Án kinh tế, tham nhũng, án treo diễn biến phức tạp
Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội |
Sáng 14/6, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSNDTC) Nguyễn Hoà Bình đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nội dung tập trung được nhiều đại biểu quan tâm trong phần chất vấn Viện trưởng là vấn đề giải quyết án kinh tế, tham nhũng và tội phạm kinh tế.
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (đoàn Quảng Ninh) cho biết, thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ và tham nhũng chưa tốt. Tỷ lệ các bị cáo cho hưởng án treo khá nhiều dẫn đến sự hoài nghi của nhân dân và dư luận xã hội về tính nghiêm minh của pháp luật. Đại biểu Đỗ Thị Hoàng đề nghị Viện trưởng Viện KSNDTC cho biết chỉ đạo của ngành Kiểm sát để xử lý nghiêm minh các vụ án trên.
Về vấn đề này, Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hoà Bình khẳng định: “Đúng là hiện nay, án kinh tế và tham nhũng đang diễn biến phức tạp. Tình trạng án treo tương đối nhiều đã tạo ra những suy nghĩ trong dư luận là chúng ta chưa quyết tâm chống tham nhũng. Đây cũng là thách thức lớn đòi hỏi các ngành chức năng phải giải quyết, kiên quyết chống tham nhũng theo Nghị quyết 37 của Quốc hội”.
Tính đến nay, số lượng án treo đang chiếm 30,8% các vụ án, cao hơn các vụ án khác bình quân là 21%.
Vấn đề mấu chốt trong phá các vụ án kinh tế là phải thu hồi được những tài sản chiếm được trái phép. Đặc biệt là những loại tội phạm lấy đồng tiền làm phương tiện và hình thức phạm tội thì hình phạt phải là hình phạt kinh tế chứ không phải là hình phạt tù.
Theo Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hoà Bình, đối với vụ án kinh tế khi đã chịu phạt tiền, tài sản bị tịch thu thì hình phạt đối với vụ án kinh tế không phải là cao. Đây cũng là yếu tố để sửa đổi Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự sau khi Quốc hội thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đối với án tham nhũng mặc dù số lượng cao nhưng Viện KSNDTC đã thống nhất với khẳng định của Chánh án Toà án NDTC khi trả lời trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, tất cả những vụ án được xử án treo đều được khẳng định là đã áp dụng theo pháp luật. Tuy nhiên, Viện KSNDTC đã kháng nghị tới 39 vụ án nhưng có những vụ án ở cấp dưới lại xử treo. Toà án NDTC đã quyết định tăng hình phạt đối với 26 trường hợp, còn những vụ còn lại đang trong thời gian xem xét.
Để giải quyết tình trạng trên, Viện KSNDTC sẽ phải nghiên cứu kỹ quá trình xây dựng những cáo trạng có đề xuất án treo.
Đối với những vụ án tham nhũng mà cấp dưới đề xuất xử án treo thì Viện KSNDTC phải đề nghị cơ quan cấp trên xem xét, điều tra.
Trong các vụ án tham nhũng có nhiều tình tiết vận dụng để xử dưới khung hình phạt. Tuy nhiên, Viện KSNDTC đã chỉ đạo các cơ quan cấp dưới không được vận dụng 2 tình tiết: Có thân nhân tốt và phạm tội lần đầu. Vì vậy, những cán bộ có chức, quyền trước khi phạm tội đều có thân nhân tốt hoặc phạm tội lần đầu sẽ không được coi là tình tiết để giảm nhẹ khung hình phạt.
Trong thời gian tới, Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hoà Bình sẽ tổ chức Hội nghị bàn với các cơ quan điều tra để giảm số lượng án treo trong các vụ án tham nhũng.
Tội phạm tham nhũng, chạy án thuộc loại tội phạm “ẩn”
Trong phiên chất vấn, đại biểu Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên) băn khoăn về số liệu thống kê tội phạm do Viện KSNDTC đưa ra trước Quốc hội. Ví dụ, tình hình tham nhũng được đánh giá là nghiêm trọng nhưng con số về các vụ án tham nhũng hàng năm rất ít, tình hình tiêu cực về chạy án trong các cơ quan tư pháp được dư luận đánh giá là khá nghiêm trọng, nhưng trong báo cáo hàng năm của các cơ quan tư pháp chỉ nêu ra số liệu cán bộ bị kỷ luật.
Đại biểu Trương Thị Huệ đề nghị Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hoà Bình đánh giá như thế nào về vấn đề trên và đưa ra giải pháp khắc phục.
Theo Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hoà Bình, nguyên tắc của thống kê tội phạm là dựa trên số liệu giải quyết những vụ án nằm trong quá trình giải quyết, trình báo tội phạm, quá trình tố tụng hình sự, khởi tố, truy tố… Còn những loại tội phạm “ẩn” như tham nhũng, chạy án không thuộc phạm vi trong thống kê tội phạm mà thuộc phạm vi nghiên cứu của môn khoa học Tội phạm học. Theo đó, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu tình hình tội phạm dưới góc độ Tội phạm học, để có đánh giá về thực trạng về tội phạm “ẩn”.
Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, sắp tới Viện sẽ tăng cường các hoạt động tư pháp để bám sát các quá trình điều tra, xét xử cho đúng người, đúng tội, không để oan sai, lọt tội./.
Bích Lan/VOV online