.
.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

Thứ Hai, 25/03/2013|15:22

 

Một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường


Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm

 

Theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt 7 nhiệm vụ, giải pháp: 1- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng thẩm định yêu cầu bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển; 2- Chú trọng bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; 3- Tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề; 4- Chỉ đạo quyết liệt, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn và các lưu vực sông; 5- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu; 6- Ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái của các hệ sinh thái, suy giảm các loài; 7- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Nghị quyết yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng; thực hiện tốt việc công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ dịch hại, phân bón, thức ăn chăn nuôi; có biện pháp cụ thể nhằm tập trung xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn khu vực nông thôn và hoạt động chăn nuôi tập trung gây ra.

Cơ quan chức năng chỉ đạo quyết liệt, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn và các lưu vực sông. Trong đó, kiểm soát có hiệu quả nguồn thải của các phương tiện giao thông vận tải theo tiêu chuẩn đã được ban hành; có chính sách khuyến khích các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm.

Phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu tổng quát nhằm xây dựng và phát triển một hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu về cơ bản các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp để thúc đẩy hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển, đồng thời để quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò và năng lực quản lý Nhà nước về kế toán, kiểm toán, đẩy mạnh quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán; kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về kế toán, kiểm toán cũng như hoạt động hành nghề kế toán, kiểm toán; đồng thời với việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán nhằm thúc đẩy quản lý nghề nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.

Một trong các giải pháp thực hiện Chiến lược là xây dựng, ban hành chuẩn mực kế toán và kiểm toán của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.
Cụ thể, đối với lĩnh vực kế toán, cập nhật và xây dựng mới các chuẩn mực kế toán doanh nghiệp. Trong đó giai đoạn 2012 - 2015 hoàn thành cập nhật 26 chuẩn mực kế toán đã ban hành; giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng và ban hành đầy đủ các chuẩn mực kế toán còn lại, đồng thời xem xét hướng dẫn việc áp dụng chuẩn mực đối với các doanh nghiệp hoạt động đặc thù.

Đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập, đánh giá việc áp dụng 37 chuẩn mực kiểm toán mới (ban hành thực thi từ năm 2013); trong giai đoạn 2013 - 2015 nghiên cứu cập nhật bổ sung các chuẩn mực kế toán còn lại; giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục cập nhật chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức

Bộ Nội vụ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo sự tương thích với các Đề án liên quan khác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 117/TB-VPCP về việc xây dựng Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo đó, cần mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng trong toàn bộ khối cán bộ, công chức ở tất cả các cấp của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Chưa đặt vấn đề tinh giản đội ngũ viên chức trong Đề án.

Mục tiêu của Đề án cần tập trung vào việc tinh giản để có một đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực cao, hoạt động hiệu quả, cơ cấu hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trực tiếp phục vụ mục tiêu tinh giản biên chế gắn với đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ quan, tổ chức; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; gắn công tác tuyển dụng với tinh giản biên chế. Làm rõ nguyên nhân của những bất cập trước đây để có giải pháp khả thi, hữu hiệu.

Phê duyệt Quy hoạch cấp nước Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ đã  phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch đến năm 2020 đối với đô thị trung tâm  nội đô đạt 100% (một số khu vực phát triển mới thành lập từ huyện tỷ lệ đạt 95 - 100%); đối với các đô thị vệ tinh đạt 90 - 95%; đối với đô thị sinh thái đạt 85 - 90%. Giai đoạn đến năm 2030, đối với các đô thị trung tâm là 100%; đối với các đô thị vệ tinh đạt 100% và đối với đô thị sinh thái đạt 95 - 100%; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2020 đạt 22 - 27%; đến năm 2030 đạt dưới 20%.

Theo Quy hoạch, Hà Nội có 24 nhà máy nước mặt và nước ngầm, trong đó có 3 nhà máy nước mặt là Nhà máy nước Sông Đà; nhà máy nước Sông Hồng; nhà máy nước Sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội) với tổng công suất đến năm 2020 là 1.140.000 m3/ngày đêm. Trong 21 nhà máy nước ngầm có 11 nhà máy ở khu trung tâm (8 quận nội thành cũ) như: Nhà máy nước Yên Phụ; Ngô Sỹ Liên; Lương Yên; Ngọc Hà;... Ngoài ra có 2 nhà máy nước ngầm ở khu vực Vành đai 3-4, phía Nam sông Hồng; 2 nhà máy ở khu vực phía Sơn Tây. Còn khu vực phía Bắc và phía Đông Hà Nội mỗi khu vực có 3 nhà máy nước ngầm.Tổng công suất các nhà máy nước ngầm đến năm 2020 là 623.500 m3/ngày đêm.

Khái toán kinh phí đầu tư thực hiện Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 khoảng 72.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020, đầu tư các nhà máy nước ngầm, Nhà máy nước Sông Hồng, Nhà máy nước Sông Đuống giai đoạn I và II, Nhà máy nước Sông Đà giai đoạn II và mạng lưới đường ống cấp nước khoảng 50.000 tỷ đồng.

Tập trung kiểm tra, giám sát lưu hành vi rút cúm đối với gia cầm

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung kiểm tra, giám sát lưu hành vi rút cúm, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm tại các nơi tập kết, trung chuyển và buôn bán gia cầm và thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định chỉ tiêu hormone sinh dục, kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm, thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục làm việc với các chủ đường dây vận chuyển gia cầm nhập khẩu trái phép của các tỉnh, thành phố trọng điểm phía Bắc yêu cầu ký cam kết và thực hiện không vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả cụ thể trước ngày 30/3/2013.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương nắm chắc tình hình phòng ngừa và ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép, báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trước ngày 27 hàng tháng. Đồng thời, hoàn thành việc ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện các quy định về xử lý vi phạm hành chính phục vụ công tác đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép trước ngày 30/3/2013.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thành Đề án truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3/2013.

Triển khai "Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm" năm 2013

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động và triển khai "Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm" năm 2013.

Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2013  sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến  ngày 15/5/2013.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ tiêu trên 80% chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đông người ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động này.

Đồng thời, Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3/2013.

Bộ Y tế có giải pháp khắc phục cơ bản tình trạng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể: phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho tập thể, đặc biệt là đối với các cơ sở, doanh nghiệp có bếp ăn đông người (có thể từ 100 suất ăn trở lên).

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y  tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các chủ doanh nghiệp đánh giá tình hình thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại bếp ăn của doanh nghiệp mình, ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, gửi Sở Y tế địa phương để kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.