.
.

Chậm cải cách cơ cấu có thể xói mòn tăng trưởng

Chủ Nhật, 14/07/2013|10:16

 

Theo báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tương đối ổn định, nhưng cải cách cơ cấu còn chậm, có thể xói mòn các thành quả ổn định kinh tế vĩ mô.


Ngân hàng Thế giới nhận định, iệt Nam có thể đạt  mức tăng trưởng 5,3% năm 2013
Ngân hàng Thế giới nhận định, iệt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 5,3% năm 2013

 

Tại buổi công bố báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam sáng nay tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Deepak K. Mishra cho rằng, năm 2013 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ước đạt mức 5,3% và khoảng 5,4% vào năm 2014; dự kiến lạm phát sẽ tăng lên khoảng 8.2% vào cuối năm 2013.

Ổn định nhờ chính sách tiền tệ, tài khóa…

Theo ông Deepak K. Mishra, kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua tương đối ổn định nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ. Qua đó, lạm phát giảm, dự trữ ngoại tệ tăng lên, cán cân thanh toán được cải thiện, tỷ giá ổn định. Tính đến tháng 6/2013, lạm phát ở mức vừa phải 6,7%, tỷ giá khá ổn định trong thời gian dài.

Mức độ rủi ro tín dụng quốc gia được cải thiện, tỷ lệ rủi ro hoán đổi tín dụng giảm từ mức 350 điểm cơ bản (tháng 6/2012) xuống khoảng 250 điểm cơ bản (tháng 6/2013).

Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 66% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu hàng xuất khẩu đa dạng hơn, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu công nghệ cao. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị lớn nhất (9.9 tỷ USD), vượt qua các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như dầu thô, may mặc, giày dép...Điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 11,8% GDP (năm 2008) xuống khoảng 7.7% GDP (trong 6 tháng đầu năm 2013). Theo Điều tra triển vọng kinh doanh ASEAN của Hiệp hội Kinh doanh Singapore và Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai, ở khu vực ASEAN.

…Nhưng chậm cải cách cơ cấu

Tuy nhiên, ông Deepak K. Mishra cũng cho rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng đang có những thách thức cần giải quyết, đó là việc cải cách cơ cấu chậm, quá trình mới bắt đầu nhưng chưa được thực hiện quyết liệt.

Việc triển khai chậm trễ các chương trình cải cách cơ cấu có thể sẽ làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tạo sức ép tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, từ đó sẽ tạo áp lực lạm phát và làm xói mòn các thành quả ổn định kinh tế vĩ mô.

Dù những rủi ro hệ thống đã được cải thiện phần nào, nhưng theo nhận định của chuyên gia Deepak K. Mishra, khu vực tài chính ngân hàng vẫn còn mong manh. “Nếu Chính phủ tiếp tục giữ được mức ổn định kinh tế vĩ mô cộng với và chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước có thể ngừa và giảm thiểu tổn thương của khu vực này”, ông Deepak K. Mishra nói.

Việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng là bước đi cụ thể của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu. Đối với cải cách doanh nghiệp nhà nước, WB đánh giá tiến độ thực thi cải cách của Việt Nam sau hai năm đề ra chủ trương vẫn chậm.

Hiện Chính phủ đang triển khai các công việc nhằm kế thừa những quy định hiện hành, tạo ra một khuôn khổ tổng hợp để quản lý và điều hành các doanh nghiệp nhà nước. “Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước khó có thể thành công nếu không có một cơ chế điều phối liên ngành hữu hiệu và tăng cường tính minh bạch”, ông Deepak K. Mishra nhận xét.

(baodautu.vn)

 

.
.
.
.