cứ quy định liên quan, thay mặt Quốc vụ viện (Chính phủ) được quyền cử Ban kiểm soát giám sát doanh nghiệp, phụ trách công việc quản lý hàng ngày của Ban kiểm soát.

Sáu là: Phụ trách tổ chức, giám sát DN nộp thu nhập từ vốn nhà nước (NSNN), tham gia hoạch định chế độ và biện pháp quản lý hữu quan về dự toán kinh doanh vốn nhà nước, dựa vào quy định hữu quan phụ trách công tác như lập và thực hiện quyết toán kinh doanh vốn nhà nước.

Bảy là: Căn cứ trách nhiệm người đại diện vốn, phụ trách đôn đốc, kiểm tra và giám sát DN quán triệt thực hiện chính sách, phương châm, quy tắc pháp quy, pháp luật, tiêu chuẩn liên quan về sản xuất đảm bảo an ninh quốc gia.

Tám là: Phụ trách quản lý tài sản nhà nước tại Doanh nghiệp, dự thảo các văn bản pháp quy, pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, đưa ra điều lệ, chế độ liên quan, thực hiện chỉ đạo và giám sát đối với công tác quản lý tài sản nhà nước tuân theo pháp luật.

Chín là: Đảm nhận các công việc khác do Quốc vụ viện giao.

Ủy ban (SASAC) thành lập 06 cơ quan chuyên trách về công tác quản lý và giám sát: Cục quản lý quyền tài sản; Cục giám sát tài chính và đánh giá kiểm tra; Cục phân phối doanh nghiệp: Cục quản lý thu nhập: Cục công tác ban kiểm soát (văn phòng công tác Ban kiểm soát doanh nghiệp nhà nước); Cục giám sát của Ủy ban kiểm tra kỷ luật. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hành thường xuyên hoặc theo các đợt. Mỗi đợt kiểm tra, giám sát, Ủy ban thành lập các đội kiểm tra, giám sát làm việc với doanh nghiệp thường là trong 6 tháng liên tục tại doanh nghiệp. Thông qua hoạt động của Ủy ban, triển khai thực hiện "3 kết hợp": quản lý tài sản, quản lý con người, quản lý công việc. Thực hiện "3 tăng cường": tăng cường nghĩa vụ, tăng cường trách nhiệm, tăng cường quyền lợi. Ủy ban quản lý tổng quỹ tiền lương của các doanh nghiệp, quản lý mức lương của chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, phân phối trả lương theo: lương cơ bản, lương chức vụ và thưởng theo lợi nhuận (5 cấp độ)

Năm 2003, Trung Quốc có tổng số 196 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do SASAC quản lý. Sau quá trình tái cơ cấu và sắp xếp doanh nghiệp, hiện nay còn 119 doanh nghiệp (không gồm các ngân hàng thương mại nhà nước) do Ủy ban trực tiếp quản lý với tổng tài sản khoảng 26.000 tỷ NDT(1) (khoảng 3.250 tỷ đô la Mỹ). Sau 8 năm hoạt động Ủy ban đã đưa ra nhiều điều chỉnh trong hoạt động quản lý, giám sát tài sản nhà nước đem lại nhiều thành tựu vượt bậc (năm 2003 tổng tài sản của DNTW mới chỉ đạt 7,13 nghìn tỷ NDT đến năm 2010 đạt 24 ngàn tỷ NDT (khoảng 3.000 tỷ đô la Mỹ), năm 2011 khoảng 26 ngàn tỷ NDT (khoảng 3.250 tỷ đô la Mỹ). Doanh thu từ 3,36 ngàn tỷ NDT (2003), đến năm 2010 đạt 16,7 ngàn tỷ NDT (khoảng 2.087,5 tỷ đô la Mỹ), tăng 4,97 lần. Lợi nhuận từ 240,5 tỷ NDT (2003) đạt 1.140 tỷ NDT (năm 2010) (khoảng 142,5 tỷ đô la Mỹ), tăng 4,74 lần. Nộp ngân sách năm 2010 là 1.480 tỷ NDT (khoảng 185 tỷ đô la Mỹ). Trung Quốc năm 2011 có 38 doanh nghiệp nằm trong 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới (năm 2008 có 34 DN); Tốp 10 DN trong danh sách 500 DN lớn nhất Trung Quốc đều là doanh nghiệp nhà nước)(2).

Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (năm 2009 trong  136 tập đoàn, tổng công ty do SASAC quản lý có 30% tiến hành cổ phần hóa, 68% công ty con của các tập đoàn, tổng công ty tiến hành cổ phần hóa; tính đến tháng 9/2011 còn lại 119 doanh nghiệp). Việc cổ phần hóa doanh nghiệp được dựa trên việc phân chia các doanh nghiệp thành 3 khu vực kinh doanh: trong đó lĩnh vực an ninh quốc phòng, các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia không cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 100% vốn; lĩnh vực liên quan đến các ngành công nghiệp sẽ cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối; lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, thương mại, đầu tư được cổ phần hóa nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.


1 Theo thống kê của SASAC giai đoạn 2002-2008, tốc độ tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp nhà nước là 17,8%/năm, tốc độ tăng lợi nhuận là 23,3%/năm, nộp ngân sách tăng 26,3%/năm. Tổng giá trị tài sản năm 2008 gấp 8 lần năm 2002 và gấp 19 lần năm 1978. Theo xếp hạng của Tổ chức kinh tế thế giới năm 2008 Trung Quốc có 34 doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (trong đó có 24 doanh nghiệp của Trung ương, 9 doanh nghiệp địa phương và chỉ có 1 doanh nghiệp tư nhân).

2 10 công ty lớn nhất Trung Quốc bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC); tập đoàn viễn thông di động China Mobile; tập đoàn đường sắt China Railway Group; tập đoàn xây dựng đường sắt China Railway Construction Corp; Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB); công ty bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC). Tổng doanh thu của 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc năm 2010 tăng 31,6% lên mức 36,31 nghìn tỷ nhân dân tệ. Tổng tài sản tăng 18,4% lên 108,1 nghìn tỷ nhân dân tệ. Lợi nhuận đạt 2,08 nghìn tỷ nhân dân tệ năm 2010, tăng 38,67% so với cùng kỳ. Nộp NSNN 2,73 nghìn tỷ nhân dân tệ tiền thuế trong năm 2010, chiếm 37,3% tổng doanh thu thuế toàn Trung Quốc.

Bài 2: Vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quản lý doanh nghiệp

.
.
.
.