Rút kinh nghiệm sau bão số 1: Phải nhanh chóng khắc phục vườn cây
Cơn bão số 1 vào đầu tháng 4/2012 đã gây thiệt hại khá lớn về vườn cây một số công ty khu vực miền Đông Nam bộ. Sau bão, các công ty bị ảnh hưởng đã khẩn trương khắc phục hậu quả để ổn định sản xuất. Nhiều kinh nghiệm đã được rút ra trong công tác này, trong đó quan trọng nhất là phải nhanh chóng khắc phục vườn cây, sớm đi vào sản xuất.
Chủ động ứng phó với bão
Bão số 1 vừa tan, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cùng các Ban chuyên môn của VRG đi kiểm tra tình hình khắc phục vườn cây bị gãy đổ tại Công ty TNHH MTV TCT Cao su Đồng Nai, Hòa Bình và Bà Rịa.
Sau khi kiểm tra thực tế, TGĐ chỉ đạo một số biện pháp ứng phó với thiên tai: Đối với vườn cây trồng khu vực Đông Nam bộ, những nơi dễ bị ảnh hưởng của bão, đề nghị Viện NCCS VN và Ban Quản lý kỹ thuật (QLKT) VRG xem xét việc trồng xen cây chắn gió trong các vườn cao su. Về lâu dài, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, Viện và Ban QLKT cần có nghiên cứu bổ sung giống chịu gió bão cho khu vực Đông Nam bộ để đưa vào cơ cấu bộ giống và ứng dụng trên địa bàn. Đồng thời, các công ty khu vực này xem xét đề xuất được tăng mật độ trồng cây cao su trên ha và trồng cây tràm bông vàng để chắn gió trên vườn cao su, giảm thiểu ảnh hưởng của bão.
Ngoài ra, các công ty nghiên cứu phương án mua bảo hiểm vườn cây nhằm hạn chế rủi ro khi thiên tai xảy ra. Vấn đề này không mới, tại tỉnh Bình Phước, Công ty Bảo Việt Bình Phước đã triển khai thí điểm cho cây cao su từ năm 1997. Tính riêng năm 2011, Bình Phước có 9.500 ha cao su được mua bảo hiểm.
Khắc phục sớm, khả năng phục hồi của cây sẽ tốt hơn
Trong công tác khắc phục vừa qua, kinh nghiệm rút ra là phải nhanh chóng triển khai cưa cắt, dọn dẹp vườn cây. Nếu khắc phục sớm, khả năng phục hồi của cây sẽ tốt hơn. Ngay sau bão, CTCS Bà Rịa, Hòa Bình, NT Dầu Giây (TCT CS Đồng Nai), đã huy động hàng ngàn công nhân bắt tay cứu vườn cây ngã đổ. Với tinh thần quyết liệt, chỉ 2 tuần sau bão hàng chục ngàn cây cao su KTCB được phục dựng. Tại các đơn vị này, do huy động cả sức người, máy kéo, cùng dây bẹ chằng kéo và cây chống đỡ, nên nhìn chung vườn cây KTCB bị ngã, trốc gốc, nghiêng được khắc phục tương đối nhanh. Tuy nhiên, máy đầu kéo di chuyển khó khăn do hố đa năng trên hàng cao su.
Ngoài ra, TCT Đồng Nai cũng quyết liệt đẩy nhanh tiến độ khắc phục với các biện pháp như: Thành lập Ban chỉ đạo khắc phục từ TCT đến cơ sở. Các thành viên trong Ban TGĐ, tổ chức CĐ, Đoàn Thanh niên cùng xắn tay ra quân khắc phục; bộ phận phòng chống cháy huy động tất cả xe chứa nước và nhờ sự hỗ trợ xe chữa cháy của địa phương tập trung tại vườn cây bị thiệt hại; khoanh vùng vườn cây thiệt hại; phân công trực kiểm tra 24/24.
Với vườn cây kinh doanh bị gãy đổ, TGĐ Trần Ngọc Thuận chỉ đạo, việc cần làm ngay là nhanh chóng dọn dẹp, giải phóng các cây gãy đổ trên đường lô, tạo giao thông thuận lợi, hạn chế tối đa tai nạn và sự cố có thể xảy ra. Để đảm bảo an toàn cho công nhân, việc khai thác tại các vườn cây có cây gãy đổ chỉ được thực hiện khi việc khắc phục hoàn tất.
Bên cạnh đó, cần tập trung ưu tiên công tác phòng chống cháy, cứu sống những cây có khả năng phục hồi, nhất là những nơi có diện tích thiệt hại lớn. Vườn cây nhóm I gãy ngang thân từ 2 m trở lên cắt nghiêng không để đọng nước và bôi mỡ vaseline chống nhiễm trùng. Khi cưa cắt phải kiểm tra giám sát, tránh cưa nhầm và đảm bảo an toàn lao động.
Sau bão, diện tích thanh lý của các công ty sẽ tăng lên. Tuy nhiên, TGĐ nhấn mạnh việc cưa cắt thanh lý không nên thực hiện tập trung vào một thời điểm để có thể tận thu mủ và cải thiện giá bán gỗ. Các đơn vị chủ động giãn tiến độ thanh lý và chuẩn bị thật tốt cây giống bầu 5 tầng lá trở lên để tái canh và đảm bảo hiệu quả chu kỳ khai thác.
Bài, ảnh: Bình Nguyên