.
.

Bài toán thu, chi, bội chi

Thứ Năm, 30/05/2013|13:56

 

Trong các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi và bội chi ngân sách vẫn là bài toán khó cần phải giải quyết.

Tính đến ngày 15/5, tổng thu ngân sách ước đạt 268,4 nghìn tỷ đồng (bằng 32,9% dự toán), một số khoản thu đạt tỷ lệ khá hơn tỷ lệ chung theo dự toán như: thu từ dầu thô (đạt 43,1%), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (đạt 38,5%); thuế thu nhập cá nhân (đạt 38,3%), phí và lệ phí (đạt 34,1%).


Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

 

Nhiều khoản thu đạt thấp

Những số khoản thu thấp hơn tỷ lệ chung là: Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 27,7% làm cho tỷ trọng khoản thu này thực tế cũng thấp hơn so với dự toán (17,2% so với 20,4%). Nguyên nhân chủ yếu do nhập khẩu những mặt hàng có thuế suất cao bị giảm hoặc tăng thấp, như ô tô (giảm 0,5%), xe máy (giảm 24,2%)…

Khoản thu nội địa, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu theo dự toán năm (66,9%), cũng chỉ đạt 32,7%. Trong đó thuế bảo vệ môi trường đạt 29,2%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước 31,1%, các khoản thu về nhà đất, lệ phí trước bạ… mới đạt khoảng 23,4% dự toán năm. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường nhà đất bị sụt giảm cả về số lượng giao dịch, cả về giá cả và tổng giá trị.

Ba nhóm giải pháp tăng thu:
- Nâng cao quy mô để "chiếc bánh” GDP to ra.
- Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động.
- Chống thất thu, xử lý trốn thuế, nợ đọng thuế, chống hành vi chuyển giá, buôn lậu.

Từ nay đến cuối năm, thu ngân sách theo dự toán còn tới 547,4 nghìn tỷ đồng, bình quân 73 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với mức thực hiện tương ứng trong thời gian từ 1/1 đến 15/5 (59,6 nghìn tỷ đồng/tháng).

Đây là nhiệm vụ khó khăn, trong khi còn phải thực hiện phương châm “khoan thư sức dân”, thực hiện cắt giảm, giãn, hoãn một số khoản thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, hoặc do hạn chế việc khai thác tài nguyên xuất khẩu thô, hoặc do giảm thuế suất theo cam kết hội nhập.

Tỷ lệ thực hiện chi cao

Về chi, tính đến 15/5, tổng chi ngân sách đạt 335,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 34,3% dự toán năm.

Trong đó khoản chi lớn nhất (chiếm 70,1% tổng chi) là chi sự nghiệp đã đạt 34,9%. Chi đầu tư phát triển đạt cao hơn, bằng 35,5%. Đây là một cố gắng trong điều kiện thu, chi ngân sách còn mất cân đối. Chi trả nợ, viện trợ đạt tỷ lệ cao nhất so với dự toán cả năm là 36,5%.

Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện so với dự toán đối với các khoản khác, như chi dự phòng chẳng hạn, cần phải được quan tâm hơn do diễn biễn thời tiết, dịch bệnh diễn ra bất thường, khó lường. Vì tỷ lệ thực hiện so với dự toán năm của tổng chi cao hợn của tổng thu, nên tỷ lệ bội chi so với dự toán năm đã cao hơn tỷ lệ tương ứng của tổng thu và của tổng chi.

Ngoài các giải pháp mà tân Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đưa ra, một số chuyên gia đã đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho nới nợ công, tăng bội chi để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết các điểm nghẽn, vừa để ngăn chặn nguy cơ trì trệ của tăng trưởng, vừa thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, lâu dài là tăng trưởng bền vững, trên cơ sở tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Điều cần quan tâm là liều lượng của giải pháp và lựa chọn ưu tiên trong phân bổ, đầu tư.

Theo Chinhphu.vn

 

.
.
.
.