.
.

Họp báo Chính phủ thường kỳ: Thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm

Thứ Tư, 28/08/2013|21:49

Hôm nay, 28/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8/2013, thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam phát biểu tại Họp báo - Ảnh VGP/Quang Hiếu

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Người Phát ngôn của Chính phủ thông báo về một số nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013 diễn ra từ ngày 27 - 28/8, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng qua, phương hướng trong thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết: Tình hình chung, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên, tốc độ tăng còn chậm. Có điểm đáng chú ý, CPI tháng này tăng vọt lên, cả 8 tháng tăng 3,52%. Về nguyên nhân, một phần do điều chỉnh thêm một bước giá dịch vụ y tế tại Hà Nội. Đây là việc tăng có phần chủ động. Qua đó chúng ta thấy rõ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có kiềm chế lạm phát cần đặc biệt ưu tiên, không được chủ quan.

Ngoài ra, về tình hình tháng 8 và 8 tháng qua, có tín hiệu đáng mừng như tỷ giá ổn định, giải ngân vốn FDI, ODA nhích lên, xuất nhập khẩu tốt, cán cân thanh toán vĩ mô tốt, các lĩnh vực như đối ngoại, quốc phòng, an ninh… được đảm bảo.

Tuy nhiên, có dấu hiệu cần lưu ý là sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm, do vào tháng mưa, sản xuất than, chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất công nghiệp, giảm mạnh.

Những tháng còn lại và định hướng năm tới, chúng ta tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cố gắng tăng trưởng GDP đạt chỉ tiêu Quốc hội đưa ra, khoảng 5,4%. Điều quan trọng nhất là quyết tâm đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, không chạy theo tốc độ tăng trưởng quá nhanh. Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành giá cả theo cơ chế thị trường theo định hướng của Nhà nước.

Sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam trả lời trực tiếp các câu hỏi của báo chí.

PV Phương Thủy, Báo Lao động: Trong họp báo lần trước, khi trả lời về giá điện, Bộ trưởng nói vẫn theo lộ trình tăng giá, có thể EVN nên hỏi ý kiến người dân trước khi tăng, nhưng ngay hôm sau giá đã tăng trước sự bất ngờ của báo chí và dư luận. Giá cả lần này cũng là một chủ đề được bàn trong họp Chính phủ và có nên lo ngại sắp tăng giá không?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Lộ trình điều chỉnh giá điện là chủ trương chung của Chính phủ. Bộ Công Thương cũng như Chính phủ đã nói tới nhiều lần. Về đợt tăng giá vào ngày 1/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhờ chuyển tới báo chí lời cảm ơn thời gian qua đã rất quan tâm tới lĩnh vực điện nói chung, đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia, theo sát tiến trình điều hành giá điện với sự quan tâm sâu sắc, quan ngại đến các đối tượng chính sách, các ngành sản xuất. Đồng thời Bộ Công Thương cũng thừa nhận việc tuyên truyền giải thích chưa làm tốt lắm, sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Theo lộ trình, với quy định chặt chẽ, trong đó có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trường hợp nào được tăng. Có rất nhiều điều kiện, nhưng trong đó có 2 điều kiện, một là không tăng liên tục 2 lần trong thời hạn 3 tháng, tức là lần này cách lần kia ít nhất 3 tháng.

Thứ 2, mức tăng 5% trở  xuống thì thẩm quyền quyết định là Bộ Công Thương. Vì thế, từ năm 2012 đến nay, vào tháng 7/2012, 12/2012 và tháng 8 vừa qua, mức tăng đều đúng 5%, thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Nhưng đúng là chúng ta cần phải tuyên truyền giải thích cụ thể.

Tôi xin cung cấp thêm, tại phiên họp hôm nay, Thủ tướng cũng đề cập và quán triệt, chúng ta theo lộ trình, phải điều chỉnh dần. Nhưng đặc biệt, như tôi nói lần trước, phải có chính sách kèm theo rất cụ thể cho người nghèo và cho các đối tượng chính sách, phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân. Tôi nhớ, hiện nay, nói số tròn là khoảng 2% hộ nghèo tiêu thụ dưới 50 số điện, 14% hộ tạm gọi là gần nghèo (không hẳn cận nghèo theo định nghĩa của Bộ LĐTBXH) tiêu thụ dưới 100 số điện. Chúng ta cũng có 1 phần, tổng cộng khoảng 6-7% là các đối tượng mà chúng ta hay gọi là nhà thầu điện ở địa phương (những thành phần kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, sau đó mua điện và bán điện cho dân, trong khi ngân sách nhà nước chưa có vốn đầu tư). Ở các KCN cũng như vậy, khu dân cư cũng như vậy. Và còn 1 đối tượng nữa là các trạm thủy nông. Những đối tượng này trong lần điều chỉnh vừa rồi là vẫn được bán dưới giá thành, hay nói cách khác là vẫn được bao cấp.

Chính phủ khẳng định đối với hộ nghèo, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ. Tôi xin nói rằng, từ trước tới nay tất các hộ dân nghèo tiêu thụ dưới 50 số điện, Chính phủ bao cấp hoàn toàn, bao cấp ở đây là cho tiền mặt, ai không dùng hết thì giữ lại số tiền mặt. Dù có điều chỉnh thế nào, người nghèo vẫn được hỗ trợ.

Hôm nay trong cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng cũng đề cập một vấn đề rất quan trọng, với giá điện, một mặt tiếp tục chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, chứ  không cào bằng, một mặt tiếp tục nghiên cứu chính sách để làm sao khuyến khích người dân sử dụng được trang thiết bị điện mà cụ thể ở đây là bóng đèn tiết kiệm điện. Chính phủ vẫn bao cấp một số lượng điện nhất định cho người nghèo nhưng bằng tiền mặt, đồng thời có chương trình hỗ trợ người dân chuyển sang dùng bóng tiết kiệm điện. Thậm chí số tiền hỗ trợ này nếu người dân tiết kiệm điện thì có thể giữ lại. Đấy là hướng mà chúng ta tiếp tục còn cụ thể điều hành giá điện thế nào, vào lúc nào, như tôi nói, phải có lộ trình rất cụ thể.

Tới đây, giá điện cũng như xăng dầu, Chính phủ chỉ đạo phải công khai, minh bạch với dân, vì chúng ta làm tất cả cũng là lo cho nền kinh tế và cho dân.

PV Đình Hải, VTV: Mấy ngày nay dư luận rất quan tâm đến thông tin lương một số lãnh đạo DN công ích ở TPHCM cao bất thường. Bình luận của Bộ trưởng về thông tin này như thế nào? Xin Bộ trưởng cho biết cơ chế trả lương các DN công ích hiện nay như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Về lương trong DN, đặc biệt là lương của viên chức nhà nước quản lý trong DNNN được quy định rất chặt chẽ,  cẩn thận. Năm 2007 chúng ta có Nghị định 86 quy định về vấn đề này. Năm 2012 chúng ta có Bộ luật Lao động, khi Bộ luật có hiệu lực và sau khi có Nghị quyết TƯ 6 thì Chính phủ ra Nghị định 50 và Nghị định 51 vào giữa năm 2013 quy định chặt chẽ cách hạch toán lương, mức lương của viên chức quản lý trong DNNN, phân định rõ trong tập đoàn kinh tế là bao nhiêu, tối đa là bao nhiêu, trong tổng công ty và tương đương là bao nhiêu với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng… Nghị định 51 quy định rất rõ mức lương cao nhất là Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng và có quy định cuối năm thành tích tốt, lợi nhuận cao thì thưởng thêm nhưng không quá 0,5 lần mức lương. Nếu mức lương mà báo chí phản ánh về một số DN thì như vậy là không đúng, mà không đúng thì phải xử lý, đó là thẩm quyền của UBND địa phương, bộ  ngành được giao quản lý DN.

Sau khi báo chí lên tiếng về vấn đề này, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực này đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ tiền lương ở các DN thuộc phạm vi quản lý và ai làm không đúng thì phải xử lý.

PV Công Thọ, Báo điện tử Khám phá: Hiện nay lương của Thủ tướng là bao nhiêu và mức lương của các vị lãnh đạo của các công ty nhà nước gấp bao nhiêu lần lương Thủ tướng?

Lương của các doanh nghiệp Nhà nước thì với quy định của Chính phủ, mức cao nhất không quá 36 triệu đồng/tháng đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Theo tôi, khó tìm lời bình luận ngắn để nói đầy đủ về sự việc này. Tất cả chúng ta đều không thể chấp nhận những tiêu cực như vậy. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe của con người, thậm chí là tính mạng, mặc dù vụ đó theo như báo chí và các báo cáo thì chưa có hệ lụy liên quan đến sức khỏe hay tính mạng cụ thể của ai nhưng những sai phạm như vậy nếu không chấn chỉnh, không xử lý nghiêm thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Với tư cách cá nhân, tôi cũng rất đau xót vì đó là vấn đề đạo đức xã hội, vì đồng tiền mà bất chấp tất cả. Bộ Y tế đã báo cáo, có biện pháp chấn chỉnh. Khi có thông tin liên quan đến sự việc cụ thể, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đều có những chỉ đạo và không chỉ là chỉ đạo xử lý vụ việc cụ thể đó như thế nào, mà từng Bộ từng ngành phải xem xét lại toàn bộ hệ thống chủ trương liên quan có đúng không. Ví dụ trong trường hợp này, chủ trương xã hội hóa  phải đi kèm với quy định như thế nào, việc tổ chức thực hiện những chính sách ban hành của các cấp bên dưới có nghiêm túc không. Đây là sự việc buồn, đáng tiếc.

Các đồng chí quản lý bên Bộ Y tế lấy đây là sự việc để chấn chỉnh lại hệ thống. Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ của các cơ quan Trung ương mà là vai trò của các cấp, vai trò của nhân dân thông qua báo chí cũng rất quan trọng. Nhiều sự việc báo chí phát hiện ra, từ đó các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc, không chỉ xử lý vụ việc mà còn chấn chỉnh một cách có hệ thống.

PV Tố Như, Báo Nông nghiệp VN: Liên quan đến chính sách giữ 3,8 triệu ha đất nông nghiệp, nhiều địa phương gặp khó khăn trong giữ đất nông nghiệp, dẫn đến nhiều địa phương trả đất lúa, thậm chí “lách” về đất nông nghiệp. Chính phủ đón nhận thông tin thế nào, thời gian tới có phương án nào để thuận lợi nhất cho nông dân có thể sống trên mảnh đất của mình?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Tôi nhớ trong phiên họp này, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát nói một ý, hiện tượng trả đất lúa là rất cá biệt tại một số địa phương, chứ không phải cả nước. Chúng ta là nước nông nghiệp. Chúng ta nhớ lại, mấy chục năm trước chúng ta còn thiếu lương thực, khi đổi mới chính sách, chúng ta vươn lên, không chỉ gạo, mà tất cả các mặt hàng nông sản, trở thành một trong những nước xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới về nhiều mặt hàng nông sản. Chúng ta cần giữ vững an ninh lương thực. Nhưng cũng có 1 thực tế, nhiều người nói rằng, chúng ta làm lúa đủ tiêu dùng, không nhất thiết làm lúa để trở thành nước xuất khẩu số 1, 2 trên thế giới. Nhưng cũng cần lưu ý một thực tiễn, ở nhiều vùng nông thôn, nhất là ở vùng Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ điều kiện tự nhiên mà thói quen canh tác từ lâu đời là chỉ biết trồng lúa, cho nên chủ trương chung của Đảng, Nhà nước là phải giữ an ninh lương thực, mà đây còn là 1 ngành sản xuất.

Chúng ta cũng phải hiểu thật đúng chủ trương của Đảng là giữ đất lúa, nhưng không có nghĩa là chỉ trồng cây lúa mà chúng ta phải hiểu ở đây là trồng cây lương thực, sản xuất nông nghiệp. Tại sao chủ trương này thời gian qua chúng ta phải làm ráo riết?. Chúng ta đã biết, báo chí phản ánh rất nhiều một số năm trước đây chúng ta quản lý ở một số nơi có lỏng lẻo, cho nên chuyển một loạt đất lúa, kể cả lúa cao sản sang làm đô thị mới, KCN, trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy chưa nhiều. Chủ yếu chúng ta ngăn chặn việc chuyển đất lúa, đặc biệt là lúa cao sản, nông dân bà con hay gọi là bờ xôi ruộng mật, sang làm đô thị mới, làm nhà, cửa, KCN trong khi tỷ lệ lấp đầy chưa cao.

Còn khi giữ đất lúa bây giờ, Bộ NNPTNT đang được giao nhiệm vụ là tái cơ cấu nông nghiệp. Những vùng đất có thể kết hợp trồng lúa với các loại khác, không chỉ là cây lương thực như ngô, đậu tương, mà có thể trồng những cây như thanh long hay một loại cây ăn quả. Khi cần thiết, đất ấy chúng ta vẫn quay lại canh tác lúa được. Chúng ta nên hiểu như vậy.

Còn cá biệt thời gian vừa qua, có những nơi làm đất lúa dứt khoát chỉ trồng lúa, nông dân chuyển sang trồng ngô thì xử lý, hiểu như thế là không đúng.

Như Bộ trưởng NNPTNT nói, thời gian trước đây, trong vòng 1 năm  chúng ta chuyển đổi mục đích khoảng 50.000 ha, bây giờ mức độ chuyển thấp hơn hẳn, khoảng 20.000 ha vì nhu cầu vẫn phải công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhưng hạn chế ở mức thấp nhất có thể và giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực.

PV Bích Diệp, Báo Dân Trí: Xin hỏi Bộ trưởng vấn đề liên quan đến DN FDI như chuyển giá, bỏ trốn, thì Chính phủ có được tham vấn của các chuyên gia để giải quyết về vấn đề này hay không?. Trong cuộc gặp giữa lãnh đạo Chính phủ với các tập đoàn lớn như CocaCola, những tập đoàn, đại diện đối tác lớn thì vấn đề này sẽ xử lý như thế nào?

Thứ hai không chỉ DN FDI mà các DN trong nước cũng có hiện tượng “vắng chủ”, tức là người đại diện trước pháp luật chịu trách nhiệm về hoạt động của DN, tự nhiên biến mất, nhất là khoảng thời gian cuối năm 2011 đầu năm 2012 đặc biệt khó khăn về kinh tế, khi bị đòi nợ một số các ông chủ DN trốn đi, gây khó khăn rất lớn, không chỉ DN không phá sản được mà cả quyền lợi của người lao động cũng không biết làm sao, không biết thu nhập ra sao.

Năm 2012 Chính phủ đã có chỉ đạo để giúp người lao động ở những DN “vắng chủ” với chính sách hỗ trợ người lao động, dù để đảm bảo cuộc sống như lúc bình thường là khó nhưng hỗ trợ một phần để người lao động vượt qua khó khăn hoặc chuyển việc. Còn việc xử lý căn cơ tình trạng DN “vắng chủ” thì chúng ta cũng đã bàn, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa Luật Đầu tư năm 2005 vì khi xây dựng Luật Đầu tư 2005 thì chúng ta cũng chưa có hình dung hết vấn đề này. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể thì không phải vì chưa có luật mà không xử lý. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương, nơi có nhiều KCN, bám sát từng trường hợp cụ thể trên tinh thần làm sao để bảo vệ cho người chủ DN, cho tài sản chung của cộng đồng dù là của ai đã đầu tư vào sản xuất kinh doanh và đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của người lao động.

PV Từ Nguyên, Thời Báo Kinh tế VN: Thưa Bộ trưởng, gần đây trong dư luận cũng như trong giới chuyên gia kinh tế có thông tin cho rằng sắp tới rất có thể Chính phủ sẽ đưa ra gói kích cầu lớn hơn gói kích cầu năm 2009 rất nhiều. Bộ trưởng có bình luận về thông tin này và xác nhận thông tin này có thật hay không?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Mỗi khi các bạn nghe dư luận hay lời đồn về chính sách thì nên thận trọng vì lời đồn về chính sách sẽ liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Tôi khẳng định rằng Chính phủ kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý. Sẽ không có cái gọi là gói kích cầu lớn tới mức như bạn nói.

PV Hữu Hòe, Báo Đầu tư chứng khoán: Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Bộ Tài chính đã có kinh nghiệm thực tế trong quá trình xử lý cổ phần hóa chậm thời gian vừa qua. Chính phủ và các địa phương rất quyết liệt trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong các doanh nghiệp đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong bối cảnh cổ phẩn hóa cũng như thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước quá chậm như hiện tại. Chính phủ có quan điểm như thế nào về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Tái cơ cấu doanh nghiệp trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước chúng ta được biết là 1 trong 3 lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ rất quan tâm, bắt đầu triển khai từ các tập đoàn kinh tế trở xuống đến các tổng công ty. Sắp tới mỗi tập đoàn sẽ có nghị định của Chính phủ quy định rất cụ thể và tinh thần là các tập đoàn kinh tế Nhà nước chỉ tập trung vào ngành nghề chính.

Tôi cũng xin nói quan điểm của Chính phủ là giữ doanh nghiệp Nhà nước để lo phục vụ phát triển một số ngành sản xuất thực sự cần thiết cho quốc gia chứ không giữ doanh nghiệp Nhà nước như phương thức kinh doanh lấy lãi cho Chính phủ.  Nên về cơ bản, các doanh nghiệp Nhà nước được thành lập hay tiếp tục duy trì là để thực hiện nhiêm vụ đó.

Chúng ta cũng biết rõ rằng các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành mà cộng đồng xã hội thấy bức xúc nhất trong những năm trước đây chủ yếu là 2 lĩnh vực chứng khoán tài chính ngân hàng và bất động sản. Lúc đó thì trăm hoa đua nở, đua nhau đầu tư vào thì nay phải thoái vốn theo chủ trương của Chính phủ. Nhưng thoái vốn cũng phải có lộ trình vì vốn này là vốn của Nhà nước. Khi doanh nghiệp thoái vốn ra thì phải bán thế nào để lợi ích nhà nước không bị thiệt và được lợi nhất. Trong các cuộc họp, Thủ tướng, là cựu chiến binh, thương bình, nên thường nói vui, trên chiến trường cũng thế, có lúc tấn công có lúc lui, nhưng khi rút lui thì cũng phải có trật tự, có tổ chức chứ không phải là bỏ chạy. Còn Chính phủ cương quyết chỉ đạo phải thoái vốn nhưng làm có lộ trình chặt chẽ để đảm bảo lợi ích của Nhà nước và cũng không làm rối thị trường.

PV Hoàng Yến, Tạp chí Tài chính: Tôi xin hỏi về Quyết định 48 của Thủ tướng về việc góp vốn vào các tổ chức tín dụng. Đây có phải là hình thức quốc hữu hóa các ngân hàng nhỏ không? Và đối với các ngân hàng được chỉ định góp vốn vào các ngân hàng nhỏ, liệu có phải là hình thức sáp nhập, thu gom ngân hàng nhỏ vào các ngân hàng lớn hay không?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Chúng ta nhớ lại đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, hôm nay chính trong phiên họp cũng bàn đến chuyện đánh giá lại 3 năm qua. Nhớ lại đầu nhiệm kỳ Chính phủ là cuối năm 2011, lạm phát cao, nguy cơ mất an toàn của hệ thống ngân hàng khiến báo chí lên tiếng rất nhiều, chúng ta buộc phải tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực, trong đó có tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, phân loại các ngân hàng có hoạt động lành mạnh không, có nguy cơ gây đổ vỡ hệ thống không. Trong việc chấn chỉnh đó, có một biện pháp là đưa vào giám sát đặc biệt và kèm với lộ trình hướng dẫn các ngân hàng đó trên tinh thần tự nguyện và phải có việc tái cơ cấu vốn sở hữu kèm theo điều kiện giám sát.

Việc làm đó với mục tiêu lớn là củng cố hệ thống ngân hàng, không để đổ vỡ hệ thống nhưng không có nghĩa là Chính phủ áp đặt để quốc hữu hóa, lấy tài sản của cá nhân đưa vào Nhà nước. Đây là chủ trương rất nhất quán.

Tới đây, không chỉ các ngân hàng nhỏ, mà các ngân hàng chúng ta hay gọi là lớn cũng phải tiếp tục tiến trình này và chúng ta phải củng cố hoạt động, đổi mới hoạt động để từng bước có hệ thống ngân hàng vững mạnh, đủ quy mô, tầm vóc, uy tín, tiến tới cạnh tranh với bên ngoài.

Chúng ta bắt đầu từ nông nghiệp xuất khẩu ra bên ngoài, rồi dệt may và nhiều mặt hàng công nghệ cao xuất khẩu. Chúng ta cũng phải hướng đến tài chính ngân hàng, viễn thông hướng ra bên ngoài. Để được như vậy, chúng ta phải có những tập đoàn mạnh, đơn vị kinh tế mà cụ thể ở đây là những ngân hàng mạnh. Mạnh ở đây không chỉ ở quy mô mà phải hội tụ tất cả yếu tố theo tiêu chí đánh giá quốc tế. Tôi nhắc lại với bạn là Chính phủ không dùng biện pháp cưỡng ép như bạn gọi là “quốc hữu hóa” để lấy tài sản của tư nhân đưa vào Nhà nước.

PV Ngọc Thọ, Báo Thời đại: Từ sau năm 2015, khả năng ở khu vực phía nam có nguy cơ căng thẳng về nguồn điện vì các dự án về nguồn gần như không triển khai được.  Ở khu vực Hà Nội cũng căng thẳng do lưới và công tác giải phóng mặt bằng triển khai chậm. Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã có bước điều chỉnh và phương án gì cho tình huống này trong thời gian tới và nhất là sau năm 2015. Nhìn trong tổng thể chung, chúng ta có phương án nào về rà soát điều chỉnh tổng thể quy hoạch điện VII sát với thực tế cũng như lường trước tình trạng này?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Cảm ơn bạn đã có câu hỏi rất hay. Tôi xin nói với bạn, đương nhiên Chính phủ hết sức quan tâm tới quy hoạch sơ đồ điện VII, thực hiện đến đâu, đánh giá thế nào. Bởi chúng ta đều biết, điện không chỉ là thức ăn cho công nghiệp mà là thành quả của toàn bộ xã hội. Giả sử tưởng tượng không chỉ công nghiệp thiếu điện, nhà chúng ta không có điện hay quay lại ngày xưa mỗi ngày  mất điện mấy tiếng thì chắc xã hội sẽ đảo lộn hết.

Cho nên, bây giờ an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu,  một trong những ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế - xã hội. Chính phủ đánh giá thường xuyên và qua tất cả đánh giá như vừa rồi, chúng ta thấy một bước rất đáng mừng là qua rất nhiều năm kiên trì, bây giờ đến lúc lĩnh vực điện không phải trong tình trạng ăn đong nữa. Bây giờ chúng ta có công suất dự phòng là khoảng trên 20%. Chúng ta có 1 hệ thống lưới điện truyền tải cả nước.

Trước đây 1 đường dây 500KV thì có nhiều ý kiến nói là lãng phí, nhưng bây giờ làm thêm mấy mạch rồi, tới đây phải làm tiếp nữa để điều hòa chung trong cả nước. Tôi khẳng định với các bạn rằng từ nay đến năm 2015, điện nguồn đã no đủ, không thiếu. Đến cuối 2017, 2018, chúng ta vì một số dự án chậm tiến độ, trong chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, nhưng đúng như bạn nói là có 1 nguyên nhân do mặt bằng cũng chậm, cho nên có nguy cơ xảy ra thiếu điện cục bộ ở phía Nam. Ở phía Bắc thì không lo lắm vì vẫn dư về công suất, miền Trung thì đủ. Vì thế, một mặt Chính phủ đã chỉ đạo phải điều chỉnh sơ đồ điện VII. Việc điều chỉnh này rất thường xuyên, nhưng quan trọng là phải chỉ đạo để xây dựng làm sao tuyến truyền tải điện Nam- Bắc và Bắc- Nam vững chắc hơn. Thứ 2, phải đẩy nhanh và kiên quyết tháo gỡ khó khăn để một số dự án về phát triển nguồn điện ở khu vực phía Nam đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo không thiếu điện cục bộ vào giai đoạn cuối năm 2017, 2018, đầu năm 2019.

Có một loạt dự án như Long Phú, Vĩnh Tân, Duyên Hải. Lần này Chính phủ cũng nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo, xin Chính phủ cho chủ trương được thực hiện những dự án này như các dự án khẩn cấp. Có quy định về dự án khẩn cấp, tức là một số quy trình được rút gọn để tiết kiệm thời gian.

Chính phủ đã có nghị quyết biểu quyết là thông qua chủ trương này để Bộ Công Thương và ngành điện (ngành điện không chỉ có EVN, mà còn có các tập đoàn khác) tập trung làm. Thực hiện điều này để đảm bảo đến 2018, chúng ta sẽ tránh được thiếu điện cục bộ ở phía Nam.

Chính phủ đã bàn, lập ban chỉ đạo để nghiên cứu, bắt đầu xem xét điều chỉnh các quy hoạch dài hạn đến năm 2030. Như nói ở trên, an ninh năng lượng là rất quan trọng, nên Chính phủ không chỉ làm trong nhiệm kỳ, không chỉ làm 10 năm mà tính cả tới 20-30 năm.

PV Thanh Hải, Báo Đầu tư: EuroCharm vừa công bố khảo sát chỉ số DN của các DN châu Âu tại Việt Nam qua đó 40% DN EU đánh giá tiêu cực về dự báo tăng trưởng vĩ mô của VN và 1/5 DN được khảo sát dự định chuyển cơ sở kinh doanh sang các nước ASEAN xung quanh do đánh giá môi trường kinh doanh của VN không hấp dẫn bằng, Bộ trưởng đánh giá thế nào về điều này?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Chúng ta mở cửa cho DN thuộc tất cả các khu vực đầu tư vào VN, ngoài EU thì còn có DN ở các khu vực khác. Chắc các bạn cũng có số liệu trong tay. Tôi xin nói với các bạn là vốn đăng ký FDI từ đầu năm đến nay tăng 13%, giải ngân vốn FDI tăng gần 4%. Đánh giá của các tổ chức tài chính thế giới về kinh tế vĩ mô của VN là có dấu hiệu tốt, chỉ số cạnh tranh đều đánh giá có triển vọng tốt. Còn đương nhiên khi Euro Charm công bố chỉ số kinh doanh của các DN EU thì Chính phủ sẽ xem xét đặc thù DN EU, xem những gì các DN này chưa thỏa mãn với môi trường đầu tư của VN thì chúng ta sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ để cải thiện nhưng không thể lấy cái đó làm kết quả chung để đánh giá chung về đầu tư nước ngoài của VN có màu xám như vậy. Các số liệu đầu tư tổng thể đều là những số liệu “biết nói”, các bạn có thể xem những số liệu đó để từ đó rút ra có khu vực này thì tăng, khu vực kia có thể xuống. 

Cổng TTĐT Chính phủ

.
.
.
.