.
.

Quản lý thuế: Chặt nhưng phải thuận cho doanh nghiệp

Thứ Sáu, 26/10/2012|09:33

 

Sáng 25/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên thảo luận.

Về tổng thể, ý kiến của một số đại biểu cho rằng Luật Quản lý Thuế không nên quy định quá chi tiết, can thiệp quá sâu vào các luật thuế chuyên ngành khác, dễ gây tình trạng mất ổn định, thường xuyên phải chỉnh sửa, cập nhật.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Thực hiện nghiêm phạt chậm nộp thuế

Về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai (Điều 106, 107), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội ở kỳ họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)  cho rằng một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật quản lý thuế là nhằm tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thất thu. Thực tế cho thấy, mức xử phạt 0,05%/ngày (không phân biệt thời hạn chậm nộp) như quy định hiện hành là quá thấp, dẫn đến tình trạng người nộp thuế cố tình chây ỳ nhằm chiếm dụng tiền thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Vì vậy, trong dự thảo lần này đã quy định “mức phạt theo biểu lũy tiến đối với hành vi chậm nộp. Cụ thể, phạt 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày, 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày”.

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu lại cho rằng quy định như vậy vẫn là quá cao. Đại biểu Nguyễn Văn Bình (đoàn Hải Phòng) cho rằng đa số doanh nghiệp chậm nộp là doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nếu quy định phạt 0,07%/ngày (tương đương 25%/năm) sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn chồng khó khăn.

“Nên giữ nguyên mức xử lý đối với việc chậm nộp như hiện hành là 0,05%/ngày. Đây chỉ nên coi như khoản lãi phải nộp, không coi như khoản phạt vì khoản phạt đã có quy định riêng”, ông Bình kiến nghị.

Không đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Hòa Bình) cho rằng cần phải coi đây là khoản phạt chậm nộp để đảm bảo tính răn đe của pháp luật, bởi nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp căn cứ trên tình hình sản xuất thực tế, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải nộp thuế đúng, đủ cho nhà nước.

Ý kiến khác nhau về gia hạn nộp thuế cho hàng hóa là nguyên vật liệu

Các đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng), Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh), Vũ Huy Hùng (đoàn Hà Nội), Vũ Huy Hoàng (đoàn Lạng Sơn) và một số đại biểu khác có cùng quan điểm về việc chưa cần thiết phải thay đổi quy định hiện hành cho ân hạn nộp thuế tối đa 275 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (Điều 42).

Dẫn kiến nghị của hiệp hội ngành hàng Việt Nam (gồm 5 hiệp hội, khoảng 5 triệu lao động, hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước), đại biểu Trần Du Lịch thừa nhận có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng quy định này của luật để chây ỳ, chậm nộp thuế, nhưng đó chỉ là thiểu số.

“Nếu thực hiện theo quy định này (không cho ân hạn tối đa 275 ngày), chi phí tài chính ước tăng thêm 1,5 tỷ USD, giá thành tăng 1,5%. Trong bối cảnh tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, không có lý gì lại thay đổi một quy định đang hoạt động bình thường để gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Đương nhiên, vẫn phải có giải pháp để tăng cường kiểm tra, giám sát một số ít doanh nghiệp lợi dụng điều này để chây lười nộp thuế”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Một quy định pháp luật nếu đang hoạt động bình thường trong cuộc sống thì chưa nên điều chỉnh, sửa đổi. Nếu có, nên tiếp cận theo hướng một mặt có cơ chế kiểm tra, giám sát, một mặt vẫn phải đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Ông Vũ Huy Hoàng cho biết, dự báo từ nay đến cuối năm, có thể cả năm 2013 tình hình sẽ tiếp tục không thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Qua thực tế làm việc với các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, hầu như các doanh nghiệp có làm xuất khẩu đều bày tỏ lo ngại với quy định mới này của Luật Quản lý Thuế.

“Riêng Hiệp hội Da giày cho biết nếu áp dụng quy định mới, một năm tăng chi phí 600 triệu USD, trong khi tổng kim ngạch khoảng 6 tỷ USD. Bên cạnh đó, việc hoàn thuế cũng là rất khó khăn” ông Hoàng dẫn chứng.

Với quy định hàng tạm nhập tái xuất, đại biểu Vũ Huy Hoàng nhất trí quy định phải nộp tiền thuế trước khi hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập khẩu hàng hóa như trong dự thảo vì đây là loại hàng hóa thương mại thông thường, chưa được khuyến khích cho xuất khẩu.

Trước các ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng ngay trong luật hiện hành cũng đã quy định muốn được ân hạn, doanh nghiệp phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc chấp hành đúng các quy định về thuế.

“Khoảng 20% doanh nghiệp lợi dụng quy định này để chây ỳ, chậm nộp thuế. Số tiền nợ thuế quá hạn với những doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ là hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó có hơn 500 tỷ đồng là của doanh nghiệp đã bỏ trốn”, ông Vương Đình Huệ dẫn chứng số liệu.

Tuy nhiên, do đây là vấn đề quan trọng, ông Vương Đình Huệ cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tính toán lại một cách kỹ lưỡng để cung cấp cho đại biểu và Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định.

Vẫn nên quy định chức năng điều tra cho cơ quan thuế

Tại kỳ họp thứ 3, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về tổ chức lực lượng “điều tra” hoặc “cảnh sát thuế” trong dự thảo.

Giải trình nội dung này, UBTVQH cho rằng hoạt động điều tra về cơ bản là hoạt động chuyên ngành thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự và đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, để có cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện chức năng điều tra thuế thì không chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quản lý thuế mà phải sửa đồng bộ các quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về tổ chức cơ quan điều tra, pháp luật về tố tụng,...). Vì vậy, đề nghị không bổ sung quy định trên vào nội dung Dự thảo luật.

Đồng tình với việc chưa quy định thành lập lực lượng điều tra, cảnh sát thuế trong dự thảo, tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (đoàn Quảng Ngãi) lại cho rằng “cần đề cập nội dung này trong luật Quản lý thuế, nhưng với mức độ hợp lý theo hướng cơ quan điều tra thuế có thể được giao một số thẩm quyền điều tra. Hiện tại, Hải quan đã được giao một số thẩm quyền điều tra khác, do vậy, cơ quan thuế cũng nên được giao một số nghiệp vụ này”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng không đồng tình với giải trình do “vướng” Bộ luật Tố tụng hình sự để không đưa nội dung này vào dự thảo, vì theo chương trình, cuối năm 2013 sẽ tiến hành sửa đổi bộ luật này. “Quan điểm sửa Bộ luật Tố tụng hình sự sắp tới có thể giao thêm một số thẩm quyền điều tra cho các lực lượng như cảnh sát biển, thanh tra y tế, thuế... Đây là thông lệ của nhiều nước trên thế giới, không phải riêng Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm.

Theo chương trình, Luật Quản lý Thuế sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.