.
.

Bài học mẫu mực về cách vận dụng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong hoàn cảnh chiến đấu

Thứ Bảy, 26/05/2012|21:18

 

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có nêu 3 vấn đề, trong đó có vấn đề thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Tạp chí xin giới thiệu với bạn đọc bài học kinh nghiệm về vận dụng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong hoàn cảnh chiến đấu. 
Trung tướng Phạm Hồng Cư
Trung tướng Phạm Hồng Cư

Với quy mô lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều tình huống khẩn trương cấp bách diễn ra liên tục, song bất luận trong hoàn cảnh nào, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” vẫn được vận dụng linh hoạt, sáng tạo. Bài học còn nguyên giá trị trong hoàn cảnh hiện nay, góp phần vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI).

Nghị quyết số 51/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa IX) xác định: “Khi có tình huống khẩn trương, người chỉ huy phải chủ động quyết đoán, xử trí kịp thời để hoàn thành nhiệm vụ, sau đó phải kịp thời báo cáo và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, người chỉ huy cấp trên và cấp ủy cấp mình”. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khẩn trương của chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” vẫn được thực hiện đầy đủ ở cả 3 cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Thực tế lịch sử này cung cấp một mẫu mực về vận dụng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng trong hoàn cảnh chiến đấu khẩn trương để chúng ta cùng nghiên cứu.

Các cuộc họp của Bộ Chính trị và “Tướng quân tại ngoại”

Đầu tháng 10-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đến nơi ở của Bác Hồ tại bản Tỉn Keo (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) để dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về đề án tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Dự cuộc họp này có Bác Hồ, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang mệt, không đến họp được. Cuộc họp có triệu tập thêm đồng chí Hoàng Văn Thái. Khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình: Nava - Tổng Chỉ huy quân đội Viễn chinh Pháp đã tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động lớn chưa từng có trong chiến tranh Đông Dương để hòng giành lại chủ động, Bác Hồ ngồi nghe, thái độ bình thản, bàn tay Bác đặt ở trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. 

Bác Hồ nói: Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán ra thì sức mạnh đó không còn. Bàn tay Bác Hồ mở ra, năm ngón tay mỗi ngón trỏ về một hướng. Năm ngón tay của Bác Hồ ứng với năm đòn tiến công chiến lược trước Điện Biên Phủ. Năm đòn tiến công chiến lược ấy là: Giải phóng Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ; phối hợp với quân đội Pathét Lào giải phóng nhiều địa phương ở Trung Lào và Hạ Lào; giải phóng Kon Tum và miền Bắc Tây Nguyên; giải phóng Phông Sa Lỳ và lưu vực sông Nậm Hu, tiến sát Luông Phrabăng; thắng lợi của các chiến trường phối hợp ở đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Trung Trung Bộ, cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Các đòn tiến công chiến lược này đã buộc Nava phải phân tán lực lượng đối phó và kế hoạch Nava bước đầu bị phá sản.

Hạ tuần tháng 12-1953, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 1-1-1954, Bộ Chính trị quyết định thành lập cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định là Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Trước khi lên đường, đồng chí Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ, Bác hỏi: Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không? Đồng chí Võ Nguyên Giáp trả lời: Các đồng chí Tổng Tham mưu phó, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ Tổng tư lệnh. Việc ở nhà có anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng. Chỉ ngại là ở xa, không thường xuyên xin được ý kiến Bác và Bộ Chính trị.

Bác Hồ trả lời: Tổng tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Như vậy, ở cấp chiến lược, Bộ Chính trị vận dụng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”: tập thể Bộ Chính trị thảo luận thông qua đề án tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954, giao cho cá nhân phụ trách là đồng chí Võ Nguyên Giáp chịu trách nhiệm thi hành, chỉ đạo tác chiến các chiến trường toàn quốc và trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong điều kiện ở xa Bộ Chính trị, Bác Hồ cho phép “Tướng quân tại ngoại”, trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp toàn quyền quyết định, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, bảo đảm đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Chỉ thị này của Bác Hồ đã giúp đồng chí Võ Nguyên Giáp xử trí tình huống “quyết định khó khăn nhất”.

Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1)

Ngày 5-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Đồng chí nhận thấy nhiệm vụ lần này rất nặng nề. Đồng chí đã suy nghĩ rất nhiều về cách tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Căn cứ vào trình độ tác chiến và trang bị của bộ đội ta lúc đó, chỉ có thể tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh bằng cách đánh dần từng bước. Nhưng khi lên tới mặt trận thì bộ phận đi trước chuẩn bị chiến trường, cả phía ta và phía bạn (cố vấn Trung Quốc) đều đề nghị nên dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch. Điện Biên Phủ là một cánh đồng khá rộng, nhưng vẫn nằm giữa địa hình rừng núi, thuận lợi cho ta. Bộ đội ta đã tập kết quanh Điện Biên Phủ. Lúc này, địch không thể rút lui mà không bị thiệt hại. Địch ở Điện Biên Phủ hoàn toàn bị cô lập về đường bộ, vận tải tiếp tế đều trông vào máy bay. Lực lượng địch ở Điện Biên Phủ có 10 tiểu đoàn. Chúng đã ra sức xây dựng công sự nhưng chỉ mới làm được công sự dã chiến, một số mặt của tập đoàn cứ điểm còn sơ hở. Về phía ta, các đơn vị bộ đội đều sung sức, tinh thần chiến đấu lập công rất cao. Sự xuất hiện của pháo binh và pháo cao xạ sẽ tạo cho địch một bất ngờ. “Đánh nhanh giải quyết nhanh”, bộ đội đang còn sung sức, sẽ đỡ tổn thất và không phải đối phó với khó khăn rất lớn về cung cấp cho hàng vạn chiến sĩ và dân công trong một cuộc chiến đấu dài ngày.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp triệu tập hội ý Đảng ủy Mặt trận. Các đồng chí đảng ủy viên (Hoàng Văn Thái – Tham mưu trưởng chiến dịch, Lê Liêm – Chủ nhiệm chính trị chiến dịch, Đặng Kim Giang – Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch) đều nhất trí cần đánh địch ngay trong lúc chúng chưa kịp tăng quân và củng cố công sự, ta có khả năng giành chiến thắng trong vài ngày. Mọi người lo nếu để địch tăng cường tập đoàn cứ điểm quá mạnh sẽ bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt địch lớn trong Đông Xuân này; và cũng lo chiến dịch kéo dài sẽ không giải quyết được vấn đề tiếp tế trên một con đường dài 500 km từ hậu phương ra mặt trận thường xuyên bị máy bay địch đánh phá ác liệt.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp cho rằng, đánh nhanh không thể giành thắng lợi, nhưng đồng chí chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án đã được các đồng chí đi trước và các cố vấn lựa chọn. Không có điều kiện và thời gian để báo cáo xin chỉ thị Bác Hồ và Bộ Chính trị, đồng chí Võ Nguyên Giáp đồng ý triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho đồng chí Cao Pha – Cục phó Cục Quân báo điều tra thật cẩn thận những vị trí địch trên cánh đồng hướng Tây, nơi được đánh giá là sơ hở và ta sẽ dùng mũi thọc sâu đánh vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm, và phải báo cáo hàng ngày, nếu có những hiện tượng tăng quân hoặc rút quân thì phải báo cáo ngay.

Ngày 14-1-1954, hội nghị phổ biến kế hoạch chiến đấu được triệu tập tại hang Thẩm Púa. Trước một sa bàn lớn, có mặt đông đủ các đồng chí tư lệnh đại đoàn: Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Lê Quảng Ba, Đào Văn Trường, Nam Long; các đồng chí chính ủy: Trần Độ, Chu Huy Mân, Phạm Ngọc Mậu, rất nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn các mũi thọc sâu và đơn vị chủ công. Nhiệm vụ thọc sâu được giao cho Đại đoàn 308, đánh từ hướng Tây thọc thẳng vào sở chỉ huy của Đờ Cátxtơri. Đại đoàn 312 đột kích ở hướng Bắc. Đại đoàn 316 đột kích ở hướng Đông nơi có 5 ngọn đồi trọng yếu. Một đơn vị của Đại đoàn 304 chia cắt địch ở vị trí Hồng Cúm phía Nam. Trước mắt, tập trung lực lượng hoàn thành đường kéo pháo và kéo pháo vào trận địa dã chiến. Trước mỗi trận đánh, đồng chí Võ Nguyên Giáp thường khuyến khích cán bộ nói hết khó khăn để cùng bàn cách khắc phục. Nhưng lần này, các đơn vị đều hăng hái nhận nhiệm vụ, chỉ hỏi rõ thêm, không có ai thắc mắc gì. Sau này, đồng chí Võ Nguyên Giáp được biết là có những đồng chí chỉ huy cảm thấy nhiệm vụ của đơn vị quá nặng nề, nhưng trong không khí chung, không ai nói những ý nghĩ thực của mình.

Ngày nổ súng được quyết định là 25-1-1954, giờ G là 17 giờ. Sau hoãn 24 tiếng nên ngày N là ngày 26-1-1954. Từ sau khi phổ biến nhiệm vụ chiến đấu, suốt 11 ngày đêm theo dõi tình hình địch, ta, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn trăn trở suy nghĩ đến mức đầu đau nhức, bác sĩ phải buộc trên trán Đại tướng một nắm ngải cứu. Đến sáng ngày N, đồng chí Võ Nguyên Giáp quyết định triệu tập cuộc họp Đảng ủy Mặt trận. Trong khi chờ đợi cuộc họp, đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp Trưởng đoàn cố vấn quân sự của bạn.

Trong trao đổi, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự nữa, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy, không thể đánh theo kế hoạch đã định. Về phía ta có ba khó khăn lớn của bộ đội:

Thứ nhất, từ trước đến nay, bộ đội chủ lực ta chỉ mới tiêu diệt được cao nhất là một tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc, nay tập đoàn cứ điểm có tới 12 tiểu đoàn và có tới 49 cứ điểm.

Thứ hai, từ trước đến nay chưa có tác chiến hiệp đồng binh chủng bộ binh với pháo binh trên quy mô lớn, mà cũng chưa qua diễn tập, vừa qua đã có trung đoàn trưởng xin trả bớt pháo vì không biết phối hợp thế nào.

Thứ ba, từ trước đến nay bộ đội ta quen đánh đêm, trên những địa hình dễ ẩn náu, nay đánh liên tục ngày đêm trên địa hình bằng phẳng, kẻ địch lại có ưu thế về máy bay, pháo binh, xe tăng.

Tất cả những khó khăn này ta chưa bàn cách giải quyết. Nếu đánh theo kế hoạch “đánh nhanh giải quyết nhanh” sẽ thất bại.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói tiếp: Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Thời gian gấp, tôi cần họp Đảng ủy để quyết định. Và tôi dự kiến cho Đại đoàn 308 tiến về phía Luông Phrabăng bộc lộ lực lượng chừng nào, kéo không quân địch về phía đó, không để chúng gây khó khăn khi ta lui quân và kéo pháo ra.

Sau cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Trưởng đoàn cố vấn quân sự bạn, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở về sở chỉ huy, các đồng chí trong Đảng ủy Mặt trận đã có mặt đông đủ. Cuộc họp Đảng ủy Mặt trận bắt đầu.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp trình bày những suy nghĩ đã có từ lâu chung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau Hội nghị Thẩm Púa tới nay, ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh. Mọi người im lặng một lúc. Đồng chí Lê Liêm – Chủ nhiệm chính trị phát biểu: Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao?

Chủ nhiệm hậu cần Đặng Kim Giang nói: Tôi thấy cứ nên giữ vững quyết tâm. Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn, nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được! Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở. Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng quyết định là phải có cách đánh đúng. Đồng chí Hoàng Văn Thái – Tham mưu trưởng nói: Anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) cân nhắc cũng phải. Nhưng lần này, ta có ưu thế binh lực, hỏa lực, lại có kinh nghiệm của bạn, tôi thấy nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi…Trao đổi một hồi chưa đi đến kết luận, cuộc họp tạm dừng một lát. Khi cuộc họp tiếp tục, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: Tình hình khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: Đánh chắc thắng. Trước khi tôi ra đi, Bác trao nhiệm vụ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?

Đồng chí Chủ nhiệm chính trị nói: Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời. Ai dám bảo đảm là sẽ chắc thắng trăm phần trăm. Đồng chí Chủ nhiệm hậu cần nói tiếp: Làm sao dám bảo đảm như vậy! Đồng chí Võ Nguyên Giáp: Tôi nghĩ, với trận này, ta phải bảo đảm chắc thắng trăm phần trăm. Bấy giờ đồng chí Tham mưu trưởng mới nói: Nếu yêu cầu cần phải chắc thắng trăm phần trăm thì khó…Lát sau, Đảng ủy đi đến nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp kết luận: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới. Đảng ủy biểu quyết đồng tình trăm phần trăm. Trong ngày hôm đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của ông.

Không thể dùng điện đài, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết thư hỏa tốc gửi về báo cáo Bộ Chính trị. Ít ngày sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được thư của đồng chí Trường Chinh cho biết, Bác Hồ và các đồng chí Bộ Chính trị nhất trí cho rằng, quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn. Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ động viên toàn dân, toàn lực chi viện tiền tuyến cho tới khi bộ đội giành toàn thắng tại Điện Biên Phủ.

Quân lệnh như sơn

Đồng chí Võ Nguyên Giáp phân công đồng chí Hoàng Văn Thái ra lệnh cho các đơn vị bộ binh, còn mình ra lệnh cho pháo binh và giao nhiệm vụ mới cho Đại đoàn 308. Đồng chí Võ Nguyên Giáp gọi điện cho pháo binh: Tình hình địch đã thay đổi. Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Không giải thích.

Đầu dây đằng kia, tiếng đồng chí Phạm Ngọc Mậu – Chính ủy pháo binh đáp: Rõ! Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh. 14 giờ 30 phút, mới có liên lạc điện thoại với đồng chí Vương Thừa Vũ – Tư lệnh Đại đoàn 308. Chú ý nhận lệnh: Tình hình thay đổi. Đại đoàn các đồng chí có nhiệm vụ hướng về Luông Phrabăng tiến quân, dọc đường gặp địch tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt. Giữ vững lực lượng, có lệnh, trở về ngay. Giữ liên lạc vô tuyến điện. Khi được hỏi mới trả lời. Rõ! – Đồng chí Vương Thừa Vũ đáp. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Xin chỉ thị về sử dụng binh lực như thế nào? Toàn quyền quyết định, từ một tiểu đoàn đến toàn đại đoàn. Hậu cần tự giải quyết. Đúng 4 giờ chiều nay xuất phát. Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh! Tại các đơn vị, mặc dù mỗi người còn có những băn khoăn suy nghĩ khác nhau, nhưng toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân, biểu thị một niềm tin, một tinh thần kỷ luật tuyệt vời.

Đại đoàn 312 cùng các chiến sĩ pháo binh trong bảy ngày đêm ròng rã, đã kéo pháo ra an toàn trên con đường hiểm trở bị máy bay và pháo địch biến thành con đường lửa. Đại đoàn 308 lúc đầu được giao nhiệm vụ đánh thọc sâu vào Sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm. Khi Đảng ủy Mặt trận quyết định thay đổi phương thức tác chiến từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, thì Đại đoàn được lệnh cấp tốc tiến quân sang hướng Luông Phrabăng, tạo điều kiện cho quân ta kéo pháo ra và xúc tiến mọi việc chuẩn bị để “đánh chắc thắng”. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn: chiến trường chưa được chuẩn bị, tình hình địch cụ thể chưa rõ, khó nhất là không có bảo đảm hậu cần.

Nhận lệnh trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua điện thoại, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ hiểu rằng nhiệm vụ của Đại đoàn thay đổi đột ngột, nhất định phải có sự thay đổi ở tầm chiến lược, bây giờ chưa rõ thì sau sẽ tìm hiểu. Vấn đề trước mắt là suy nghĩ về quyết tâm tác chiến và triệu tập hội ý Thường vụ Đảng ủy Đại đoàn. Thời gian rất gấp, lúc nhận lệnh là 14 giờ 30 phút mà 16 giờ đã phải xuất phát. Đi toàn Đại đoàn hay đi một trung đoàn? Đi toàn Đại đoàn thì có đủ lực lượng để tạo hiệu quả lớn và chủ động ứng phó với mọi tình huống bất trắc, nhưng khó khăn về hậu cần là không dễ giải quyết.

Thường vụ Đảng ủy Đại đoàn hội ý cấp tốc, hạ quyết tâm đi toàn Đại đoàn, đúng 4 giờ chiều xuất phát, vừa đi vừa làm công tác chính trị giải quyết tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Sở chỉ huy nhẹ do Đại đoàn phó Cao Văn Khánh đi trước, có nhiệm vụ nắm tình hình địch và liên hệ với bộ đội Pathét Lào để phối hợp tác chiến. Đại đoàn phó Cao Văn Khánh chỉ huy Trung đoàn Thủ đô 102 hình thành một mũi tiến quân về Mường Sài. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ và chính ủy Lê Quang Đạo (Phó chủ nhiệm chính trị mặt trận được cử xuống Đại đoàn 308 thay chính ủy Song Hào bị ốm không đi chiến dịch) chỉ huy mũi chủ yếu: Trung đoàn 36 tiến trước hướng về phía Luông Phrabăng, Trung đoàn 88 còn bận tham gia kéo pháo của mặt trận, sẽ tiến sau, làm dự bị.

Toàn Đại đoàn chia làm hai cánh quân lập tức lên đường, mỗi người chỉ có năm lạng gạo, tiến quân thần tốc, gặp địch là đánh, tự giải quyết hậu cần, sau 10 ngày đã giải phóng toàn bộ lưu vực sông Nậm Hu, tiến sát đến Luông Phrabăng. Được lệnh quay về, lại thần tốc trở lại, kịp tham gia đợt đầu cuộc đại tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Bài học sâu sắc về vận dụng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong chiến dịch Điện Biên Phủ cho ta thấy: Trong tình huống chiến đấu khẩn trương, ở tất cả các cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật đều có thể vận dụng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp tư lệnh chiến dịch vừa nêu cao trách nhiệm cá nhân vừa tôn trọng sự lãnh đạo tập thể của Đảng ủy Mặt trận, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” là một quyết định sáng suốt đưa đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã xuất phát từ tình hình thực tiễn địch, ta, tìm ra quy luật và hành động đúng quy luật. Khi thực tiễn thay đổi, đã kịp thời thay đổi quyết sách. Các đồng chí tư lệnh, chính ủy Đại đoàn và toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ đều có tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, “quân lệnh như sơn”.

Mười năm sau, nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số đồng chí phụ trách các đại đoàn nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp ý nghĩ của mình. Chính ủy Đại đoàn công pháo Phạm Ngọc Mậu nói: “Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là: được lời như cởi tấm lòng!”. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ nói: “Ở Thẩm Púa, khi nghe phổ biến pháo binh của ta bắn hai ngàn viên đạn pháo 105, ai cũng trầm trồ, cho rằng quân địch sẽ tan nát. Nhưng tôi hoàn toàn không tin như vậy! Ở Tu Vũ, địch đã bắn năm nghìn quả pháo mà đồn địch vẫn bị Trung đoàn 88 tiêu diệt. Hai nghìn quả pháo với một tập đoàn cứ điểm rộng nhiều cây số vuông như Điện Biên Phủ có là bao! Tôi nghĩ nếu lần đó cứ “đánh nhanh giải quyết nhanh” thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm!”./.

-------
Tài liệu tham khảo:

(1) Dựa theo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử (Quyết định khó khăn nhất), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2000, tr.95-113

 

Trung tướng Phạm Hồng Cư
Theo  Tạp chí Cộng sản
.
.
.
.