.
.

Tái cơ cấu kinh tế phải căn cơ, có nền tảng

Thứ Bảy, 03/11/2012|18:31

 

Trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13, các  đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế - một trong những giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất, ổn định nền kinh tế vĩ mô.


Nợ xấu đang cản trở sự lưu thông của dòng chảy tín dụng, dẫn đến đình đốn hoạt động của nhiều doanh nghiệp, tác động xấu đến an toàn tài chính quốc gia và đến cả xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước
Nợ xấu đang cản trở sự lưu thông của dòng chảy tín dụng, dẫn đến đình đốn hoạt động của nhiều doanh nghiệp, tác động xấu đến an toàn tài chính quốc gia và đến cả xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước

 

Tuy mới xuất hiện không lâu, nhưng khi nhắc đến cụm từ “cục máu đông”, có lẽ ai cũng hiểu đó là cách mà các chuyên gia dùng để chỉ điểm nghẽn của nền kinh tế nước ta hiện nay. Lấy một hình ảnh rất cụ thể, dễ hiểu để nói về vấn đề hệ trọng của đất nước, các chuyên gia muốn khẳng định rằng: Nền kinh tế như một cơ thể sống. Cơ thể ấy cần được cung cấp máu. Chỉ cần một cục máu đông, mạch máu sẽ ứ lại.

Tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, một lần nữa, khái niệm “cục máu đông” được các đại biểu quốc hội nhắc lại. Nói như Tiến sĩ Trần Du Lịch thì đó là “vòng kim cô siết cổ doanh nghiệp”. 

Nợ xấu đang cản trở sự lưu thông của dòng chảy tín dụng, dẫn đến đình đốn hoạt động của nhiều doanh nghiệp, tác động xấu đến an toàn tài chính quốc gia và đến cả xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Vì vậy, hoàn toàn có thể hiểu được vì sao các đại biểu Quốc hội tỏ ra rất sốt ruột và cho rằng: Cần đánh giá lại thật xác đáng tình hình, công bố giải pháp giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu... Đặc biệt là khẩn trương tái cơ cấu nền kinh tế.

Tồn kho hàng hóa là một nguyên nhân dẫn đến nợ xấu. Vì thế cần phân lập chủ thể các khoản vay nợ, phân loại nợ. Không nên hiểu việc xử lý nợ xấu đơn thuần là mua bán nợ, lại càng không được dùng ngân sách để xử lý nợ, mà Ngân hàng Nhà nước phải  năng động hơn trong việc sử dụng các quỹ dự phòng, hoặc chào bán nợ cho các tổ chức tài chính quốc tế; đẩy mạnh hơn nữa quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, kiên quyết cho dừng hoạt động các tổ chức tín dụng nguy cơ mất thanh khoản.

Đồng thời các ngân hàng mạnh cần mạnh dạn cho vay tiêu dùng, có cơ chế giải phóng thị trường bất động sản. Trên cơ sở đó thực hiện khoanh dãn nợ hợp lý để tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần chủ động có các phương án giải phóng hàng tồn kho, xử lý nợ xấu.

Các chuyên gia tính toán, nếu chúng ta không để cho hơn 50.000 doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động, có thể giải quyết việc làm cho 4 triệu lao động, ngân sách có thể thu về 100.000 tỷ đồng. Vì thế phải xem sự sống còn của doanh nghiệp là điều sống còn của nền kinh tế. Đồng thời rà soát chặt chẽ tình hình đầu tư công, ưu tiên vốn cho các công trình dự án sắp hoàn thành, có khả năng sinh lợi.

Mắc trọng bệnh thì không thể điều trị bằng vài liều thuốc, mà phải được khám tổng quát bởi một đội ngũ chuyên gia giỏi để bắt đúng bệnh, cùng với một phác đồ điều trị bài bản, khoa học; người bệnh cũng phải kiên trì, thậm chí là sẵn sàng chịu đau để cắt bỏ những tế bào hỏng để cơ thể khỏe hơn.

Việc sửa lỗi cho nền kinh tế, không thể chỉ làm riêng lẻ theo từng Bộ, ngành, địa phương, mà cần sự điều hành thực hiện thống nhất. Tinh thần ấy phải được quán triệt, nhất quán từ trên xuống dưới để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả bộ máy nhằm xoay chuyển tình hình, tái cơ cấu thành công nền kinh tế, đưa đất nước vượt  qua thử thách./.

Vân Thiêng/VOV-Trung tâm tin

 

.
.
.
.