.
.

Tăng trưởng kinh tế - Từ 6 tháng nhìn đến cả năm

Thứ Năm, 27/06/2013|14:23

 

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm, bên cạnh những kết quả tích cực, là tín hiệu khả quan, cũng còn một số vấn đề cần giải quyết để thực hiện mục tiêu cao hơn.

 

TỐC ĐỘ TĂNG GDP 6 THÁNG 2012 VÀ 2013 (%)

Kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế được xét dưới các góc độ khác nhau.

 

Ở góc độ thứ nhất, trong điều kiện phải tập trung việc thực hiện mục tiêu ưu tiên (tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn) và thực tế đã đạt được kết quả khả quan, việc tăng trưởng kinh tế với tốc độ của 6 tháng cao hơn của quý I (tăng 4,9% so với tăng 4,76%) và đạt xấp xỉ của cùng kỳ năm trước có thể được coi là hợp lý, tích cực, đúng hướng. Điều đó vừa thể hiện tư duy không chạy theo tăng trưởng nóng, vừa là tín hiệu khả quan để thực hiện mục tiêu cả năm nay là tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước.

Ở góc độ thứ hai, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng- nhóm ngành kinh tế thực lớn nhất- đã tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế. Đây là tín hiệu khả quan để tăng trưởng của nhóm ngành này dần trở lại là động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế chung. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng dần qua các tháng và tính chung 6 tháng đã tăng 5,2%. Trong nhóm ngành này, ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất đã tăng cao lên nhanh qua thời gian (quý I tăng 4,6%, quý II tăng 6,9%) và cao  hơn tốc độ tăng chung. Tốc độ tăng tồn kho của công nghiệp chế biến đã chậm lại nhanh (tốc độ tăng tồn kho so với thời điểm năm trước nếu ngày 1/1 ở mức 21,5%, thì vào ngày 1/6 chỉ còn 9,7%).

Ở góc độ thứ ba, nhóm ngành dịch vụ- nhóm ngành có tỷ trọng lớn nhất trong 3 nhóm ngành- có tốc độ tăng vừa cao  hơn của cùng kỳ năm trước, vừa cao hơn của toàn bộ nền kinh tế. Đây là tín hiệu khả quan để các ngành sản xuất sản phẩm hàng  hoá tăng trưởng cao hơn trong tương lai, bởi ngành dịch vụ thường tăng trưởng cao hơn trước và tạo điều kiện cho các nhóm ngành sản xuất sản phẩm hàng hoá tăng cao hơn.

Ở góc độ thứ tư, là cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn, khi tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng và của nhóm ngành dịch vụ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế. Sự chuyển dịch này là phù hợp với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phù hợp với mục tiêu tổng quát là đến năm 2000 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ở góc độ thứ năm, so với cùng kỳ năm trước tốc độ tăng GDP đạt xấp xỉ, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP thấp hơn- đó là tín hiệu khả quan của việc cải thiện hiệu quả đầu tư- mà hiệu quả đầu tư thấp là một nguyên nhân sâu xa, yếu tố tiềm ẩn của bất ổn kinh tế vĩ mô (lạm phát, bội chi ngân sách, nợ công, nhập siêu...)

Với tốc độ tăng trong 6 tháng đầu năm, để thực hiện mục tiêu cả năm (tăng 5,5%), nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6%. Đó là tốc độ tăng rất cao, trong khi hiện trạng đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết.

Về sản xuất, tăng trưởng của hai nhóm ngành kinh tế thực còn thấp tương đối xa so với cùng kỳ năm trước. Chỉ khi nào kinh tế thực tăng trưởng cao hơn và tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tăng cao hơn nữa so với tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế, thì kinh tế mới phục hồi rõ ràng và bền vững hơn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao (15,9%) về vốn đăng ký và tiếp tục tăng khá hơn (tăng 5,6%) về vốn thực hiện, vốn hỗ trợ phát triển chính thức đạt khá (2,2 tỷ USD) và tăng cao (10%). Tuy nhiên, lượng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện còn chậm và vốn khu vực ngoài nhà nước thực hiện còn thấp. Tín dụng tăng thấp. Huy động vốn trên thị trường chứng khoán vẫn khó khăn. Số doanh nghiệp mới thành lập (4 tháng còn giảm, nhưng 5 tháng đã tăng và 6 tháng tăng 7,8%); số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động đã quay trở lại sản xuất kinh doanh tăng dần qua các tháng (4 tháng khoảng 8300 doanh nghiệp, 5 tháng khoảng 8800 doanh nghiệp, 6 tháng khoảng 9300 doanh nghiệp). Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn gặp k hó khăn về vốn...

Về tiêu thụ, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân 6 tháng so với cùng kỳ) tăng 4,9%, tuy cao hơn các tháng trước, nhưng vẫn còn thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Xuất khẩu vẫn tăng khá,  nhưng của khu vực kinh tế trong nước thấp cả về quy mô, cả về tốc độ tăng và bị thiệt lớn về giá.

Các điểm nghẽn lớn của nền kinh tế (nợ xấu, tiêu thụ, bất động sản) cần được xử lý một cách đồng thuận, kiên quyết, khẩn trương hơn và việc khởi động tái cơ cấu cần tích cực hơn. Nếu không sẽ khó thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Minh Ngọc

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.