.
.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Tư, 31/10/2012|15:48

 

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu GDP, lạm phát mà Chính phủ đề ra là phù hợp.

Sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.


Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch nhưng quý sau cao hơn quý trước, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn là những dấu hiệu tích cực để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch nhưng quý sau cao hơn quý trước, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn là những dấu hiệu tích cực để phát triển bền vững trong thời gian tới.

 

Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh toàn diện

Nhìn chung các ý kiến đại biểu đều nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; cho rằng, báo cáo đã thể hiện bao quát, khá rõ các mặt của tình hình KT-XH của đất nước, nhìn thẳng vào những hạn chế yếu kém và đã đề ra được các nhóm giải pháp phù hợp với tình hình đất nước, có tính khả thi cao.

Theo báo cáo của Chính phủ, lạm phát bước đầu được kiềm chế, giá tiêu dùng 9 tháng tăng 5,13%. So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch nhưng quý sau cao hơn quý trước, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn là những dấu hiệu tích cực để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Về bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội, trọng tâm là tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo ước cả năm giảm 1,76%. Tuy không đạt kế hoạch là 2% nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn thì đây là một cố gắng lớn.

Đại biểu Ya Duck (đoàn Lâm Đồng) khẳng định, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đầu tư cho miền núi và vùng dân tộc thiểu số, cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi có chuyển biến đáng kể, đời sống đồng bào được cải thiện, bộ mặt nông thôn có khởi sắc mới...

Tuy nhiên, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, nổi lên là: Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn. Lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận được nguồn vốn, tồn kho lớn...

Theo nhiều ý kiến đại biểu, nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế phân tích trong Báo cáo của Chính phủ chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật những nguyên nhân chủ quan từ điều hành.

Mục tiêu đề ra là phù hợp

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đều đồng tình với mục tiêu tổng quát, những chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường cùng những nhiệm vụ và 9 nhóm giải pháp thể hiện trong báo cáo của Chính phủ.

Về mục tiêu đề ra trong năm 2013, trong đó có các chỉ tiêu kinh tế, báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%; Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%...

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) bày tỏ ủng hộ và cho rằng, những chỉ tiêu về GDP, lạm phát mà Chính phủ đề ra là có tính khả thi. Đại biểu cũng lưu ý, nền kinh tế việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng dưới tiềm năng. Hiện nay theo tính toán, với tất cả đầu tư đã có, tăng trưởng tiềm năng có thể đạt GDP cao hơn nếu như chúng ta có chính sách khai thông thị trường, tạo niềm tin hỗ trợ doanh nghiệp. Vấn đề tập trung không phải là đầu tư bao nhiêu mà quan trọng là làm sao khai phát được tiềm năng tăng trưởng đó.

Đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) thì nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, dự kiến năm nay có 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết Quốc hội là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nền kinh tế đang có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng là điều đáng mừng.

Từ những yếu kém, hạn chế trên, các đại biểu quốc hội bày tỏ ủng hộ 9 nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra, đồng thời nhấn mạnh, các giải pháp đó phải được thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao để đưa nền kinh tế tiếp tục khởi sắc, đảm bảo an sinh xã hội./.

Theo VOV

.
.
.
.