.
.

Chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Thứ Sáu, 11/10/2013|16:39

Năm 2013 có thể tăng trưởng chưa đạt yêu cầu, nhưng những nhân tố ổn định kinh tế vĩ mô đã tốt hơn nhiều so với những năm trước, hệ thống đã lành mạnh hơn. Kết quả này có đóng góp lớn từ hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thời gian qua. 

Kết quả nổi bật nhất của NHNN trong điều hành là góp phần kiềm chế lạm phát
Kết quả nổi bật nhất của NHNN trong điều hành là góp phần kiềm chế lạm phát

Đây là quan điểm của TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tại Chương trình Đối thoại-Chính sách: Chính sách tiền tệ, nhìn từ góc độ điều hành thực tế trên kênh VTV1 Truyền hình Việt Nam ngày 9/10.

Lãi suất giảm, tỷ giá và thanh khoản ổn định

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch: Bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11, kết quả nổi bật nhất của NHNN trong điều hành là góp phần kiềm chế lạm phát. Nếu như năm 2011, lạm phát vẫn ở mức trên 18%, thì năm 2012 lạm phát đã giảm còn 6,81%. Và năm 2013 lạm phát không còn là “con ngựa bất kham” và cũng chỉ ở mức tương tự năm 2012. Đặc biệt, tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối đã tăng lên đáng kể. Tiềm lực ngoại tệ của NHNN đã đủ mạnh, không để thị trường chợ đen “làm mưa làm gió” như thời gian trước đó.

Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch đã lưu ý: “Thành quả ổn định tỷ giá là một thành công lớn nhưng không nên chủ quan. Nếu tăng trưởng tín dụng, đầu tư trở lại thì áp lực thâm hụt cán cân vãng lai sẽ tăng lên, khi đó NHNN sẽ phải chịu thử thách mới. Nếu các vấn đề mất cân bằng của nền kinh tế chưa xử lý được từ gốc, nền kinh tế nóng trở lại thì việc ổn định tỷ giá không đơn giản. Việc kiềm chế lạm phát, đồng thời giảm lãi suất, về mặt lý thuyết mang lại những tác động trái chiều và rất khó thực hiện nhưng vừa qua chúng ta đã làm được điều này, đây là điểm rất tích cực”.

TS. Trần Du Lịch đánh giá hệ thống NHTM những năm trước đây là khá là bất ổn. Cụ thể khoảng cuối năm 2011, có hàng chục NHTM bên bờ vực phá sản và nguy cơ đổ vỡ hệ thống do thanh khoản kém, các ngân hàng nhỏ chạy đua về lãi suất. Điều này dẫn đến hình ảnh hệ thống ngân hàng vài năm trước đây ở Việt Nam khá kỳ lạ. Nếu như thế giới là “cá lớn nuốt cá bé”, thì ở Việt Nam là “cá bé quẫy đục nước”.

Hiện nay, trần huy động không còn ý nghĩa vì không NHTM nào còn ý định vượt trần. Lãi suất huy động chủ yếu vẫn dưới mức trần, thanh khoản có tính ổn định cao. Những yếu tố này đã khiến tình hình tài chính, ngân hàng ổn định hơn nhiều.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, những DN làm ăn tốt đều được vay lãi suất thấp. Các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh được nhiều ngân hàng “mời” vay với lãi suất 6,8%.

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, hiếm khi nào lãi suất cho vay thấp như hiện nay. Lãi suất huy động và cho vay tương đối phù hợp với nền kinh tế vĩ mô và tình hình vi mô của doanh nghiệp nhưng việc sử dụng nguồn vốn thế nào trong bối cảnh tổng cầu thấp là bài toán cần xử lý.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho rằng: Thống kê NHNN thời điểm cuối năm 2011 cho thấy lãi suất cho vay có khi lên đến 20-25% thì nay mức cho vay trung bình giảm một nửa còn khoảng 10%, thậm chí một số gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ còn giảm từ 7-9%/năm. Mức lãi suất đầu ra hiện nay đang ngang với năm 2005 - thời kỳ kinh tế phát triển ổn định. Chính vì vậy, hiện tại lãi suất không còn là nỗi “ám ảnh” của doanh nghiệp.

Giải quyết bài toán đầu ra vốn tín dụng

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu ra vốn tín dụng, TS. Trần Du Lịch cho rằng: Vấn đề hiện nay là phải giải quyết bài toán lãi suất giảm nhưng làm sao để dòng vốn đi vào nền kinh tế. Một tình trạng dẫn đến điểm nghẽn tín dụng hiện nay là có không ít doanh nghiệp đã sa vào vòng luẩn quẩn, vướng nợ xấu, nên khó hoạt động, vay vốn, mất uy tín thị trường, lại không bán được hàng, không trả được nợ.

Dù NHNN đã có chính sách tín dụng ưu tiên một số ngành, nhưng ngay trong một số ngành ưu tiên cũng có DN còn rất nhiều khó khăn.

Cho rằng giải quyết được nợ xấu là một yếu tố thúc đẩy tín dụng, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh, cần phải gấp rút giải quyết nợ xấu liên quan đến thị trường bất động sản. Nếu đòi hỏi ngay để nền kinh tế hấp thụ tín dụng như những năm trước đây là rất khó.

Khả năng hấp thụ tín dụng là một vấn đề, doanh nghiệp tốt thì “lười” vay vốn vì thị trường không mở thêm được. Nếu doanh nghiệp khó khăn, khát vốn, lại vướng vào nợ nần thì NHTM sẽ không dám cho vay.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra NHNN, cho biết: Với giải pháp triển khai đồng bộ về xử lý nợ xấu thì mừng nhất là tốc độ gia tăng nợ xấu đã được kiểm soát. 8 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng nợ xấu chỉ còn 1/3 của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tín hiệu tốt, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp còn khó khăn.

Theo báo cáo tài chính tín dụng cuối tháng 8/2013, sau khi đã xử lý các khoản dự phòng thì 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, việc phá “tảng băng” tín dụng phụ thuộc nhiều vào giải pháp doanh nghiệp. Nếu DN có phương án sản xuất kinh doanh tốt, trả nợ cho NH, các NH cũng rất sẵn sàng. Thực tế, thanh khoản hệ thống chưa bao giờ tốt hơn bây giờ, lãi suất ở mức hợp lý để trả nợ nhưng đầu ra tín dụng còn khó khăn, khu vực DN đang có vấn đề có động lực mới.

Nhưng theo TS. Trần Du Lịch, các NHTM hiện nay đang có tâm lý e ngại, lo lắng rằng nếu tăng trưởng tín dụng sẽ gặp rủi ro nợ xấu. Do đó, các bên gồm DN, NHTM và các cơ quan như chính quyền các địa phương, NHNN cần ngồi lại với nhau phân tích rõ hơn. Với những nơi cần vốn và có triển vọng tháo gỡ thì cần tích cực thẩm định và hỗ trợ kịp thời, không để điểm nghẽn như hiện nay.

Về phía NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho rằng: Các bộ, ban, ngành cũng cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế như tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN. Bên cạnh đó, cần cải thiện khả năng tiếp cận vốn của DN bằng cách tích cực thực hiện cơ chế bảo lãnh cho DN vay vốn, giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng XDCB của ngân sách; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, hoàn thiện thủ tục pháp lý về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ xử lý tài sản bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục công chứng...

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.