.
.

Góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi:

Thu hồi đất cho dự án kinh tế-xã hội: Cần “trưng mua”

Thứ Hai, 11/03/2013|21:39

 

Đất đai hiện là vấn đề nóng và được nhiều người quan tâm. Cũng có lẽ vì thế, những quy định về đất đai trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi luôn là sự ưu tiên hàng đầu của các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân.


Theo nhiều ý kiến, đối với những dự án phát triển kinh tế-xã hội, thì phải thực hiện việc trưng mua
Theo nhiều ý kiến, đối với những dự án phát triển kinh tế-xã hội, thì phải thực hiện việc trưng mua

 

Ở nước ta, Hiến pháp 1980, 1992 đều khẳng định chế độ kinh tế dựa trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong lần sửa đổi Hiến pháp này, điều này tiếp tục được khẳng định.

 

 Trong Điều 57, Chương III, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”.

Trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị đóng góp sửa đổi Hiến pháp được tổ chức trong thời gian vừa qua, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn sở hữu đất đai, nhưng phần lớn ý kiến cơ bản đồng tình với những nội dung trong dự thảo Hiến pháp, đồng thời nhấn mạnh: Việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta là tất yếu.

Các nhà khoa học cho rằng, chế độ toàn dân đối với tư liệu sản xuất, đất đai được xem là một trong những tiêu chí để phân biệt và đồng thời cũng thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội so với các chế độ khác.

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai đã góp phần đáng kể trong tạo việc làm, cải thiện mức sống cho đông đảo nhân dân; đã tạo động lực giải phóng mạnh mẽ sức lao động của hàng chục triệu nông dân, thúc đẩy thị trường hàng hóa nông sản phát triển, đưa Việt Nam từ chỗ khủng hoảng thiếu lương thực trầm trọng trở thành quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo và nhiều loại nông sản khác… Sở hữu toàn dân về đất đai tạo điều kiện để những người lao động có điều kiện tiếp cận đất đai tự do.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến cho rằng, nếu Hiến pháp không quy định chặt chẽ về quyền giao đất và quả lý đất sẽ dẫn đến việc đất đai bị sử dụng không đúng mục đích như thời gian vừa qua, dẫn đến khiếu kiện của người dân kéo dài.  

Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong thời gian qua nhiều địa phương lấy quá nhiều đất trồng lúa, phảilên tới hàng chục vạn ha đất để chuyển sang mục đích khác. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung quy định cần thiết nhất là về quyền hạn giao đất và quản lí đất đai. “Quy định rõ, lấy từ 1 ha đất trồng lúa phải xin ý kiến Thủ tướng, trên 10 ha phải xin ý kiến Quốc hội… Tùy thực tế, nhưng tinh thần là phải thể hiện rõ là đất trồng lúa được bảo vệ nghiêm ngặt, không chỉ cho chúng ta mà con cháu chúng ta”- ông Vũ Mão nói.

Lấy đất cho dự án kinh tế-xã hội: Nên “trưng mua”

Ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch MTTQ tỉnh Long An thì cho biết, trong các cuộc tổ chức lấy ý kiến người dân trong tỉnh, các ý kiến cũng đề nghị dự thảo Hiến pháp nêu quy định rõ trong những trường hợp thật cần thiết, vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật. Đối với những dự án phát triển kinh tế-xã hội, thì Nhà nước phải thực hiện việc trưng mua. “Việc thực hiện trưng mua nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân đối với đất đai thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình” – ông Võ Lê Tuấn nói.

Theo Thạc sĩ Trần Tuyết Nhung, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Khoản 3, Điều 58 nên tách khoản này ra làm 2 nhóm và quy định ở 2 khoản khác nhau như: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh”.  Đồng thời bổ sung quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo thỏa thuận giá thị trường trong trường hợp thật cần thiết vì lý do thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo Thạc sĩ Trần Tuyết Nhung cho rằng, việc quy định như trên sẽ giúp người bị thu hồi thấy dễ hiểu, dễ thực hiện tránh hiểu lầm dẫn đến tình trạng kiếu kiện kéo dài như hiện nay.


Ông Lương Văn Lai
Ông Lương Văn Lai

 

Ông Lương Văn Lai, Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam cho rằng, Điều 58 của Hiến pháp sửa đổi được bà con tỉnh Quảng Nam rất đồng tình với quy định “Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. Có được quyền tài sản thì quyền và lợi ích của nhân dân trên đất đai mới được bảo đảm.

“Tuy nhiên, trong phần nói về thu hồi đất, thì bản thân nội dung này lại mâu thuẫn. Tôi rất thống nhất trong trường hợp thật cần thiết thì có thể thu hồi đất, nhưng việc diễn giải lý do lấy đất cho quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội… thì tất cả mọi trường hợp đều có thể thu hồi đất. Theo tôi, chỉ nên quy định “thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh còn các trường hợp khác phải trưng mua, phải thỏa thuận và đặt lợi ích của nhân dân lên trên. Nếu không thì 70% khiếu kiện về đất không những giảm đi mà còn tăng lên. Trong khi đó, một trong những yêu cầu sửa đổi Hiến pháp lần này là làm cho xã hội ổn định”- Ông Lương Văn Lai nói.

Trả lời báo chí bên lề hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do HĐND TP Hà Nội tổ chức mới đây, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho rằng, “có ý kiến nói rằng nếu để vế “thu hồi đất phát triển các dự án kinh tế - xã hội” sẽ dẫn đến mở rộng quá quyền thu hồi đất của các cơ quan Nhà nước và có thể xâm phạm đến quyền sử dụng đất của người dân. Thậm chí có thể xảy ra tình trạng thu hồi đất tùy tiện ở chỗ này, chỗ khác. Tôi cho rằng, đây là những ý kiến phải ghi nhận để xem xét trong khi trình ra Quốc hội. Đây cũng là vấn đề cần cân nhắc. Quốc hội sẽ quyết định phương án lựa chọn”./.

Minh Hòa/VOV online

 

.
.
.
.