.
.

Bó tay với tiêu cực chạy thầu?

Chủ Nhật, 14/07/2013|10:05

Nói về việc sửa đổi Luật Đấu thầu trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Chúng ta phải khẳng định được với Quốc hội là Luật sửa đổi có ưu điểm hơn Luật cũ thế nào? Nếu không thì Quốc hội không bằng lòng, dân cũng không bằng lòng”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc “đau nhất” của ông khi xem xét dự án Luật này dù sửa đổi, nhưng Luật Đấu thầu vẫn chưa đề ra đủ chế tài để khắc phục được tình trạng tiêu cực thông thầu, trúng thầu giá thấp rồi sau đó điều chỉnh giá lên vô tội vạ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc “đau nhất” của ông khi xem xét dự án Luật này dù sửa đổi, nhưng Luật Đấu thầu vẫn chưa đề ra đủ chế tài để khắc phục được tình trạng tiêu cực thông thầu, trúng thầu giá thấp rồi sau đó điều chỉnh giá lên vô tội vạ



Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết về cái “đau nhất” của ông khi xem xét dự án Luật này dù sửa đổi, nhưng Luật Đấu thầu vẫn chưa đề ra đủ chế tài để khắc phục được tình trạng tiêu cực thông thầu, trúng thầu giá thấp rồi sau đó điều chỉnh giá lên vô tội vạ: “Có công trình xây dựng nào mà không đội giá? Có công trình giao thông nào không đội giá, thậm chí rất lớn. Công trình cả ngàn tỷ mà cứ chạy theo điều chỉnh giá dẫn đến giá đắt nhất khu vực, nhất thế giới”.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, “tình trạng dây dưa kéo dài tiến độ để điều chỉnh giá, tiêu cực chạy cho trúng thầu mà không bắt, không xử được. Trong khi nói đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí thì “ruột” của nó cũng chính là đây. Thông thầu được là có tiêu cực, có tham nhũng, vậy chống thế nào? Giá đội lên cũng là có tiêu cực, có tham nhũng, vậy chống thế nào? Chúng ta phải khẳng định được với Quốc hội là Luật sửa đổi có ưu điểm chống được lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Nếu không thì Quốc hội không bằng lòng, dân cũng không bằng lòng đâu. Phải giải trình được rõ ràng với Quốc hội về những nội dung này”.

Dù cả luật hiện hành và sửa đổi, đều cho phép việc điều chỉnh giá sau khi trúng thầu vì các nguyên nhân khách quan, nhưng Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ quan điểm của mình là: “Tôi không đồng ý điều chỉnh giá. Giá trúng thầu phải là giá cuối cùng. Rủi ro tính hết đi, rồi cho tỷ lệ để điều chỉnh giá chứ không chấp nhận việc cứ thay đổi liên tục. Phải sòng phẳng, minh bạch thì mới chống tiêu cực được. Cứ nhập nhằng là thiếu trách nhiệm”. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh có trần tình rằng giải quyết triệt để tình trạng trúng thầu với giá thấp rồi sau đó điều chỉnh giá là vấn đề đại sự. Bởi vì, điều này phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế vĩ mô có ổn định không. Chỉ cần lạm phát tăng thì ảnh hưởng ngay tới giá, tỷ giá, lãi suất... 

Ông Sinh hứa sẽ tiếp thu và làm việc với cơ quan thẩm tra dự án Luật là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các quy định cho chặt chẽ, rõ ràng về vấn đề này.

Về các hành vi bị cấm và hình thức xử lý, có ý kiến đề nghị khi phát hiện hành vi cấu kết, thông đồng trong đấu thầu thì phải xử lý ngay mà không cần phải chứng minh hành vi đó có làm ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, lợi ích của quốc gia hay không. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu và bổ sung, chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về hành vi bị cấm trong quá trình lựa chọn nhà thầu, về hành vi bị cấm trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, về hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu, về hình thức phạt tiền và về xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu.

Quan tâm đến các quy định về lựa chọn nhà thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, nhiều dự án vốn nhà nước kéo dài có nguyên nhân lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo năng lực về tài chính, kỹ thuật. 

Nhiều nhà thầu thắng thầu khối lượng rất lớn, nhưng khả năng thực hiện không đạt. Do đó, việc sửa đổi luật lần này phải có quy định chặt chẽ để lựa chọn nhà thầu đủ điều kiện và cần tăng xử phạt với nhà thầu không đủ năng lực. 

Cũng theo ông Hiển, nhiều hợp đồng được trúng thầu chỉ thiên về giá mà chưa chú trọng yếu tố kỹ thuật. Giám sát nhiều công trình cho thấy yếu tố kỹ thuật không được ưu tiên hàng đầu, nên nhiều công trình không đảm bảo, có công trình mới thi công đã phải sửa chữa. Do đó, tiêu chuẩn hồ sơ cần được quy định thiên về hướng quy định mức cao hơn về tổng điểm kỹ thuật, nếu cứ thiên về giá thì chất lượng công trình sẽ còn nhiều vấn đề.

Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng bổ sung thêm: “Tuy có nhiều quy định trong dự thảo luật sửa đổi đã quan tâm đến tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng cách thể hiện chưa chặt chẽ, dễ bị lợi dụng lách luật. Chẳng hạn, một cái xe thông số kỹ thuật giống nhau nhưng ở những nước khác nhau thì giá khác nhau. Do đó dù quy định chung kỹ thuật nhưng cần đánh giá xuất xứ công nghệ, trình độ công nghệ. Cần quy định sâu sắc hơn, cụ thể hơn, chứ nếu không cứ tưởng thông số cao, hiện đại nhưng thực ra chất lượng kém”.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

.
.
.
.