.
.

Xử lý nợ xấu mới chú ý làm sạch báo cáo tài chính?

Thứ Hai, 08/04/2013|15:38

 

Nhìn lại một năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tham luận của TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2013, đánh giá rằng, tuy đã có những khởi đầu quan trọng, nhưng nền kinh tế chưa có động lực mới.


TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung

 

Nhiều giải pháp chỉ xử lý vấn đề “ngọn”…

Về việc hỗ trợ, “cứu” doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho, kể cả tồn kho bất động sản thời gian qua, theo đánh giá của TS Cung, không phải là giải pháp chính sách trong nội dung tái cơ cấu kinh tế, nhưng có liên quan đến thực thi các chính sách tái cơ cấu kinh tế. Các giải pháp tập trung vào tạm thời giảm chi phí tài chính cho một số nhóm doanh nghiệp (giãn hay hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất, giảm lãi suất…), tăng thêm cầu, mở rộng thêm tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho kinh doanh bất động sản, cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội; tăng và đẩy nhanh giải ngân đầu tư bằng vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ; cơ cấu lại nguồn cung và tăng cầu mua nhà thu nhập thấp… 

Bản chất các giải pháp nhóm nêu trên, TS Cung cho là nhằm vào giải quyết khó khăn phát sinh từ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/1/2011 về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; và các giải pháp nói trên không khác nhiều về bản chất so với nhiều giải pháp đã thực hiện trước năm 2011, góp phần làm bất ổn vĩ mô và đẩy lạm phát lên cao.

TS Nguyễn Đình Cung còn cho rằng, về cơ bản, các giải pháp trên mới chỉ xử lý vấn đề “ngọn”, không phải vấn đề gốc. Cách làm vẫn “Nhà nước dẫn dắt”, “quan chức nhà nước dẫn dắt”, vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp chứ không phải toàn nền kinh tế. Cách làm vẫn thiên về hành chính, hơn là thị trường, không thấy động lực mới, không thấy “hy sinh, đánh đổi”, không thấy cạnh tranh, không thấy trách nhiệm giải trình buộc những doanh nghiệp, nhà đầu tư có sai lầm phải trả giá cho những sai lầm đó của họ,…

Đặc biệt, theo TS Cung, “các giải pháp này sẽ không thành công như mong đợi cả về ngắn hạn và dài hạn; mà ngược lại, có thể chỉ kéo dài thêm tình trạng trì trệ của doanh nghiệp, của nền kinh tế; không tạo cơ hội sáng tạo, chuyển tài sản chết thành “vốn sống và lưu chuyển, làm  “bừng nở” cơ hội đầu tư và kinh doanh; làm chậm lại quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Về tái cơ cấu DNNN, mục tiêu được xác định rất rõ ràng, quyết tâm chính trị cũng rất cao, đã được khẳng định bằng Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ. Tuy vậy, việc triển khai chưa thực sự khẩn trương; chủ yếu chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước, mà chưa bán ra bên ngoài theo cơ chế thị trường, giá thị trường.

Nhìn chung, “chưa có động lực và áp lực buộc các DNNN, người quản lý DNNN phải tính toán, cân nhắc các chi phí cơ hội; nên tâm lý sợ rủi ro, chờ đợi hoặc trì hoãn, hơn là nỗ lực và sáng tạo nhanh chóng thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính”- TS Cung nhấn mạnh.

Xử lý nợ xấu mới chú ý làm sạch báo cáo tài chính

Đối với vấn đề tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, kết quả cụ thể đối với từng ngân hàng vẫn là một câu hỏi lớn. Còn phương án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được thông qua, nhưng xử lý theo các biện pháp nghiệp vụ, hành chính nhiều hơn là chuyển khối tài sản thế chấp thành vốn và chuyển vào các mục đích sản xuất, kinh doanh; chưa chú trọng giải thoát cho các bên khỏi “mối quan hệ tín dụng hiện có”.

Đặc biệt, hiện tại “mới chú ý nhiều đến làm sạch báo cáo tài chính của ngân hàng, chưa chú ý giải phóng gánh nặng nợ cho doanh nghiệp. Vì vậy, các tổ chức tín dụng có thể tuyên bố hay báo cáo đã hoàn thành xử lý nợ xấu, thì gánh nặng nợ đối với doanh nghiệp có thể vẫn còn nguyên. Do đó, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được tín dụng một cách bình thường, và chưa thể khôi phục lại hoạt động bình thường như mong muốn. Như vậy, mục đích xử lý nợ xấu có thể chưa đạt được.

Về tái cơ cấu đầu tư công, cho đến nay chủ yếu thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Kết quả là đầu tư nhà nước đã được cắt giảm cả về số vốn và số dự án; phân bố vốn đầu tư tập trung hơn; khắc phục một bước tình trạng “đầu tư phân tán, dàn trải…”. Tuy vậy, thể chế và cách làm cũ vẫn chi phối phân bố và sử dụng vốn đầu tư nhà nước. Về cơ bản, so với trước đây điểm khác biệt là quy mô nhỏ hơn, số lượng dự án ít hơn, nhất là số mới được quyết định đầu tư.

Nhìn chung các công việc đã làm để tái cơ cấu kinh tế mới chỉ là giai đoạn đầu, TS Cung đánh giá: chưa tập trung vào giải quyết vấn đề căn bản là tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bố lại nguồn lực trong toàn xã hội, làm cho nguồn lực được sử dụng có hiệu quả hơn, hợp lý và bền vững hơn; chưa khuyến khích, tạo thuận lợi và tạo áp lực để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dám chấp nhận rủi ro, có tư duy mới, cách làm mới để cơ cấu lại và sử dụng tốt hơn các nguồn lực và tài sản xã hội. Trái lại, có phần dung dưỡng, che chắn cho một số doanh nghiệp mà chính họ là những tác nhân của khó khăn kinh tế hiện nay.

Từ đó, “hình như vẫn còn chần chừ, do dự ở các bộ, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, muốn níu kéo lại những gì đã có. Chưa có những cải cách đáng kể, thực sự theo cơ chế thị trường và hội nhập. Do đó, tuy đã có những khởi đầu quan trọng, nhưng nền kinh tế chưa có động lực mới. Nền kinh tế hiện nay như một chiếc xe trên ngã ba đường. Thẳng tiến là vực sâu; phải rẽ sang xa lộ khác; nhưng để sang được xa lộ khác đẹp hơn, rộng hơn, thì phải qua một chặng đường gập ghềnh và khúc khỉu; người lái và hành khách trên xe có vẻ chưa đồng lòng vượt đốc”./.

Theo VOV

 

.
.
.
.