.
.

Sức sống của doanh nghiệp cũng là sức sống của nền kinh tế

Thứ Hai, 12/11/2012|16:02

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ Tư Quốc hội khóa XIII, nhiều  đại biểu đã đưa ra yêu cầu: phải cứu doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp được tháo gỡ những khó khăn hiện nay, phục hồi sản xuất cũng có nghĩa là sẽ tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm cuộc sống người dân, giảm gánh nặng với chính sách an sinh xã hội. Sức sống của doanh nghiệp cũng là sức sống của nền kinh tế.

Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tính đến tháng 9, tổng số doanh nghiệp đã giải thể hoặc dừng hoạt động là 40.190 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó có 6.593 doanh nghiệp giải thể và 33.597 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thành lập mới đạt khoảng 51.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 350,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,7% về số lượng và tăng 0,7% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu xem xét số liệu này thì có thể thấy tình hình không quá bi quan vì số doanh nghiệp thành lập mới vẫn cao hơn so với số giải thể, ngừng hoạt động. Tuy nhiên, dư luận xã hội vẫn lo lắng với số liệu này là bởi trong năm 2011 mới có 53.000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, thì chỉ trong 9 tháng năm 2012 đã đạt gần đến con số này.

ggggggggggggg
Doanh nghiệp rất cần được tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất.

Một thông số khác cũng phản ánh phần nào sức khỏe của doanh nghiệp là số liệu về hàng tồn kho. Nếu căn cứ vào số liệu này thì có thể sẽ phần nào yên tâm hơn vì số lượng hàng tồn kho đang giảm dần qua các tháng dù vẫn còn ở mức cao. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, do triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nên tính chung 9 tháng qua, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến đã giảm 0,1 điểm % so với 8 tháng. Nhưng có thể thấy, lượng hàng tồn kho giảm không phải do sức mua được cải thiện, mà phần nhiều do doanh nghiệp điều tiết giảm sản xuất. Lượng tồn kho của một số ngành vẫn còn cao như chế biến thủy sản, bia - nước giải khát, thuốc lá, dệt may, giày dép, phân bón, các sản phẩm từ plastic, xi măng, sắt thép, pin, dây điện.

Số liệu về số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động và lượng hàng tồn kho cho thấy sức sản xuất đang suy giảm như thế nào. Một câu hỏi đặt ra ở đây là tình trạng này có nguyên nhân từ đâu? Từ doanh nghiệp hay từ cơ quan quản lý? Theo ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), sức sản xuất suy giảm có lỗi từ hai phía là doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Trong đó, doanh nghiệp nước ta chưa chú ý đúng mức đến phương thức quản trị để tạo nội lực mạnh cho mình, nên còn lệ thuộc vào vốn vay. Vì vậy, khi lãi suất cho vay tăng cao, hàng tồn kho cao, doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động hoặc phá sản. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý là chậm trễ ban hành chính sách hỗ trợ. Thực tế, điều kiện cho sản xuất, kinh doanh đã không thuận lợi từ năm 2010 khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới. Gói kích cầu kinh tế được đưa ra trong thời điểm đó là giải pháp đúng đắn của Chính phủ. Nhưng hạn chế của giải pháp này là mới hỗ trợ cho một số đối tượng, một số ngành, không bao phủ đến tất cả các doanh nghiệp. Đến năm 2011, nhiều ĐBQH đã cảnh báo số lượng doanh nghiệp phá sản sẽ tăng nhanh trong cuối năm ngay từ Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII. Song các cơ quan quản lý vẫn chậm đưa ra các giải pháp hỗ trợ. Bởi thế, khi doanh nghiệp không còn nội lực nữa thì chính sách giảm, giãn, hoãn thu thuế, hay giảm lãi suất cho vay như hiện nay không còn nhiều tác dụng nữa.

Dù các cơ quan quản lý không thể làm thay doanh nghiệp, song cũng không thể tiếp tục để số lượng đơn vị phá sản, dừng hoạt động tiếp tục tăng nhanh như thời gian vừa qua. Tình trạng này không được khắc phục cũng có nghĩa là thu ngân sách giảm, nợ xấu tăng, thất nghiệp tăng, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, an ninh – trật tự xã hội... Các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách về lãi suất, tốc độ tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý. Cụ thể là cần tiến hành khoanh nợ cho doanh nghiệp; mua lại nợ xấu phù hợp với vận động của thị trường; cho vay ở những lĩnh vực có tiềm năng phục hồi...

Sức sống của doanh nghiệp cũng là sức sống của nền kinh tế. Mệnh lệnh cứu doanh nghiệp đã được ĐBQH đưa ra. Vì thế, các cơ quan chức năng không thể chậm trễ trong ban hành, triển khai chính sách để thực hiện mục tiêu này.

Lê Bình (Đbnd)
.
.
.
.