.
.

Một bước tiến trong phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 06/09/2013|09:08

 

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng, Nghị định 78/2013/NĐ-CP sẽ được thúc đẩy thêm một bước dài cả về chiều sâu và chiều rộng trong công tác phòng, chống tham nhũng.


Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng

 

Kể từ ngày 5/9, những quy định mới về minh bạch tài sản, thu nhập theo Nghị định78/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng để làm rõ thêm một số nội dung của Nghị định này.

Khắc phục tính hình thức khi kê khai tài sản, thu nhập

PV: Thưa ông, Nghị định 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ có những điểm gì mới nhằm khắc phục tính hình thức khi kê khai tài sản, thu nhập so với một số quy định trước đây?

Ông Trần Đức Lượng: Để khắc phục tính hình thức, nâng cao hiệu quả của giải pháp minh bạch tài sản, thu nhập, Nghị định 78/2013/NĐ-CP có quy định sửa đổi, bổ sung một số điểm so với các quy định tại Nghị định 37/2007/NĐ-CP và Nghị định 68/2011/NĐ-CP trước đây. Cụ thể như sau:

Về kê khai, Nghị định 78/2013/NĐ-CP đã quy định thống nhất đối tượng kê khai trong một văn bản thay thế quy định tại Nghị định 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 85/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng phải kê khai, theo đó cũng lược bỏ một số đối tượng xét thấy không cần thiết phải kê khai như giảng viên chính, bác sỹ chính, dược sỹ chính, thủ kho, thủ quỹ...

Quy định mới cũng làm rõ hơn nguyên tắc xác định giá trị tài sản, thu nhập phải kê khai. Nguyên tắc xác định giá trị tài sản phải kê khai giúp cho người có nghĩa vụ xác định tài sản và biến động tài sản phải kê khai một cách rõ ràng, hạn chế bớt sự tùy nghi so với các quy định trước đây.

Đặc biệt, quy định mới thống nhất việc kê khai theo một mẫu và chỉ thực hiện mỗi năm một lần thay cho việc phải kê khai nhiều mẫu với nhiều thủ tục như kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai khi bổ nhiệm, miễn nhiệm... trước đây.

Đối với việc công khai bản kê khai, trước đây việc này đã được quy định tại Nghị định 68/2011/NĐ-CP, tuy nhiên quá trình thực hiện còn có nhiều lúng túng, lần này Nghị định quy định rõ hơn về thủ tục, phạm vi công khai sát với thực tế các cơ quan, đơn vị thực hiện hơn do đó tính khả thi được nâng cao hơn.

Điểm mới hoàn toàn và nổi bật trong quy định lần này là người có nghĩa vụ phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Quy định mới này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể xem xét đến nguồn gốc hình thành tài sản của người có nghĩa vụ kê khai kế từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung có hiệu lực (1/2/2013).

Một điểm nữa cũng đáng chú ý là căn cứ để tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của cá nhân đã được mở rộng hơn như cho phép người có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản nếu có căn cứ cho rằng việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm chưa hợp lý, hay cho phép các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát có thể yêu cầu xác minh nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra xác định người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm liên quan đến hành vi tham nhũng chứ không phải chờ đến kết luận người đó có hành vi tham nhũng mới tiến hành xác minh.

Không hạn chế sự giám sát của cộng đồng

PVCó ý kiến cho rằng, việc công khai kê khai thu nhập chỉ thực hiện ở cơ quan, đơn vị; không thực hiện công khai tại nơi cư trú thì sẽ khó có hiệu quả thực sự bởi các nhân viên sẽ e dè, không dám lên tiếng mặc dù có nghi ngờ, đồng thời quy định này cũng sẽ hạn chế khả năng giám sát của cộng đồng? Xin cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Trần Đức Lượng: Minh bạch thì phải kê khai và phải công khai, nhưng công khai thông tin về tài sản cá nhân là vấn đề có xung đột pháp lý rất lớn, liên quan đến bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ.

Đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề có sự xung đột như trên cần phải cân nhắc đến thực tế về tâm lý, xã hội, hạ tầng kỹ thuật với hiệu quả thực tế mà giải pháp đó mang lại.

Việc chưa quy định công khai bản kê khai ở nơi cư trú là vì các điều kiện thực tế để thực hiện giải pháp chưa sẵn sàng.

Công khai bản kê khai ở cơ quan, đơn vị, nơi người đó thường xuyên công tác là giải pháp có đủ điều kiện để thực hiện trên thực tế. Công khai trước những người thường xuyên cùng làm việc, biết về con người, công việc của người đó, đánh giá người đó chính là một áp lực mạnh để tác động vào suy nghĩ của một con người.

Công khai là đưa thông tin ra và mong đợi thông tin phản hồi. Thời gian công khai có thể ngắn (một lần họp, một tháng niêm yết), nhưng thời gian để tiếp nhận thông tin phản hồi kéo dài cả năm, và nhiều điểm nhận thông tin phản hồi (cơ quan quản lý, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xác minh, cơ quan chức năng).

Cơ chế như trên và sự lan truyền về thông tin sẽ không hề hạn chế sự giám sát của cộng đồng.

Phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm

PV: Trong quy định về tài sản, thu nhập phải kê khai có thêm yêu cầu kê khai các khoản nợ phải trả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên và kê khai tổng thu nhập trong năm. Ông có thể cho biết lý do bổ sung 2 khoản này?

Ông Trần Đức Lượng: Tài sản và nguồn hình thành tài sản là 2 mặt của một vấn đề, một tài sản cụ thể phải có nguồn gốc của nó, một nguồn gốc về thu nhập phải thể hiện là một tài sản.

Quy định mới của pháp luật là người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm. Tài sản của một người phải có nguồn gốc từ tổng thu nhập của anh ta, nếu tổng tài sản đó lớn hơn tổng thu nhập thì có nghĩa anh ta còn nợ ai đó. Quy định kê khai thêm 2 khoản này xuất phát từ cơ sở đó.

PVNghị định vẫn giữ nguyên quy định về giá trị tài sản, tiền mặt phải kê khai là từ 50 triệu đồng trở lên, dư luận cho rằng quy định sẽ dễ bị “lách” khi người kê khai có thể sẽ chia nhỏ giá trị các khoản tiền và tài sản. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát sẽ khó thực hiện khi giữa các thời điểm kê khai, người kê khai có thể sẽ mua, bán tài sản? Vậy, sẽ có biện pháp giám sát cụ thể không, thưa ông?

Ông Trần Đức Lượng: Có 2 nội dung trong câu chuyện này, thứ nhất mức 50 triệu đồng sẽ giúp giảm bớt việc phải kiểm soát những tài sản nhỏ, một cách giảm tải để tập trung vào những nội dung lớn hơn.

Thứ hai, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của một người nào đó được thực hiện trên cơ sở các bản kê khai được kê khai trong nhiều năm, chứ không phải dựa vào duy nhất một bản và không phải chỉ có mỗi việc kê khai mà còn công tác xác minh.

Sơ đồ kiểm soát được xây dựng trên cơ sở khoa học nên việc “lách” bằng cách này, hay cách khác của ai đó sẽ không thể thực hiện được.

Có thể nói rõ hơn là, nhà, đất, xe hay tiền đều là hình thái cụ thể của tài sản, nó chỉ mất đi hoàn toàn khi tiêu dùng hết. Sự mua bán chỉ là chuyển từ dạng này sang dạng khác. Tài sản đó nếu không còn là nhà thì sẽ là tiền hoặc dạng tài sản khác, chứ chưa mất đi.

Tạo cơ hội chứng minh nguồn gốc tài sản

PVCác loại nhà, công trình xây dựng, các quyền sử dụng đất của người có nghĩa vụ kê khai nhưng lại đứng tên người khác cũng nằm trong yêu cầu kê khai, đây là một vấn đề được cho là khó xác định, kiểm tra. Vậy, Nghị định 78/2013/NĐ-CP sẽ giải quyết bài toán này như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đức Lượng: Minh bạch tài sản, thu nhập tạo ra cơ hội để người có nghĩa vụ kê khai tự chứng minh sự trong sáng của mình về tài sản trước tổ chức, trước xã hội, cho nên, nguyên tắc chi phối toàn diện là người có nghĩa vụ kê khai tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời trong kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Việc kiểm tra, giám sát của tổ chức được thể hiện ở chỗ công khai bản kê khai, yêu cầu giải trình và xác minh. Việc xác minh sẽ giúp kết nối với các chế định quản lý khác như thuế thu nhập cá nhân, quản lý đất đai, nhà cửa, xe cộ...

PVKê khai, minh bạch tài sản, thu nhập được coi là giải pháp then chốt, trọng tâm trong phòng ngừa, chống tham nhũng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Đức Lượng: Trước đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2007/NĐ-CP, Nghị định 68/2011/NĐ-CP và nay là Nghị định 78/2013/NĐ-CP. Điều này càng thể hiện, minh họa rõ sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn dân trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Khi Nghị định 78/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, chắc chắn công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được thúc đẩy thêm một bước dài cả về chiều sâu và chiều rộng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông./.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.