.
.

Hiểu đúng về chỉ đạo và tiếp thu chỉ đạo

Thứ Ba, 13/11/2012|22:23

 

aaa
Chỉ đạo và tiếp thu chỉ đạo thường là việc cán bộ lãnh đạo truyền đạt chỉ thị, nghị quyết và sự tiếp thu của tập thể đối tượng được nghe. Người truyền đạt thường là cán bộ cấp cao. Người truyền đạt phải nêu rõ tinh thần của chủ trương, nghị quyết, có thể có liên hệ ưu, khuyết điểm giới thiệu để đối tượng nghe suy ngẫm, sửa chữa. Khách quan, nghiêm túc, nhưng không phải là thái độ kẻ cả, răn dạy.

Không ít nơi cứ có cấp trên xuống dự, là có “phát biểu chỉ đạo” và có cán bộ địa phương, đơn vị “tiếp thu ý kiến chỉ đạo”. Lâu dần, ngay tại các cuộc họp đoàn thể ở tổ dân phố cũng không thể thiếu 2 mục trên.

Tại một cuộc họp chi hội người cao tuổi của một tổ dân phố nọ tổ chức mừng thọ và tổng kết công tác năm, đại biểu lãnh đạo phường được cử xuống dự là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường cũng “phát biểu ý kiến chỉ đạo”, rồi chi hội trưởng người cao tuổi tổ dân phố cũng phải “tiếp thu ý kiến chỉ đạo”. Điều đáng nói là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường lại chính là con của ông chi hội trưởng người cao tuổi tổ dân phố đó. Thế là, người ta bảo: “Con chỉ đạo cha”. Ở nhiều khu phố, gặp cả trường hợp bí thư chi bộ trẻ, đáng tuổi con của người chủ trì “phát biểu chỉ đạo”, còn người chủ trì đáng tuổi cha, chú người chỉ đạo phải “tiếp thu chỉ đạo”.

Nhưng cũng có người bảo: “Đâu có gì phải trách cứ,... chuyện xã hội, việc nhà nước, đâu phải chuyện gia đình mà kể đến tuổi tác, tôn tri trật tự. Người lớn tuổi đi trước ở mặt này, nhưng lại đi sau ở mặt khác và ngược lại. Đó là chuyện bình thường!”.

Cái không bình thường muốn nói ở đây là tại sao chúng ta không sửa lại, thay câu giới thiệu “Đồng chí A chỉ đạo” bằng câu “Đồng chí A phát biểu ý kiến” hay “Đồng chí A đáp từ”. Cái không bình thường trong các trường hợp còn lại là lòng khiêm tốn. Người ta, nhất là ở một số cán bộ dù chức tước, cương vị công tác không to, cứ muốn được người khác tâng bốc, đề cao. Người giới thiệu cứ muốn được cấp trên vui lòng, “có mất gì đâu chứ”. Cuối cùng “hội chứng” phát biểu chỉ đạo và tiếp thu chỉ đạo cứ thế lan rộng. Việc thiếu tự trọng và đầu óc địa vị, thích tâng bốc, thiếu khiêm tốn như đôi cánh đẩy con diều cá nhân chủ nghĩa lên cao. Đã có thủ trưởng khi nhờ nhân viên sửa lại hệ thống đèn của nhà mình, lại nói “tôi chỉ đạo cậu phải làm xong chiều nay” và nhân viên nọ cứ răm rắp “xin tiếp thu ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng”.

Bác Hồ khi viết xong bài báo “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”, trước khi gửi đến tòa soạn để đăng, Bác đưa các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, rồi 2 đồng chí cán bộ văn phòng đọc và góp ý. Một đồng chí đề nghị: xin phép Bác đưa cụm từ “nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước cụm từ “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” với lý do cán bộ đảng viên ta nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản. Đồng chí cán bộ kia cũng nhất trí. Bác Hồ im lặng suy nghĩ, cuối cùng bảo:

- Ý kiến các chú Bác thấy cũng có lý, nhưng còn phân vân điều này. Ví như gia đình các chú tiết kiệm, mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Vậy trước khi vào phòng, các chú có quét dọn nhà cửa sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà khiêng bàn ghế, giường tủ vào?

Mọi người đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì Bác nói: “Vì 2 chú đã đề nghị, là đa số. Bác nhượng bộ, đổi lại đầu bài. Nhưng ở trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý của Bác “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng!”.

Bác Hồ, một thiên tài, một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc mà khiêm tốn đến như thế, khiêm tốn nhưng vẫn cương quyết bảo vệ cái đúng. Điều đó đáng để chúng ta suy ngẫm. Sự khiêm tốn không chỉ với đồng cấp, mà kể cả của cấp trên đối với cấp dưới. Nó có sức cuốn hút và thuyết phục mọi người hơn bất cứ chức quyền nào./.

(Theo TCCS)

 

 

.
.
.
.