.
.

Gỡ vướng mắc trong quy hoạch phát triển điện lực

Thứ Ba, 13/11/2012|15:21

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa đề xuất lên Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nền kinh tế xã hội.


Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2
Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2

 



Theo VEA, hiện có sự không thống nhất giữa Quy hoạch điện VII với các quy hoạch than và quy hoạch khí. Một ví dụ rõ nhất là theo Quy hoạch điện VII, Nhà máy nhiệt điện than Na Dương II sẽ vào vận hành trong năm 2018 nhưng Quy hoạch than (đã được phê duyệt sau Quy hoạch điện) lại quy định Mỏ than Na Dương đạt 1,2 triệu tấn/năm vào 2015, trong khi nhà máy nhiệt điện than Na Dương I chỉ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn/năm. 

Như vậy, trong khi chờ Na Dương II vào hoạt động, than sản xuất ra sẽ không có nơi tiêu thụ vì loại than này chỉ có thể sử dụng cho công nghệ phát điện của các nhà máy điện Na Dương I và Na Dương II.

Tương tự như vậy, các nhà máy điện khí trong Trung tâm Điện lực Ô Môn, như Ô Môn III sẽ vào vận hành trong năm 2015, Ô Môn IV và Ô Môn II vào vận hành năm 2016, trong khi Quy hoạch khí (đã được phê duyệt trước Quy hoạch điện VII) lại quy định đường ống Lô B-Ô Môn dài 398km, công suất 7 tỷ m3/năm bắt đầu vận hành vào năm 2014. Việc không đồng bộ này sẽ dẫn tới lãng phí rất lớn, Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi khẳng định.

Ngoài ra, thực tế kiểm tra cũng cho thấy tiến độ thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII đến nay là rất chậm, chủ yếu là do không thu xếp được vốn. Vì vậy, để triển khai hiệu quả Quy hoạch Điện VII, VEA đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo việc lập và triển khai thực hiện các quy hoạch phân ngành năng lượng đảm bảo tính thống nhất và tính đồng bộ. Quy hoạch phát triển điện lực phải được lập phù hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, nguyên tử) cho phát điện, bao gồm các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

VEA cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương đánh giá lại tiềm năng dầu khí, nguồn khí và tình hình sử dụng khí tại miền Đông Nam Bộ để xem xét khả năng phát triển Trung tâm Điện lực Nhơn Trạch 2.700MW, gồm 4 nhà máy điện Nhơn Trạch I (450MW), Nhơn Trạch II (750MW), Nhơn Trạch III (750MW) và Nhơn Trạch IV (750MW) đã được nghiên cứu trước đây.

Đối với Nhà máy nhiệt điện Phả Lại I (4x110MW) đã vận hành trên 28 năm, gần hết khấu hao, công nghệ cũ, tiêu hao than gấp 1,5 lần công nghệ mới nên vận hành kém hiệu quả, Bộ Công Thương cần chỉ đạo nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy mới đưa vào vận hành năm 2020 với công nghệ tiên tiến, công suất đến 2x600MW.

Bộ Công Thương cũng cần chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam xúc tiến việc mở rộng nhiệt điện Na Dương II có công suất ≥110 MW, đưa vào vận hành vào năm 2015 đồng bộ với việc phát triển mở rộng mỏ than Na Dương nâng công suất lên 1,2 triệu tấn theo quyết định của Chính phủ.

Theo VEA, để đảm bảo nguồn tài chính cho triển khai các dự án trong Quy hoạch điện VII, Nhà nước cần tạo cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam cũng như các nhà đầu tư bên ngoài triển khai đúng tiến độ các dự án của Quy hoạch điện VII. 

Đặc biệt, Bộ Công Thương cần tổ chức nghiên cứu đồng bộ giá than, điện, dầu, khí theo giá thị trường dưới sự chỉ đạo của Chính phủ để đầu ra của giá điện hài hòa, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng điện cũng như đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành năng lượng có lãi để tiếp tục đầu tư phát triển./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN)

.
.
.
.