.
.

Phát huy sức mạnh các nguồn lực “quý hiếm” cho tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước

Thứ Tư, 20/02/2013|14:51

 

Các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển vốn hạn chế, nay đang dần trở nên quý hiếm. Việc nhận thức, đánh giá và xác định mức độ hiệu quả của các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, tài chính và đặc biệt là nguồn lực “con người” có ý nghĩa sống còn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tự chủ, hiệu quả và bền vững.

Hình ảnh cột điện gió vươn cao giữa trời nước Bạc Liêu
Hình ảnh cột điện gió vươn cao giữa trời nước Bạc Liêu

 

1. Tăng trưởng kinh tế tạo những thách thức lớn đến vấn đề sử dụng các nguồn lực trong xã hội.  Bước sang thập kỷ mới chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn của thời đại. Hội nhập kinh tế quốc tế, là nước đã thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, nhưng nguy cơ chúng ta rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”  là hoàn toàn có thể, khi mà các nguồn lực cho đầu tư phát triển và tăng trưởng chưa thật sự được sử dụng có hiệu quả. Nắm bắt và tận dụng các cơ hội của thời đại công nghệ thông tin và hội nhập để có những định hướng thích hợp nhằm đi tắt, đón đầu, có ý nghĩa sống còn đối với nước ta trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển hiện nay. Phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đòi hỏi chúng ta chấp nhận “cuộc chơi” cùng với những luật lệ của nó. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là việc làm thế nào phát huy tốt nhất sức mạnh tổng hợp của tất cả các nguồn lực quý hiếm cho đầu tư phát triển, nâng cao sự đóng góp và hiệu quả sử dụng mỗi nguồn lực.

Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong giai đoạn 2011-2015 đòi hỏi chúng ta phải nhận thức được một điều rất nóng bỏng rằng, các nguồn lực cho phát triển hiện nay của đất nước là rất quý và hiếm. Không phải rằng quy mô của các nguồn lực đang có xu hướng bị thu hẹp lại mà chính sự phát triển của đất nước đã thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu về nguồn lực một cách mạnh mẽ hơn đáng kể so với khả năng cung ứng. Với khả năng kỹ thuật và công nghệ mới, cùng với sự “phẳng hơn” của nền kinh tế toàn cầu thì nhu cầu về nguồn lực đã được mở ra rộng lớn, không còn giới hạn.

Xét về khía cạnh kinh tế, quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước chính là quá trình huy động và sử dụng một cách hiệu quả những nguồn lực quý hiếm hiện có. Cần nhận thức rằng, mỗi nguồn lực sẽ chỉ thật sự phát huy tốt được hiệu quả khi có sự kết hợp hài hoà, hỗ trợ, tương tác với các nguồn lực khác trong xã hội. Nguồn lực con người sẽ không thể phát huy được hiệu quả tốt, thậm chí không trở thành nguồn lực, khi không được nằm trong môi trường thuận lợi về tài chính và tài nguyên thiên nhiên, xã hội phù hợp. Lao động của con người nằm trong chuỗi yếu tố sản xuất sẽ không thể được thực hiện quá trình tái sản xuất giản đơn, chứ chưa nói đến việc tạo ra được giá trị tăng thêm, nếu chỉ đứng riêng rẽ với các nguồn lực khác, kể cả lao động đó là lao động của người quản lý, người chủ sở hữu hay lao động của những người công nhân, nông dân, thợ thủ công... Tài nguyên thiên nhiên sẽ vẫn chỉ là điều kiện, tiềm năng nếu như không có nguồn lực tài chính và nguồn lực con người tương ứng, thích hợp để hấp thụ và phát huy các tính năng tiềm tàng. Cũng như vậy, vốn đầu tư sẽ không có ý nghĩa, không hiệu quả nếu như không có con người trí tuệ và môi trường thuận lợi. Chính sức mạnh của sự kết hợp các nguồn lực  là nguồn gốc sản sinh giá trị tăng thêm và là nguyên nhân đích thực của mọi thành công trong tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Nếu thiếu một trong các “mắt xích” nguồn lực nêu trên (trong đó nguồn lực con người là then chốt) thì khó có thể mong tới những thành tựu rực rỡ, hoặc có chăng cũng chỉ là những sự phát triển “què quặt”, có tính nhất thời và không bền vững. Sử dụng sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực là sức mạnh của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trong mỗi thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội nhất định.

2. Cần coi tiết kiệm là cội nguồn của sự phát triển bền vững. Thời gian qua chúng ta chưa thật sự chú trọng tiết kiệm cả về sức lao động (trong đó có chất xám), nguồn lực tài chính và tài nguyên thiên nhiên. Là một nước đang phát triển ở trình độ mới thoát nghèo nhưng chúng ta lại chưa có tỷ lệ tiết kiệm cao hợp lý nhằm không những tạo tiền đề cho quá trình tái sản xuất mở rộng mà còn là tiền đề cho sự tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng trong xã hội trong tương lai. Tiết kiệm là sự hy sinh tiêu dùng hiện tại, là sự “thắt lưng, buộc bụng” trong các chính sách tài chính vĩ mô nhưng tiết kiệm lại chính là tiền đề cho sự phát triển của sản xuất và tiêu dùng trong tương lai.

Trong thời gian khá dài, sự tăng trưởng kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn (phát triển thiên theo chiều rộng). Sự tăng trưởng vốn đóng góp tới 70,3% vào tăng trưởng GDP trong giai đoạn 1986-1988, đạt 63% giai đoạn 1997-1999, tăng lên 68% giai đoạn 2000-2007 và thậm chí đạt 84,1% vào năm 2009. Điều này khẳng định tầm quan trọng của nguồn lực tài chính, vốn đầu tư trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua.

Để tăng quy mô huy động nguồn lực tài chính quý hiếm của đất nước đòi hỏi trước hết phải thực hiện tiết kiệm trong sản xuất, lưu thông và trong tiêu dùng. Khi nhận thức này đã trở thành ý thức thường trực trong mọi tầng lớp dân cư, doanh nghiệp, của mọi cấp, mọi ngành thì bản thân ý thức đó sẽ được chuyển hoá thành nội lực, như một nguồn lực quý giá. Để làm được việc đó, đòi hỏi phải tạo ra một hệ thống cơ chế đa dạng để khuyến khích, động viên và thúc đẩy tiết kiệm trong nước, từ nội bộ nền kinh tế, coi đó là điều kiện tiên quyết, cơ sở cho sự phát triển ổn định và bền vững không chỉ trong thời kỳ “chống suy giảm kinh tế”, ngăn chặn sự trở lại của lạm phát mà ngay cả trong những điều kiện phát triển kinh tế xã hội năng động.

Tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế là nhân tố hết sức quan trọng trong việc tạo nguồn cho đầu tư phát triển. Kinh nghiệm của các nước đang phát triển cho thấy, tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế tỷ lệ thuận với tỷ lệ tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế. Ngoài việc bảo đảm cho nền kinh tế phát triển năng động, tiết kiệm từ nội bộ nền kinh tế còn góp phần khẳng định tính tự chủ, khắc phục sự phụ thuộc vào nền kinh tế nước ngoài, đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chủ trương xây dựng một nền kinh tế tự chủ trong giai đoạn hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, khi Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết của thành viên WTO. Trái ngược với mô hình tiết kiệm cho tăng trưởng là mô hình “kích cầu” nhằm tạo ra tổng cầu lớn hơn để kéo “tổng cung” với những chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách đầu tư mở rộng và chính sách kích thích tiêu dùng, thậm chí “dùng” trước “tiêu” sau. Mô hình tăng trưởng này có thể kéo theo hệ luỵ cho một nền kinh tế tăng trưởng nóng, lệ thuộc rất lớn vào bên ngoài, “nợ công” tăng cao, rất dễ xảy ra những cơn “chấn động mạnh” khi nền kinh tế thế giới suy thoái như giai đoạn hiện nay và phụ thuộc rất lớn vào chu kỳ khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu kéo theo các bất ổn về xã hội khó lường.

Tiết kiệm vừa là công cụ, giải pháp quan trọng, vừa là chính sách tài chính quốc gia để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính quý hiếm. Tiết kiệm là khởi nguồn cho việc tích luỹ và tích tụ vốn. Thực hành tiết kiệm cần được thực hiện trong tất cả các khâu từ đầu tư, sản xuất kinh doanh, tín dụng và tiêu dùng trong mọi lĩnh vực (Nhà nước, doanh nghiệp và dân cư). Tỷ lệ tiết kiệm của chúng ta còn khá thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 30-35% GDP giai đoạn 2002-2008.  Chúng ta cần phấn đấu đưa tỷ lệ tiết kiệm trong nước bình quân trong thời kỳ đạt 35-40% so với 17-18% thời kỳ 1991-2000 (tỷ lệ này của Nhật bản trong những năm 1960 là 39,7%, của Đài Loan trong những năm 1980 là 34%, của Trung Quốc được coi là lớn nhất thế giới trong các nền kinh tế lớn, đạt 50%, Mỹ chỉ đạt khoảng 10%).

Cần thấy rằng, với sự tương đồng về điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa mà Việt Nam cần duy trì mức tiết kiệm cao hơn, thiên về xây dựng một nền kinh tế tự chủ, hơn là thiên về tiêu dùng như đối với nền kinh tế Mỹ. Việc đòi hỏi chính sách tiết kiệm hợp lý được giải thích không chỉ bởi biểu đồ dân số thiên về nhóm lao động có độ tuổi trẻ (độ tuổi cần phải tiết kiệm), hay cần cho những khoản chi tiêu lớn trong cuộc đời như: cưới, mua nhà, giáo dục của con cái và các món hàng sử dụng lâu dài, hay cần tiết kiệm để chi các dịch vụ y tế hoặc về hưu, mà quan trọng hơn là yếu tố tâm lý không muốn “mắc nợ” (một trong 4 cái sợ nhất của người Việt) và đặc biệt là cần tiết kiệm để lo cho tương lai, thế hệ tương lai, mà “tương lai” thì luôn luôn tiềm ẩn sự không chắc chắn. Tiết kiệm cao sẽ tạo cơ sở vững chắc cho sự tăng trưởng bền vững, cho sự ổn định trong xã hội.

Chính sách tiết kiệm của chúng ta phải thực sự đi vào đời sống xã hội, mọi tầng lớp dân cư, mọi thành phần kinh tế trên cơ sở đảm bảo sự ổn định, cải thiện và từng bước nâng cao dần đời sống nhân dân thông qua hệ thống chính sách khuyến khích, dự luận xã hội lành mạnh và các thể chế bắt buộc tiết kiệm chi tiêu ngân sách cũng như trong toàn xã hội. Tỷ lệ tiết kiệm có thể sẽ giảm dần cùng với sự gia tăng quy mô của nền kinh tế và sự phát triển của cơ sở hạ tầng kinh tế-kỹ thuật.

          Dưới góc nhìn vi mô từ phía các doanh nghiệp, hộ gia đình thì tiết kiệm chính là việc đưa ra khỏi chu trình sản xuất, tái sản xuất xã hội một lượng nguồn lực mà thực chất nguồn lực này chưa có điều kiện phát huy hiệu quả cao nhất. Trong tương lai, với lượng vốn lớn hơn, sử dụng hiệu quả hơn sẽ giúp cho các hộ gia đình cải thiện tốt hơn đời sống cho bản thân và cho xã hội. Nếu nhìn dưới giác độ vĩ mô nền kinh tế thì tiết kiệm chính là quá trình tích luỹ, luân chuyển, phân phối và phân bổ nguồn lực từ chỗ kém hiệu quả sang chỗ có hiệu quả cao hơn và đương nhiên khi nguồn lực này không được đưa vào sản xuất mà đưa vào quá trình tiêu dùng thì hiệu quả sử dụng dưới góc độ vĩ mô là thấp nhất. Như vậy, không có tiết kiệm (kể cả tiết kiệm ngoài nước) thì không thể có sự tích tụ vốn cho sự phát triển về chất, với trình độ quy mô lớn hơn của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong giai đoạn kiến thiết, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế-xã hội đất nước hiện nay.

3. Cần phát huy sức mạnh của nguồn lực tài chính khi quy mô còn khá mỏng. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tiềm năng vốn đầu tư trong dân cư còn rất lớn, vào khoảng trên 12 tỷ USD. Nguồn lực tài chính này phần lớn bị “đóng băng” hoặc đang được sử dụng kém hiệu quả, chủ yếu (trên 40%) dùng để mua vàng và ngoại tệ, nhà đất và các điều kiện cải thiện sinh hoạt, trên 15% gửi tiết kiệm mà chủ yếu là tiết kiệm ngắn hạn và chỉ có gần 20% sử dụng trực tiếp cho đầu tư phát triển.

Giai đoạn 1997-2000,  mặc dù nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển vẫn liên tục tăng nhưng hiệu quả sử dụng nguồn vốn thấp đã dẫn đến sự giảm sút về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) từ 9,5% năm 1995 xuống 5,8% năm 1998, 4,8% năm 1999 và 6,5% năm 2000. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm kéo theo sự gia tăng của hệ số ICOR đã khẳng định hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển trong nước còn thấp. Hệ số ICOR trong giai đoạn 1995-2000 gia tăng nhanh từ 3,1 năm 1996 lên 4,7 năm 1998, 5,4 năm 1999 và 4,16 năm 2000. Tuy nhiên, do việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố vốn nên ICOR giai đoạn 2001-2011 đã có xu hướng tăng nhanh, đạt 4,9 năm 2001 lên đến 5,3 năm 2008; 8,1 năm 2009 và 6,12 năm 2010, tức là để tăng trưởng 1 đồng GDP thì vốn đầu tư phát triển phải là 6-8 đồng. Mức này cao hơn nhiều so với giai đoạn trước năm 2000.

 Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, việc sử dụng chúng có hiệu quả mới có vai trò quyết định. Giả định với nguồn vốn đầu tư huy động được trong thời gian vừa qua được sử dụng có hiệu quả, giảm hệ số ICOR xuống mức bằng năm 2006 thì tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta đã có thẻ cao hơn gấp 1,5-2 lần so với thực tế.

Chú trọng phát huy nội lực, huy động các nguồn lực trong nước cho đầu tư phát triển bằng 30-35% GDP, đồng thời tranh thủ tốt nguồn vốn nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc “xốc lại” nền kinh tế đang trong quá trình tái cơ cấu, mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công. Việc phát huy tốt nội lực khẳng định chính sách phát triển kinh tế-xã hội đúng đắn, chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tạo điều kiện để hấp thụ và phát huy tốt hơn nguồn ngoại lực mà còn là yếu tố quan trọng trong việc thu hút, hấp dẫn và hấp thụ nguồn vốn nước ngoài. Phát huy nội lực sẽ góp phần giảm đáng kể những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài, từ những quốc gia, các nền kinh tế đang chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Để phát huy tốt nhất nguồn lực tài chính trong giai đoạn tới cần có nhiều giải pháp đồng bộ như: thực hiện triệt để tiết kiệm trong đầu tư, xây dựng, sản xuất và tiêu dùng nhằm tăng tích luỹ; thực hiện tiết kiệm và phải kết hợp chặt chẽ với chống tham nhũng, lãng phí; nhanh chóng phát triển đầy đủ và hiệu quả các định chế thị trường, đặc biệt là thị trường vốn đảm bảo cho các loại nguồn lực được lưu thông dễ dàng, thuận lợi. Chính sách lãi suất phải hợp lý, bảo đảm hài hoà lợi ích của người sở hữu, người sử dụng nguồn lực và chính sách tín dụng-tiền tệ quốc gia;  nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách huy động vốn và sử dụng vốn ODA trong các lĩnh vực sao cho phù hợp với điều kiện và năng lực quản lý và thực hiện của phía Việt Nam; thực hiện hỗ trợ các nhà tư vấn, nhà thầu của Việt Nam tham gia được nhiều hơn vào các dự án sử dụng vốn ODA cho vay lại; Nhà nước xây dựng chiến lược huy động và sử dụng vốn ODA gắn với quy hoạch phát triển chung, tuân thủ chiến lược và cụ thể hoá chiến lược phát triển dài hạn, bước đi trong từng thời kỳ. Đối với vốn FDI cần phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ sau khi cấp phép, bảo đảm việc thực hiện sử dụng nguồn vốn này theo đúng mục tiêu đề ra trên cơ sở tạo môi trường thuận lợi cho nền kinh tế trong nước phát triển nhanh chóng, giải quyết việc làm cho người lao động. Xây dựng, điều chỉnh, công bố công khai các quy hoạch phát triển: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội các vùng, các tỉnh, các thành phố; quy hoạch phát triển các ngành kinh tế, xã hội; quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn. Các quy hoạch phát triển phải vừa bám sát các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, xã hội, vị trí địa lya và phù hợp với các giải pháp tài chính làm cơ sở phát huy hiệu quả các nguồn lực.

Phát huy hình thức đa dạng, đan xen lợi ích, kết hợp hài hoà lợi ích, ưu tiên lợi ích của Nhà nước và xã hội; cần có chính sách khuyến khích đầu tưu đối với các khu vực, các mục tiêu và các đối tượng tham gia đầu tư. Kinh tế ngoài quốc doanh là khu vực hấp thụ chính nguồn tiết kiệm ngày càng tăng của các tầng lớp dân cư. Nếu khu vực này không phát triển mạnh mẽ (kể cả số lượng và quy mô của doanh nghiệp) thì sẽ vẫn cứ tồn tại nghịch lý hiện nay là: tiềm năng nguồn lực tài chính quý hiếm trong dân cư vẫn còn, trong khi nền kinh tế vẫn không thể huy động được do thiếu cơ chế hấp thụ nguồn lực một cách hữu hiệu và phân bổ hiệu quả.

4. Nhận thức đúng đắn về việc sức mạnh của các nguồn lực tự nhiên trong tăng trưởng đang yếu dần. Nguồn lực tự nhiên của nước ta bao gồm tài nguyên đất (với 33 triệu ha, xếp thứ 55/200 nước trên thế giới, trong đó đất đang sử dụng chiếm 68,83% và đất chưa sử dụng chiếm 33,04%, được xếp vào một trong những quốc gia hiếm đất có diện tích bình quân trên đầu người thấp nhất thế giới 0,3 ha/người); tài nguyên rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Năm 1943 có 14 triệu ha chiếm 43% diện tích tự nhiên; năm 1976 còn 11 triệu ha, chiếm 34%; năm 1985 có 9,3 triệu ha chiếm 30%; năm 1995 có 8 triệu ha chiếm 28%. Hiện nay đất rừng quy hoạch là 19 triệu ha trong đó rừng giàu chiếm 11%, rừng trung bình chiếm 33% và rừng nghèo chiếm 56%. Tổng diện tích đất dành cho trồng lúa đã đạt mức cao nhất từ năm 1993 là 4,1-4,2 triệu ha); tài nguyên nước (gần ½ dân số đô thị được cấp nước, và 32% dân số nông thôn được cấp nước sạch; nước đang có xu hướng cạn kiệt do nhu cầu sử dụng cao, chưa có nhận thức đúng đắn về tài nguyên nước và bất hợp lý trong công tác quản lý; đặc biệt sự phân bổ lượng nước trong mùa khô chỉ chiếm 20-30% lượng nước cả năm. Mỗi năm cả nước sử dụng hơn 80 tỷ m3 nước); tài nguyên khoáng sản (rắn, lỏng, khí); tài nguyên năng lượng (năng lượng hóa thạch và năng lượng tái tạo) và tài nguyên khí hậu (khí hậu nông nghiệp, khí hậu y học, khí hậu xây dựng, khí hậu thương mại...) và tài nguyên biển với 3.200 km bờ biển.

Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta đang bị khai thác quá mức, tình trạng sử dụng đất tăng mạnh, tài nguyên nước ngày càng bị lạm dụng, rừng tự nhiên bị khai thác lấy gỗ, trữ lượng cá cho hoạt động đánh bắt bị cạn kiệt và tài nguyên khoáng sản ngày càng bị khai thác nhiều hơn, kém hiệu quả... Trong xã hội tương lai, nguồn tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia sẽ dần cạn kiệt, đến lúc chúng ta phải nghiên cứu, đi tìm những nguồn tài nguyên mới, không có sẵn trong tự nhiên. Nguồn lực tự nhiên ngày càng đóng vai trò ít quan trọng hơn trong sự phát triển kinh tế-xã hội. Vai trò của nguồn lực tự nhiên từ chỗ là thành phân cơ bản và động lực phát triển quan trọng trong các hình thái kinh tế-xã hội trước kia thì nay sẽ chỉ còn là nguồn lực mang tính hỗ trợ cho các nguồn lực khác phát huy vai trò và hiệu quả. Trước đây trồng trọt và săn bắn chủ yếu dựa vào điều kiện và nguồn tài nguyên tự nhiên thì với sự phát triển khoa học công nghệ hiện nay, lao động của con người mà chủ yếu là lao động sáng tạo đã chiếm vị trí và thành phần quan trọng trong cấu thành giá trị của các sản phẩm công nghệ cao như phần mềm, dịch vụ điện tử, sản phẩm công nghệ số…Điều kiện thiên nhiên đang thay đổi vai trò đối với cuộc sống con người từ chỗ là cấu thành quan trọng trong sản xuất đang trở thành cấu thành không thể thiếu trong đời sống, chuỗi thức ăn và cân bằng sinh thái cho môi trường sống của con người giá trị vật chất.

Nếu xét về giá trị vật chất, nguồn tài nguyên thiên nhiên dường như đang mất dần vị trí, tuy nhiên nếu xét theo giá trị cuộc sống thì môi trường tự nhiên bị phá huỷ có thể sẽ “xoá sạch” tất cả những giá trị do con người cùng các nguồn tài nguyên khác tạo thành, như: ô nhiễm môi trường, nước biển dâng, thiên tai... Để sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đòi hỏi chúng ta phải sớm ý thức được sự cạn kiệt, sự mất cân bằng sinh thái nhằm tiết kiệm và nâng cao tối đa hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất của cải, vật chất. Trong tương lai nguồn lực tự nhiên cần được sử dụng chủ yếu để đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống, nhu cầu tinh thần và sự phát triển toàn diện của con người.

5. Phải đặc biệt coi trọng nguồn lực con người, coi “Con người” là nguồn lực đặc biệt quý hiếm trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh tiềm tàng, ổn định mà khó có một đất nước, quốc gia, dân tộc khác nào có được chính là con người với đầy đủ các đặc tính, kỹ năng, phẩm chất, phong tục và bản sắc văn hoá. Con người Việt Nam vốn năng động, thích ứng nhanh với hoàn cảnh. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì ngay từ thời kỳ đầu đổi mới, Việt Nam đã có tỷ lệ biết đọc, biết viết, tuổi thọ và kết quả giáo dục cao hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác có bình quân thu nhập đầu người tương tự. Nguồn lực con người còn đi đôi với nhiệt huyết, sức trẻ, kỹ năng kinh doanh và chất lượng nguồn nhân lực. Những lợi thế về sức lao động rẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiêu dồi dào, cơ chế, điều kiện pháp lý thông thoáng…chỉ mang tính chất tạm thời và ngắn hạn. Thực tế, Trung Quốc không những sử dụng nhân công giá rẻ mà còn kết hợp giữa giá thành rẻ và chất lượng bảo đảm và mẫu mã phong phú, da dạng dẫn đến năng suất lao động tăng nhanh chóng.

Yếu tố con người trong tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa qua đã có những đóng góp đáng kể, cả về số lượng lẫn chất lượng. Số liệu thống kê cho thấy, mức tăng trưởng (số lượng) lao động đã đóng góp tới 41,7% vào tăng trưởng GDP trong giai đoạn 1986-1988, đạt 21% trong giai đoạn 1997-1999, tăng lên 18% giai đoạn 2000-2007 và tăng lên 28,5% vào năm 2009. Trong khi đó yếu tố năng suất lao động (năng suất nhân tố tổng hợp TFP) đạt mức cao nhất 49,5% giai đoạn 1989-1996, giảm xuống 14% giai đoạn 2000-2007, thậm chí giảm xuống -8,3% (năm 2008) và -12,6% (năm 2009).

Trong thời kỳ cách mạng khoa học kỹ thuật, sự đột phá vào các lĩnh vực khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin, sự xuất hiện các vật liệu mới, công nghệ số…làm ngắn lại chu kỳ sống của các sản phẩm, cùng với đó là sự “san phẳng” những sự khác biệt, những lợi thế tuyệt đối cũng như so sánh của từng đất nước, quốc gia, vùng lãnh thủ. Việc sản xuất các sản phẩm có tính cạnh tranh cao cũng không còn là sự khác biệt và “ưu ái” cho quốc gia nào đó trong nền kinh tế hội nhập quốc tế hiện nay.

Việt Nam là một nước đông dân, có nhiều thành phần dân tộc, đứng hàng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á và hàng thứ 13 trong tổng số hơn 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Dân số là một nguồn lực quan trọng để phát triển nền kinh tế với nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Dân số trẻ nên lực lượng lao động của nước ta chiếm khoảng 50% tổng số dân. Lực lượng lao động của Việt Nam có khả năng tiếp thu nhanh các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Nếu được đào tạo và sử dụng hợp lí, họ sẽ trở thành nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.

Chính tỷ lệ tiết kiệm cao kết hợp với đầu tư mạnh mẽ của chính phủ vào giáo dục đã tạo nên sự tăng trưởng thần kỳ của các nước Đông á trong giai đoạn những năm 60 của thế kỷ vừa qua. Nhận thức được việc xoá bỏ khoảng cách giàu nghèo, hạn chế bất bình đẳng  chính là việc xoá bỏ khoảng cách về tri thức và công nghệ trên cơ sở xây dựng chính sách giáo dục và đầu tư hợp lý tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và tăng trưởng.

Yếu tố con người đã và đang tiếp tục được quan tâm thích đáng hơn, thể hiện sự giai tăng liên tục của chỉ số phát triển con người. Mặc dù có sự gia tăng đều đặn (năm 1990 là 0,435; năm 2000 là 0,528; năm 2010 là 0,59 và năm 2011 là 0,593) nhưng cho đến năm 2011, nhưng Việt nam vẫn xếp thứ 128/187 quốc gia được đánh giá. Chỉ báo về tuổi thọ (0,870) có đóng góp rất lớn, cao hơn hẳn so với chỉ báo về giáo dục (0,503) và thu nhập (0,478) đối với kết quả HDI của Việt Nam hiện. Mặc dù vậy, có thể  khẳng định rằng Chỉ số phát triển con người – chỉ số quan trọng đánh giá mức độ phát triển con người và yếu tố con người trong tăng trưởng của Việt Nam còn chưa thỏa đáng và còn nhiều cơ hội để cải thiện và nâng cao trong giai đoạn tới.

Nếu như trong những năm 90, Tăng trưởng của Việt Nam đạt được nhờ tăng năng suất lao động chiếm tới 40-60% thì trong những năm 2000 con số này chỉ còn 15%  và tiếp tục có xu hướng chững lại nếu như chúng ta không có mô hình tăng trưởng mới dựa trên hiệu quả, năng suất lao động thay vì mô hình thâm dụng vốn.

Thực tế đã chứng minh rất rõ, rằng lợi thế về sức lao động rẻ của các nước đang phát triển (trong đó có nước ta) đang mất đi nhanh chóng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt đối với các quốc gia có sự tăng trưởng và phát triển kinh tế năng động. Vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ có đầu tư phát triển con người mới là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển và là định hướng phát triển duy trì lâu bền lợi thế so sánh của dân tộc này so với dân tộc khác và bảo đảm cho sự phát triển năng động, bền vững. Những nét văn hoá của dân tộc có thể bị pha trộn, các dân tộc khác nhau có thể sống cùng nhau nhưng bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc khó có thể bị mất đi làm cho sự khác biệt về văn hoá giữa các dân tộc là không thể xoá nhoà. Những thói quen, sở thích, những suy nghĩ và phương pháp xử lý các vấn đề khác nhau, sự khác nhau giữa các quan niệm của Phương Đông và Phương Tây…chính là những chỗ “không thể phẳng của thế giới”.

Đầu tư phát triển con người phải là vấn đề ưu tiên ngay trong giai đoạn trước mắt và dài hạn để tạo ra được những “con người kinh tế”, “con người văn hoá” riêng có. Đất nước có tiềm năng con người hùng mạnh là cơ sở phát huy mọi tiềm năng về của cải, vật chất, phi vật chất trong xã hội, là nền tảng cho sự phát triển “khác biệt”. Chính “con người kinh tế” sẽ hấp dẫn, lôi kéo, tranh thủ các nguồn lực khác, sẽ hấp thụ có hiệu quả các nguồn lực quý hiếm trong xã hội.

 

Tất cả các chi phí cho giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ…phục vụ cho phát triển con người phải được coi là nguồn đầu tư phát triển hiệu quả nhất, bền vững nhất; đồng thời đòi hỏi cơ chế quản lý năng động, mang tính đặc thù. Một mặt, đây là những chi phí mang tính tiêu dùng trong xã hội, mặt khác, chi phí đó lại phục vụ quá trình tái đầu tư sức lao động, hoàn thiện và phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Chi phí đầu tư phát triển con người là chi phí rất lớn và cơ cấu chi phí lại hết sức phức tạp. Do đó việc quản lý nguồn vốn này cần hết sức linh hoạt, năng động trên cơ sở chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học…Cần xây dựng cơ chế, tạo dựng dư luận xã hội lành mạnh, chủ động khuyến khích mọi người tự hoàn thiện mình, tự đào tạo và đào tạo lại với sự giúp đỡ, hỗ trợ cần thiết, mang tính định hướng từ phía Nhà nước. Hình thành cơ chế khuyến khích nhân tài thật sự nhằm tạo lập và giữ chân những người giỏi hoạt động trong xã hội.

Trong giai đoạn đầu phát triển, có thể tận dụng nguồn tài nguyên con người bằng cách sử dụng có hiệu quả nguồn lực sẵn có; khuyến khích mạnh mẽ việc đào tạo tay nghề chuyên môn, công nhân lành nghề. Trước mắt, khi nền kinh tế chưa hấp thụ hết nguồn nhân lực này, có thể nghiên cứu thúc đẩy xuất khẩu lao động ra nước ngoài, xuất khẩu tại chỗ, nhất là đối với lực lượng lao động có trình độ, tay nghề chuyên môn cao và có hàm lượng chất xám cao. Hình thành cơ chế quản lý và sử dụng nguồn lực con người có tính đến các đặc thù riêng biệt của từng ngành, từng vùng, tránh những lãng phí, sử dụng nguồn lực quý hiếm của đất nước sai mục đích và kém hiệu quả.

6. Thay lời kết. Từ những phân tích trên có thể đi đến kết luận, rằng các nguồn lực cho đầu tư phát triển ở nước ta hiện nay đã thật sự trở thành quý và hiếm. Việc nhận thức đúng đắn để có những giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực quý hiếm có ý nghĩa sống còn đối với một nền kinh tế tăng trưởng năng động và bền vững. Để bảo đảm được những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đất nước một cách khả quan trong giai đoạn tới cần đánh giá đúng mức và phát huy tốt nhất các nguồn lực trong mối quan hệ khăng khít giữa chúng nhằm khai thác tốt nhất sức mạnh tổng hợp các nguồn lực trong đó đặc biệt chú trọng nguồn tài nguyên quý hiếm “con người Việt Nam” - tài năng, trí tuệ của dòng dõi Con Rồng Cháu Tiên. Trong tương lai, nguồn lực con người sẽ ngày càng phát huy được sức mạnh vượt trội đóng góp vào tăng trưởng kinh kế, đồng thời chính yếu tố con người lại chính là mục đích cho các chiến lược tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều này khẳng định tính khoa học trong việc xác định các thành tố cơ bản nhất trong xây dựng đất nước và phát triển kinh tế, gồm 2 thành tố quan trọng “độc lập dân tộc” và “con người Việt Nam”, trong đó “con người” là thành tố có tính quyết định./.

TS. Phạm Văn Bốn

(*) Trung tâm ĐT & NCKH - NHPT

 

.
.
.
.