.
.

“Cứ tăng giá là phản ứng thì đất nước không phát triển được”

Thứ Ba, 15/10/2013|11:13

 

Trình bày các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong 3 năm 2011 - 2013, kế hoạch 2014 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã hơn một lần thoát ly văn bản để giải thích thêm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

 


Ông Vinh cũng cho biết, các bản báo cáo ở đây đã tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương tại kỳ họp vừa qua.

Theo báo cáo, một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch 5 năm như GDP, bội chi ngân sách, tỷ trọng đầu tư trên GDP... có thể không đạt kế hoạch.

Bộ trưởng Vinh cũng điểm một số yếu kém của nền kinh tế như kinh tế vĩ mô chưa thật bền vững, tốc độ tăng CPI vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP, xử lý nợ xấu còn chậm, dư nợ tín dụng tăng thấp...

"Chuyển nợ cho VAMC chỉ là làm trong sạch ngân hàng thôi chứ bản chất là nợ xấu của doanh nghiệp chưa xử lý được", Bộ trưởng Vinh giải thích thêm.

Bộ trưởng cũng thể hiện rõ sự lo lắng về tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2013 không được 29,5% như báo cáo dự kiến mà con số mới nhất chỉ đạt 29,1% đạt rất thấp so với mục tiêu Quốc hội cho phép.

Một trong những nguyên nhân của hạn chế yếu kém, theo Bộ trưởng là một số vấn đề có liên quan đến chủ trương, quan điểm phát triển còn khác nhau, chưa thông suốt, đồng thuận cao dẫn đến đổi mới thể chế còn ngập ngừng, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường, chưa tạo được đột phá để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Nói thêm hai chữ "ngập ngừng", Bộ trưởng sốt ruột: “Đường xá phải thu phí cao lên, ta chỉ thu dăm mười nghìn thì không thể đáp ứng được. Trung Quốc thu một trăm hai trăm nghìn thì mới làm được. Rồi dịch vụ công trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục lúc thế này lúc thế kia thì rất là khó khăn. Đề án đổi mới giáo dục vừa được Trung ương thông qua rất hay nhưng giải pháp về nguồn lực để thực hiện là không có mà chỉ đưa ra yêu cầu”.

Bộ trưởng Vinh cũng nhấn mạnh “vấn đề chính là xã hội hóa  cần được tính toán chỗ nào nên chỗ nào không nhưng cứ xã hội hóa là ta không đồng ý. Ví dụ giáo dục mầm non trước đây tư thục rất nhiều, đùng cái lại quay lại bao cấp gần như toàn bộ, cái đó chưa phải là đúng. Cho nên đây là cái ngập ngừng, chúng ta bao cấp còn nặng nề. Cứ tăng giá là phản ứng thì chắc chắn đất nước không phát triển được”.

Vị "tư lệnh" ngành kế hoạch và đầu tư cũng cho biết thêm trước Đại hội 12 của Đảng sẽ trình báo cáo cải cách toàn diện kinh tế, hiện nay đang tích cực xây dựng với sự tham gia của cả chuyên gia quốc tế.

Về kế hoạch 2014 - 2015, Bộ trưởng cho biết một số chỉ tiêu chủ yếu như GDP tăng bình quân 6% GDP, năm 2014 tăng 5,8%,  tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 31 – 32%, bội chi ngân sách dưới 5,3% vào năm 2015. Những chỉ tiêu này đã điều chỉnh nhiều so với ban đầu, ông Vinh lại ngừng lại giải thích thêm.

Thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và 3 năm 2011-2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 , Ủy ban Kinh tế cũng thể hiện nhiều ý kiến về các chỉ tiêu chủ yếu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, một số ý kiến đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ nên ở khoảng 5,5% sẽ là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30-31% GDP; tăng tín dụng ở mức 14-15%; đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%.

Một số ý kiến khác cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ dự kiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8% nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 13-15% so với ước thực hiện năm 2013, nhập siêu tiếp tục duy trì ở mức hiện nay. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP còn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%.

Về bội chi ngân sách nhà nước,báo cáo thẩm tra cho hay đa số ý kiến tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên nhấn mạnh phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển với địa chỉ cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Một số ý kiến không tán thành mức bội chi ngân sách 5,3% GDP , đề nghị cắt giảm triệt để chi thường xuyên, tiếp tục giữ dưới 5% GDP để bảo đảm an toàn nợ công và cân đối vĩ mô, Chủ nhiệm Giàu cho biết.

Sáng 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các nội dung nói trên.

Theo VNECONOMY.VN

.
.
.
.