.
.

Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm tại cộng hòa Síp và bài học thực tiễn đối với Việt Nam

Thứ Ba, 16/04/2013|08:58

 

Trong tháng 3 vừa qua, diễn biến tình hình tài chính tại Cộng hòa Síp (CH Síp) - một quốc gia nhỏ ở châu Âu đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới . Sau thời gian đàm phán kéo dài, quốc gia đang bên bờ vực vỡ nợ và có nguy cơ phải rời bỏ khu vực đồng tiền chung châu Âu này buộc phải đề xuất một kế hoạch mới để đổi lấy gói cứu trợ 10 tỷ Euro của bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đó là chính sách đánh thuế các khoản tiền gửi có giá trị trên 100.000 euro của người gửi tiền.  
 
Nguyên nhân và diễn biến
 
Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ năm 2007-2008 kéo theo hiệu ứng dây chuyền suy thoái kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế Síp cũng không phải là ngoại lệ với mức suy giảm kinh tế là 1,67% vào năm 2009, chủ yếu là do sự suy thoái của ngành du lịch và tàu biển. Hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ nợ quốc gia của nước này ngày càng tăng lên. Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại CH Síp là 15%, cao thứ 4 so với các nước khu vực đồng Euro, mức nợ/GDP của CH Síp là 87% và có thể sẽ tăng lên mức 100% vào năm 2020.
 
Bên cạnh đó, kể từ năm 2012, các ngân hàng của Síp đã bị thiệt hại nặng nề khi các biện pháp cứu nguy các ngân hàng Hy Lạp của EU khiến các chủ nợ nắm giữ trái phiếu, tài sản chiếm tỷ trọng lớn trong bảng cân đối tài sản của các ngân hàng Síp, phải chịu thua thiệt. Trong khi đó, quy mô của hệ thống tài chính lớn gấp 8 lần quy mô của nền kinh tế, việc sụp đổ hệ thống ngân hàng của Síp sẽ khiến nền kinh tế nước này phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Tình trạng này được đẩy đến đỉnh điểm khi vào giữa năm 2012, trái phiếu của Síp đã bị tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đánh tụt hạng xuống mức BB+. Điều này đồng nghĩa với việc các trái phiếu của Síp không được chấp nhận làm tài sản thế chấp để vay từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), buộc nước này phải xin cứu trợ từ các tổ chức quốc tế.
 
Đề xuất lần thứ nhất về gói cứu trợ cho Síp
 
Kết thúc trong các cuộc biểu tình và người gửi tiền rút tiền hàng loạt
 
Một điểm nhấn quan trọng trong đề xuất đầu tiên của gói cứu trợ là bắt buộc người gửi tiền trên hạn mức 100.000 euro phải chịu khoản “chia sẻ tổn thất”, thực chất là mất 9,9% số tiền gửi của mình tại các ngân hàng. Ngay cả người gửi tiền trong hạn mức BHTG cũng phải chịu mất 6,75% tiền gửi của mình.
 
Phát biểu sau đó của Chủ tịch ECB khẳng định, đề xuất yêu cầu người gửi tiền trong hạn mức BHTG gánh chịu tổn thất xử lý ngân hàng là đề xuất từ Chính phủ Síp chứ không phải của ECB. Financial Times trích lời ông Mario Draghi: “Nói một cách tế nhị nhất, đây là giải pháp không thông minh và đã nhanh chóng được điều chỉnh”.
 
Lý do Chính phủ Síp chủ động đưa ra đề xuất “không thông minh” nói trên được tờ The Economist giải thích như sau: (i) Với chính sách thuế thấp và quy định lỏng lẻo, ngân hàng tại CH Síp đã thu hút được lượng lớn tiền gửi từ nước ngoài. Trong đó, quốc gia này phụ thuộc rất lớn về kinh tế và chính trị từ Nga. Khoảng 1/3 tổng số dư tiền gửi tại Síp đến từ nước Nga và một tỷ trọng khá lớn khoản tiền gửi từ Nga có số dư trên hạn mức (Báo cáo Moody’s); (ii) Để tránh ảnh hưởng từ phía Nga, Chính phủ Síp đã tìm giải pháp dung hòa: không để người gửi tiền lớn mất quá nhiều tiền (áp mức chia sẻ tổn thất giới hạn ở 10%, phần còn lại yêu cầu người gửi tiền nhỏ trong hạn mức chia sẻ tổn thất ở mức 6,75%).
 
Việc Chính phủ Síp ra tuyên bố ủng hộ đề xuất trên đã gây bất ổn nghiêm trọng đối với hệ thống ngân hàng. Biểu tình nổ ra, người gửi tiền đổ xô đến các ngân hàng rút tiền trên diện rộng khiến thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng phải tuyên bố ngừng hoạt động tạm thời.
 
Đề xuất lần thứ hai về gói cứu trợ cho Síp
 
Theo các điều khoản của gói cứu trợ thứ hai, Laiki, ngân hàng lớn thứ hai của nước này đã buộc phải giải thể. Phần “ngân hàng tốt” của Laiki bị buộc chuyển đổi sang ngân hàng khác tiếp quản, đồng thời thanh lý đối với phần “ngân hàng xấu”.  Chính phủ Síp phải thực hiện cắt giảm chi tiêu một cách chặt chẽ, đồng thời tăng thuế thêm khoảng 5% để cân đối thâm hụt ngân sách. Khoản tiền gửi dưới hạn mức 100.000 euro sẽ được bảo hiểm toàn bộ.
 
Người gửi tiền trong hạn mức BHTG (dưới 100.000 euro) sẽ được bảo vệ toàn bộ. Các khoản tiền gửi có giá trị trên 100.000 euro dự kiến được xử lý như sau: 37,5% khoản tiền gửi trên mức 100.000 euro được chuyển đổi thành cổ phiếu thường của ngân hàng (cổ phiếu có quyền biểu quyết và được lãnh cổ tức); 22,5% khoản tiền gửi trên mức 100.000 euro sẽ bị đóng băng và có thể được chuyển đổi sang cổ phiếu trong tương lai (chưa xác định thời hạn); 40%  còn lại dự kiến sẽ được Chính phủ bảo vệ và chi trả.
 
Ngay sau khi thỏa thuận trên được thông qua, các ngân hàng đã mở cửa trở lại, người gửi tiền ở Síp tiếp tục xếp hàng rút tiền, nhưng không có bạo động xảy ra. Tuy nhiên, Chính phủ Síp vẫn phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn như: (i) mỗi khách hàng chỉ được rút tối đa 300 euro/ngày; (ii) cấm đổi séc lấy tiền mặt; giới hạn các giao dịch thanh toán hoặc chuyển tiền ra ngoài đảo Síp ở mức tối đa là 5000 euro/người/tháng; (iii) các giao dịch từ 5.000 - 200.000 euro phải được sự xem xét và chấp thuận của một ủy ban đặc biệt; (iv) Những giao dịch lớn hơn 200.000 euro phải có đơn đề nghị và được phê chuẩn từng lần.
 
Anh chủ động chuyển tiền gửi tại Chi nhánh Laiki Bank về chi nhánh Bank of Cyprus tại Anh và khoản tiền gửi này được hưởng cơ chế BHTG của Anh
 
Theo thống kê, có khoảng vài nghìn người gửi tiền tại Chi nhánh ngân hàng Laiki tại Anh. Khi Laiki bị tuyên bố giải thể, cơ quan đảm bảo an toàn thuộc NHTW Anh (PRA) đã ra tuyên bố chuyển toàn bộ tài khoản tiền gửi tại Laiki Bank chi nhánh UK sang Chi nhánh ngân hàng Bank of Cyprus tại UK. Khoản tiền gửi này duy trì hoạt động bình thường, được hưởng cơ chế BHTG tại Anh và người gửi tiền không đối mặt với nguy cơ bị phong tỏa tài khoản, đặc biệt đối với khoản tiền gửi trong hạn mức.
 
Tác động của thỏa thuận cứu trợ
 
Đây là lần đầu tiên một quốc gia thành viên của EU có nguy cơ vỡ nợ quốc gia và rời bỏ Khu vực đồng tiền chung châu Âu phải chấp nhận đánh đổi quyền lợi của người gửi tiền để cứu lấy hệ thống ngân hàng đang bên bờ vực phá sản của mình. Chính phủ Síp kỳ vọng sự hy sinh này của người gửi tiền sẽ giúp hệ thống ngân hàng thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ hiện hữu cũng như không bị buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nhưng liệu cái giá phải trả là gì?
 
Việc bắt buộc người gửi tiền chia sẻ thiệt hại đặt ra quan ngại về sụt giảm lượng tiền gửi trong phạm vi toàn Châu Âu hoặc người gửi tiền sẽ yêu cầu mức lãi suất cao hơn đề bù đắp rủi ro. Theo thống kê của Morgan Stanley, tại một số quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Hy Lạp, tiền gửi chiếm trên 50% tổng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, chỉ có 1/5 lượng tiền gửi tại Anh và Italia nằm trong hạn mức BHTG. Đây là các quốc gia có độ nhạy cảm cao với các diễn biến đang xảy ra tại CH Síp. Kết quả phân tích bằng mô hình định lượng của Morgan Stanley cho thấy, khủng hoảng tại CH Síp có thể làm mặt bằng lãi suất tăng 0.5% tại các quốc gia có hệ thống ngân hàng chưa đủ vững mạnh, và làm giảm 6% tổng lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Châu Âu
 
Khủng hoảng tại CH Síp đã đặt ra vấn đề tách bạch rõ ràng giữa tiền gửi trong hạn mức BHTG và tiền gửi vượt hạn mức BHTG. Rút kinh nghiệm về vấn đề này, Chủ tịch ECB đã dẫn đến bình luận về dự thảo “Chỉ thị chung của Cộng đồng Châu Âu về xử lý và khôi phục ngân hàng” đang được xây dựng. Ông cho rằng, dự thảo Chỉ thị đã tách bạch được thứ tự ưu tiên chi trả giữa cổ đông, trái chủ và người gửi tiền không được bảo hiểm khi ngân hàng đổ vỡ. Tuy nhiên, dự thảo Chỉ thị đã không tách bạch và làm rõ được quyền lợi của người gửi tiền trong hạn mức BHTG, điều đã được quy định hiệu quả tại Mỹ thông qua hoạt động của Tổng công ty BHTG liên bang.
 
Vấn đề ảnh hưởng chính trị đối với hệ thống ngân hàng. Có hai cột mốc đáng lưu ý dẫn tới biểu tình phản đối của người dân và người gửi tiền rút tiền hàng loạt: i) chính sách buộc người gửi tiền nhỏ phải chia sẻ thiệt hại dưới sức ép từ Nga; và ii) thông tin về người thân của Tổng thống đã chuyển tiền khỏi ngân hàng trước khi khủng hoảng xảy ra. Theo thông tin từ Reuters, có bằng chứng cho thấy một công ty có liên hệ với gia đình Tổng thống Nicos Anastasiades đã chuyển tiền quy mô lớn ra khỏi một trong số các ngân hàng gặp vấn đề ngay trước thời điểm Chính phủ nước này dừng mọi giao dịch chuyển tiền vào ngày 15/3.
 
Niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng ở Síp có dấu hiệu suy giảm mạnh, tiềm ẩn rủi ro mất thanh khoản và đổ vỡ của các ngân hàng. Điều này được thể hiện khá rõ ở tình trạng người gửi tiền ồ ạt tới các ngân hàng để rút tiền, khiến cho Chính phủ nước này phải áp dụng một loạt các biện pháp kiểm soát vốn chưa từng có. Ngay cả khi Chính phủ nước này quyết định không đánh thuế vào các khoản tiền gửi có giá trị từ 100.000 euro trở xuống, người gửi tiền ở nhiều ngân hàng, không phải chỉ riêng ở các ngân hàng gặp khó khăn, đến rút tiền do lo ngại về một tương lai bấp bênh của các ngân hàng và khả năng lại bị đánh thuế vào các khoản tiền gửi. Nếu như không có các biện pháp kiểm soát vốn tạm thời của Chính phủ mà không biết có kéo dài 1 tháng như tuyên bố hay sẽ phải lâu hơn nữa, hẳn các ngân hàng sẽ mất khả năng thanh toán và buộc phải đóng cửa như đã từng làm trước đó. Khi niềm tin vào hệ thống ngân hàng ở Síp bị suy giảm, Síp sẽ không còn là một “thiên đường tài chính” như trước đây nữa[1]. Theo thông tin từ Ngân hàng trung ương Síp, trong tháng 2, những người gửi tiền là người nước ngoài đã rút 18% số tiền mặt của họ từ các ngân hàng của quốc đảo này trước khi khủng hoảng nổ ra. Tổng số tiền gửi của Síp vào tháng 3 đã giảm 2,2% so với tháng 2, xuống mức 46.359 tỷ euro, thấp nhất kể từ tháng 5/2010 do một số lượng người gửi tiền chuyển tiền gửi từ các khu vực gặp khó khăn của khu vực đồng tiền chung châu Âu sang các nước Bắc Âu, Anh và châu Á. Trong đó, tiền gửi từ các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm 860 triệu euro xuống còn 3,9 tỷ euro.
 
Bài học thực tiễn đối với Việt Nam
 
Trong thời gian qua, một số bài báo tại Việt Nam đưa tin CH Síp “đánh thuế tiền gửi”, dẫn đến sự liên hệ với đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm gần đây của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, về bản chất, vấn đề của CH Síp là buộc người gửi tiền phải chịu tổn thất khi ngân hàng phá sản. Mặc dù vậy, bối cảnh và động thái của Chính phủ Síp trong sự kiện vừa qua cũng đặt ra những bài học đối với Việt Nam, đặc biệt là dưới góc nhìn hạn mức bảo hiểm tiền gửi và bảo vệ người gửi tiền.
 
Khi khủng hoảng xảy ra và Chính phủ không có đủ nguồn lực tài chính để bảo vệ hệ thống ngân hàng, hạn mức BHTG là cứu cánh quan trọng. Thực tế cho thấy khi CH Síp đàm phán với các chủ nợ để tính toán khoản tiền cứu trợ, một trong các tiêu chí quan trọng Chính phủ nước này dựa vào là tổng giá trị tiền gửi trong hạn mức. Việc duy trì hạn mức phù hợp và cam kết đảm bảo đủ lượng tiền chi trả cho người gửi tiền trong hạn mức cũng là yếu tố thiết yếu để duy trì niềm tin.
 
Trong bối cảnh tình hình kinh tế các nước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, những động thái ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng sẽ có tác động xấu tới toàn bộ nền kinh tế. Việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm và những tác động đối với thị trường trong trường hợp của CH Síp là kinh nghiệm cần lưu tâm đối với Việt Nam khi đưa ra các quyết định liên quan đến hạn mức BHTG và bảo vệ người gửi tiền.
 
Niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng là yếu tố quyết định cho sự an toàn của hệ thống ngân hàng đó nói riêng và nền kinh tế của quốc gia nói chung. Một khi quyền lợi của người gửi tiền không được đảm bảo thì hệ thống ngân hàng của nước đó cũng dễ rơi vào tình trạng bấp bênh, thậm chí là đổ vỡ. Có thể nói, việc đánh đổi quyền lợi của người gửi tiền để cứu lấy hệ thống ngân hàng như ở Síp vừa khó có thể giải quyết được vấn đề trước mắt là tránh được sự sụp đổ ngân hàng, vừa làm sụt giảm nghiêm trọng niềm tin của người gửi tiền, yếu tố quan trọng trong sự an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng tại bất kỳ quốc gia nào.
 
 
 
[1] Trong số hơn 68 tỷ euro đang gửi tại Síp, tiền gửi từ nước ngoài chiếm tới 40%, và phần lớn là của người Nga. Thỏa thuận đổi lấy gói cứu trợ của EU theo ước tính sẽ lấy đi của các nhà đầu tư này khoảng 31 tỷ đô la Mỹ bởi đa số các khoản tiền gửi trên 100.000 euro ở Síp là của người Nga.
 
BHTGVN
.
.
.
.