Đối tác phát triển khuyến nghị sửa đổi Luật Đất đai
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, nhân Quốc hội Việt Nam thảo luận Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Liên hợp quốc tại Việt Nam và các đối tác phát triển đã ra khuyến nghị chung cùng với Bản tóm lược gợi ý định hướng chính sách sửa đổi Luật Đất đai nhằm thúc đẩy đối xử bình đẳng với tất cả mọi người có quyền sử dụng đất.
Sửa đổi Luật Đất đai nhằm thúc đẩy đối xử bình đẳng với tất cả mọi người có quyền sử dụng đất. |
Các khuyến nghị chính sách này do các chuyên gia của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Cơ quan phát triển quốc tế Australia, Oxfam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và các Đại sứ quán các nước Australia, Canada, Phần Lan, Đức, Ireland, Na Uy, New Zealand và Hoa Kỳ cùng đồng thuận với các khuyến nghị này.
Các khuyến nghị chung chỉ ra những lĩnh vực quan trọng nhất cần phải được cải cách, bao gồm thu hồi và bồi thường đất, tăng cường bảo vệ quyền sử dụng đất của nông dân, minh bạch và tham gia trong quản lý đất đai, bình đẳng giới, quyền sử dụng đất của cộng đồng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tăng cường sự nhất quán, minh bạch của pháp luật đất đai.
Về thu hồi đất, các nhà tài trợ khuyến nghị, thu hồi đất bắt buộc bởi Nhà nước (bao gồm đối với Quỹ đất) chỉ bị giới hạn cho các trường hợp phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng, mà không cho các dự án đầu tư kinh tế. Đất chỉ bị thu hồi sau khi hoàn tất thủ tục minh bạch, bao gồm thông báo công khai trước, thảo luận với những người bị tác động và quyền tự do khởi kiện trước toà án. Giá bồi thường phải phản ánh được các thiệt hại về sinh kế và các chi phí tái định cư cũng như giá thị trường của đất bị thu hồi. Giá thị trường phải được xác định dựa trên các cơ chế định giá chuyên môn, khách quan và độc lập.
Để tăng cường bảo vệ quyền sử dụng đất của nông dân, theo các khuyến nghị, quyền sử dụng đất của các hộ nông nghiệp phải được cấp không có thời hạn. Người nông dân có đất trồng lúa cần được tự do chuyển đổi sao cho sử dụng đất có hiệu quả sản xuất kinh tế hơn, hoặc được trợ cấp nếu họ bị yêu cầu phải giữ đất trồng lúa. Các giới hạn về mức sử dụng đất phải được nới lỏng đối với các hộ nông dân cá thể.
Nâng cao minh bạch và tham gia trong quản lý đất đai, các nhà tài trợ khuyến nghị: Một hệ thống đăng ký quốc gia đồng bộ về quyền sử dụng đất kết nối từ các hồ sơ lưu trữ đất của các cơ quan cấp tỉnh, dựa trên các thửa đất của các cá nhân. Nhân dân được tiếp cận với mọi thông tin liên quan đến đất đai.
Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới hơn, các nhà tài trợ khuyến nghị giữ qui định ghi tên cả hai vợ chồng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện hiệu quả hơn quy định này. Hơn nữa, khuyến nghị tăng cường công nhận việc sử dụng theo phong tục truyền thống và thực tế quản lý đất của các cộng đồng dân tộc thiểu số địa phương trong giao đất, qui hoạch đất và các chính sách, bao gồm tạo ra khung pháp luật và tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cộng đồng.
Các nhà tài trợ cũng khuyến nghị đơn giản hóa hệ thống cấp giấp chứng nhận quyền sử dụng đất, với các quyền hạn và trách nhiệm đầy đủ được giao cho các văn phòng Đăng ký sử dụng đất, các thủ tục đơn giản, giảm phí đăng ký đất và miễn hoàn toàn phí đối với người nghèo.
Cuối cùng, các nhà tài trợ khuyến nghị sự nhất quán và minh bạch của pháp luật đất đai sẽ được hoàn thiện thông qua hệ thống hóa các văn bản qui phạm pháp luật liên quan qua một quá trình tham vấn cởi mở và minh bạch./.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)