.
.

Thủy điện Sơn La cán đích trước 2 năm - mang lại nhiều lợi ích hơn con số 20.000 tỷ đồng

Thứ Năm, 04/10/2012|23:19

 

Sự kiện tổ máy số 6 (công suất 400MW) - tổ máy cuối cùng của Nhà máy Thủy điện Sơn La, hòa lưới điện quốc gia thành công vừa qua đã đưa toàn bộ 2.400MW điện của Dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á (tính cho đến thời điểm này) vào hệ thống nguồn phát điện quốc gia. Điều này không chỉ đóng góp hơn 10 tỷ kWh điện mỗi năm cho hệ thống, mà ngay trước mắt, đã giúp cho hệ thống điện bớt căng thẳng, tiết kiệm năng lượng do không phải huy động từ các nguồn than, dầu

 
Nhìn lại Dự án Thủy điện Sơn La - công trình trọng điểm quốc gia, là bậc thang thứ hai trên dòng chính sông Đà (trên là thủy điện Lai Châu, dưới là thủy điện Hòa Bình), với công suất lắp đặt 2400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW), có công trình chính đặt tại tuyến Pa-Vinh thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hồ chứa nước thuộc một số xã, huyện của tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Nhiệm vụ chính của nhà máy này là cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10 tỷ 246 triệu kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. 

Nhà máy Thủy điện Sơn La được khởi công xây dựng trong năm 2005. Tổ máy đầu tiên hòa lưới thành công vào ngày 17.12.2010. Tiếp đó lần lượt các tổ máy số 2,3,4 đã được đưa vào vận hành an toàn trong năm 2011. Đến nay, 5 tổ máy của nhà máy đã đi vào sản xuất ổn định, an toàn. Tính đến ngày 26.9, sản lượng điện toàn nhà máy đạt trên 11,2 tỷ kWh. Việc hòa lưới thành công tổ máy số 6 vào hệ thống điện quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cung ứng điện năm 2012 và các năm tiếp theo. Không chỉ góp phần quan trọng đưa toàn bộ công trình này về đích trước thời hạn 2 năm, mà riêng tổ máy 6 cũng được cán đích trước 3 tháng - so với mục tiêu ban đầu là cuối năm nay. Trưởng ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La - Lai Châu Phạm Hồng Hà tính toán, chỉ riêng việc phát điện toàn bộ 6 tổ máy trước kế hoạch 2 năm đã làm lợi cho đất nước khoảng 20.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này, thủy điện Sơn La là công trình điện đầu tiên của cả nước vượt tiến độ. Có được điều đó, phải kể đến sự đầu tư nguồn lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có việc ưu tiên vốn. Nhưng hơn cả vẫn là nhờ một đội ngũ nhân lực hùng hậu, trong đó có những người thợ lắp máy Lilama có đủ trình độ kỹ thuật, giàu kinh nghiệm và tâm huyết đã làm chủ những cỗ máy chính - quyết định nên sự thành công này. Chỉ huy thi công lắp máy công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La Nguyễn Thế Trinh cho biết, vì mục tiêu phát điện tổ máy 6, hơn 500 cán bộ, kỹ sư công nhân kỹ thuật đã làm việc ngày đêm trên công trường trong nhiều tháng qua. Hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng tạo trong lắp đặt thiết bị công nghệ cao đã được áp dụng, vận hành thành công. 

Trực tiếp tư vấn, kiểm tra và thẩm định chất lượng công trình, một thành viên Hội đồng nghiệm thu công trình Thủy điện Sơn La khẳng định, ngoài những cái được kể trên, còn rất nhiều những cái được đáng ghi nhận ở công trình này. Ví như việc góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp cơ khí khi sử dụng thiết bị thủy công, cẩu trục lớn do trong nước sản xuất. Công trình này cũng là nơi đào tạo đội ngũ nhân lực cơ khí, lắp máy và vận hành các công trình điện. 

Tổ máy cuối cùng của Thủy điện Sơn La đã hòa lưới thành công đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ công trình trước thời hạn đề ra, đáp ứng tiến độ Chính phủ yêu cầu. Nó cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho Thủy điện Lai Châu - bậc thang đầu tiên và là dự án thủy điện lớn cuối cùng trên dòng chính sông Đà, từ cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước đến công tác thiết kế, thi công, xây lắp và quản lý công trình.



 
Nguồn: daibieunhandan.vn
.
.
.
.