.
.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam: Không phải tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều lỗ và đều là gánh nặng

Thứ Hai, 06/08/2012|10:56

"Làm tròn con số ta còn 1.300 DNNN, trong đó có 11 tập đoàn, 10 tổng công ty 91 tạm hiểu là tổng công ty lớn, 80 tổng công ty 90. Trong số đó, số không có lãi chỉ khoảng 20% so với 60% trước đây và không phải tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều lỗ và đều là gánh nặng" đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam nói trong chương trình Dân hỏi của VTV ngày 5/8.

a
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam

- Người dân cho rằng tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tuy được ưu đãi nhiều về vốn, đất đai, tài nguyên… nhưng hiệu quả rất kém, toàn thua lỗ, phá sản, là gánh nặng của nền kinh tế. Chính phủ nhìn nhận như thế nào về vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN và có biện pháp gì để kiểm soát chặt chẽ hơn và quy rõ trách nhiệm cho từng cấp?

Theo tôi cần thống nhất một quan điểm, nước nào cũng có DNNN. Ở nhiều thời kỳ, kể cả ở các nước phương Tây, DNNN đóng vai trò rất quan trọng. 

VN đi lên từ một nền kinh tế hoàn toàn nhà nước và tập thể. Qua quá trình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp vừa qua, đến nay, làm tròn con số ta còn 1.300 DNNN, trong đó có 11 tập đoàn, 10 tổng công ty 91 tạm hiểu là tổng công ty lớn, 80 tổng công ty 90.

Trong số đó, số không có lãi chỉ khoảng 20% so với 60% trước đây. Trước đây, cứ 100 DNNN thì 60 không có lãi, chính vì thế trong quá trình đổi mới DNNN, những doanh nghiệp đó được cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê…, chỉ giữ lại những doanh nghiệp được cho là có hiệu quả, quan trọng đối với nền kinh tế.

Không phải tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều lỗ và đều là gánh nặng. Một ví dụ mà người dân thấy rất rõ là Tập đoàn Viễn thông quân đội, không những phát triển rất tốt thị trường trong nước mà còn đang tiến hành đầu tư ra rất nhiều nước trên thế giới, có phương án thâm nhập những thị trường rất tiên tiến ở châu Âu có mức độ cạnh tranh khốc liệt, khiến rất nhiều người ngạc nhiên.

VN có điều kiện rất đặc biệt về nền kinh tế chuyển đổi và hệ thống chính trị, vai trò của DNNN sẽ được tiếp tục duy trì.

Vinalines lỗ do nguyên nhân khách quan

- Nhưng vấn đề lỗ của các DNNN vẫn được người dân rất quan tâm. Tại sao DNNN lỗ lớn như vậy, điển hình như Vinalines, Vinashin…, lỗ đến cả trăm tỷ, ngàn tỷ đồng?

Vinalines những năm trước là lãi, chỉ bắt đầu năm nay là lỗ. Lý do chính khiến Vinalines lỗ là kinh tế thế giới rất khó khăn. Vinalines vận chuyện quốc tế là chính mà giá cước lại xuống một cách không thể dự liệu được. Có nhiều mặt hàng xuống đến 90%, đại đa phần giảm hơn một nửa.

Đối với Vinashin, có thể nói ngành đóng tàu rất quan trọng vì VN là một quốc gia biển. Những sai phạm của Vinashin, công luận, trong Đảng và trong Chính phủ đã nói kỹ. Những ai vi phạm đã phải chịu hình phạt của pháp luật, hậu quả còn lại là rất lớn, hiện nay để vưc Vinashin lên vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Nhưng nói đến Vinashin mà chỉ nói đến những điều như vậy thì không công bằng với những người làm trong ngành đóng tàu. Cứ hình dung cách đây 10-15 năm, chúng ta mơ ước không đóng được con tàu 3 ngàn tấn. Bây giờ, những con tàu ta đóng được cao bằng tòa nhà 10 tầng, mấy trăm nghìn tấn. 

Tôi có vinh dự được đến thăm một số nhà máy đóng tàu, đã chứng kiến những người từng là kỹ sư, quản lý ở đó rơi nước mắt khi xem hạ thủy những con tàu khổng lồ, không thể tưởng tượng ngành đóng tàu VN lại có bước phát triển vượt bậc như vậy. Từ chỗ gần như không có tên tuổi, VN giờ nằm trong khoảng 10 nước có năng lực đóng tàu tốt trên thế giới, với một đội ngũ mấy chục nghìn công nhân lành nghề. Các xưởng của ta còn đóng được cả tàu mang pháo, tên lửa, có trực thăng đậu…

Ta phải ghi nhận đó là tâm huyết và trí tuệ của các thế hệ cán bộ trong ngành đóng tàu. Chủ trương của Đảng và nhà nước trước đây và sau này đều tập trung phát triển ngành đóng tàu, khắc phục những sai sót để giữ được một thế mạnh không chỉ về kinh tế, kỹ thuật mà với VN là một quốc gia biển trong bối cảnh quốc tế hiện nay là vô cùng quan trọng.

- Vậy thua lỗ của Vinalines, ngoài nguyên nhân khách quan như Bộ trưởng nêu, có phần nào là do hậu quả của vụ việc Dương Chí Dũng?

Vụ việc Dương Chí Dũng xảy ra năm 2007, khi đó Vinalines có nhu cầu đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam. Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan theo quy định đã trình lên Thủ tướng xin bổ sung nhà máy này vào quy hoạch. Một Phó Thủ tướng được phân công, trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, đã đồng ý chủ trương cho Vinalines lập dự án, báo cáo và cập nhật dự án này vào quy hoạch. 

Nhưng khi chưa hoàn thành các thủ tục đó, lãnh đạo Vinalines đã tự ý mua các ụ nổi, một thành phần của nhà máy, về sửa chữa. Trong quá trình thanh tra đã phát hiện việc sửa chữa này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngay khi nhận được báo cáo thanh tra, Thủ tướng đã yêu cầu chuyển cho cơ quan điều tra. Khi điều tra vụ việc cụ thể liên quan đến các ụ nổi, nhận thấy dấu hiệu liên quan đến lãnh đạo tổng công ty, Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan điều tra mở rộng điều tra. 

Khi cơ quan điều tra báo cáo là lãnh đạo của tổng công ty, cụ thể là ông Dương Chí Dũng, có dấu hiệu vi phạm, Thủ tướng đã chỉ đạo khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành ngay các biện pháp ngăn chặn đặc biệt đối với ông Dương Chí Dũng. Tất cả những việc này được làm với thái độ rất cương quyết, đúng trình tự tố tụng.

- Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng ở Vinalines, Bộ trưởng đã khẳng định là đúng quy trình, nhưng người dân băn khoăn trách nhiệm thuộc về ai, tại sao thực hiện đúng quy trình mà vẫn để lọt một tội phạm lên một chức vụ quan trọng?

Chính phủ làm gì cũng phải căn cứ vào luật pháp, tuân thủ đúng quy trình thủ tục của một cơ quan hành chính. Quy trình, thủ tục đúng thì phải bảo là đúng. Giống như một quy trình sản xuất, nếu xảy ra tai nạn, điều đầu tiên cần xem xét là vận hành có đúng quy trình không, nếu đúng quy trình thì phải tìm những nguyên nhân sâu xa hơn.

Công tác cán bộ là cốt lõi của mọi vấn đế, Đảng và Nhà nước có các chính sách và quy định rất chặt chẽ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, đãi ngộ… Với những cán bộ cấp Chủ tịch HĐQT, quy trình từ nhận xét ở nơi làm việc đến lấy ý kiến nơi cư trú… phải mất đến 6 tháng. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao quy trình chặt như thế mà vẫn để lọt.

Đây là vấn đề con người. Chúng ta đều biết một người đã giữ đến chức vụ nhất định thì rất hiểu biết. Không phải không có những trường hợp, không chỉ riêng VN, mà trong lịch sử từ trước đến nay, khá nhiều cán bộ trung cao cấp che giấu rất giỏi.

Một nguyên nhân nữa là công tác đấu tranh, phê bình và tự phê bình từ cấp cơ sở chưa làm thật tốt. Khi họ được tuyên dương, lên chức, bổ nhiệm, họ vẫn là một chân dung rất đẹp, rất tốt. Đùng một cái họ bị phát hiện và thành tội phạm, ta mới giật mình.

Tôi cho rằng đánh giá con người là vấn đề rất quan trọng và rất khó, chỉ có cách: Trước hết, những gì là quy trình, thủ tục thì phải chặt chẽ; Thứ hai, phải tăng cường phê bình và tự phê bình trong các tổ chức đảng, chính trị xã hội, công đoàn, cơ quan chuyên môn… cũng như tăng cường giám sát của người dân để sớm phát hiện những phần tử thoái hóa biến chất, loại ra khỏi bộ máy.

Khó có thể tìm thấy một quy trình nào trên thế giới là hoàn thiện, vì vậy mọi quy trình phải được thường xuyên rà soát, cần thiết thì phải sửa đổi, bổ sung. Sau sự việc Dương Chí Dũng, Chính phủ và các cơ quan liên quan của Đảng đang xem xét và đã đề nghị bổ sung một số quy định trong quy trình cán bộ. Ví dụ quy định khi bổ nhiệm một cán bộ mà đơn vị đang được thanh tra, kiểm tra thì việc trao đổi với cơ quan thanh tra, kiểm tra, dù chưa có kết luận chính thức là một thủ tục bắt buộc.

Quan trọng nhất trong công tác con người là phải có giám sát, đánh giá thật kỹ từ tất cả các cấp, đặc biệt phải có cơ chế để nhân dân biết cán bộ tham gia đánh giá và phát hiện sai phạm của cán bộ ngay từ khi còn rất sớm.

Theo Đài Truyền hình Việt Nam

.
.
.
.