Trợ cấp mất việc làm được coi là chi phí hợp lý
Doanh nghiệp được hạch toán khoản chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động vào chi phí quản lý và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo Thông tư 180/2012/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Riêng năm 2012, doanh nghiệp được sử dụng số dư Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm đã trích lập theo quy định tại Thông tư 82/2003/TT-BTC (mức trích Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm bằng 1% - 3% quỹ tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp; mức trích cụ thể do doanh nghiệp tự quyết định tuỳ vào khả năng tài chính hàng năm). Khoản trích lập quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm được hạch toán vào chi phí quản lý trong kỳ của doanh nghiệp để chi trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Nếu số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm không đủ hoặc doanh nghiệp không có số dư Quỹ để chi trợ cấp mất việc làm thì toàn bộ phần chi còn thiếu được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm và được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Trường hợp khi lập báo cáo tài chính năm 2012, nếu nguồn Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm còn số dư (sau khi đã chi trợ cấp mất việc làm trong năm 2012) doanh nghiệp hạch toán tăng thu nhập khác năm 2012, không được chuyển số dư Quỹ sang năm sau sử dụng.
Cũng theo Thông tư 180/2012/TT-BTC, trường hợp trong năm doanh nghiệp có thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ, số lượng lao động mất việc làm phát sinh lớn, nếu hạch toán đủ vào chi phí số tiền đã chi trợ cấp mất việc làm (trừ số dư Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm đã sử dụng để chi) mà phát sinh lỗ, thì được phân bổ số tiền đã chi trả trợ cấp vào chi phí quản lý doanh nghiệp các năm sau với thời gian phân bổ tối đa là 3 năm.
Theo Baodautu