Giải thể Quỹ tín dụng yếu kém
Các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động yếu kém, thua lỗ kéo dài, mất khả năng chi trả và không thể hoạt động an toàn, hiệu quả sau khi đã áp dụng các biện pháp chấn chỉnh, củng cố sẽ bị thu hồi giấy phép, giải thể, thanh lý tài sản và người gửi tiền sẽ được Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam chi trả theo quy định hiện hành của pháp luật.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo |
Thông tin trên được NHNN công bố trong cuộc họp báo "Tổng kết thực hiện chỉ thị 57 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân" diễn ra chiều nay (8/7).
NHNN cho biết, tính đến 31/12/2012, Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) Trung ương có vốn điều lệ 2.034 tỷ đồng; tổng nguồn vốn hoạt động là 14.871,23 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần so với năm 2001; nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2012 là 419,8 tỷ đồng, chiếm 3,77% tổng dư nợ…
Để tái cơ cấu hệ thống này, ông Nguyễn Đăng Hồng - Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNH cho biết sẽ tiếp tục củng cố, chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của các QTDND hiện có, đặc biệt là QTDND yếu kém. Đồng thời có cơ chế xử lý rủi ro trong việc cho vay hỗ trợ xử lý khó khăn thanh khoản của Ngân hàng HTX đối với QTDND thành viên; tập trung xử lý nợ xấu; xử lý dứt điểm các yếu kém, vi phạm pháp luật…
Đối với QTDND cơ sở yếu kém hoạt động thua lỗ kéo dài, mất khả năng chi trả không thể hoạt động an toàn, hiệu quả sau khi đã áp dụng các biện pháp chấn chỉnh, củng cố sẽ phải thu hồi giấy phép, giải thể, thanh lý tài sản và người gửi tiền sẽ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả theo quy định hiện hành của pháp luật.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD là HTX theo tinh thần Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, NHNN sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hệ thống TCTD này.
Về mặt tổ chức NHNN sẽ thành lập đơn vị đầu mối chuyên trách trong Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng - NHNN Việt Nam để trực tiếp quản lý hoạt động của loại hình TCTD này. Ngoài ra, NHNN sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các QTDND và xử lý những yếu kém của QTDND, đặc biệt trong việc thanh lý QTDND bị giải thể…
NH Hợp tác xã chính thức hoạt động từ 9/7
Cũng theo NHNN, kể từ ngày 9/7 Ngân hàng Hợp tác xã chính thức đi vào hoạt động. Trước đó, kể từ ngày 24/6, Quỹ tín dụng Nhân dân TW và mạng lưới hệ thống chính thức chuyển sang hoạt động theo tên gọi mới là Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trên toàn quốc. Ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, có trụ sở chính tại đường Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tổng giám đốc NHHTX Đỗ Mạnh Hùng cho biết, nếu như trước đây, mô hình Qũy TDND chủ yếu cho vay các thành viên của Quỹ. Do đó, mô hình bị ảnh hưởng tới tính mùa vụ, do đối tượng huy động và cho vay hạn hẹp nên lúc thiếu vốn lúc thì quá dư thừa. Nay mô hình Ngân hàng HTX khắc phục được nhược điểm này ngoài việc phục vụ các thành viên, khi dư thừa vốn, Ngân hàng được phép hỗ trợ vốn tín dụng qua các đối tượng đa dạng hơn, vốn luân chuyển hợp lý hơn, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Ngân hàng HTX hướng vào cho vay các DNVVN và siêu nhỏ trên địa bàn phụ trách, mô hình này cũng không chồng chéo với các tổ chức tài chính vi mô khác.
Theo Chinhphu.vn